(Đất Việt-24/11/2011) Có khả năng cất hạ cánh đường băng ngắn, trang thiết bị điện tử hiện đại, DHC-6 không đơn thuần là một thủy phi cơ đa năng mà còn là bước tiếp cận hoàn toàn mới của quân đội Việt Nam.
Mời xem bài này CHẢ HIỂU NỔI, VỚI CÁC "SĨ QUAN BÁO CHÍ"...
DHC-6 là một phát triển nâng cấp của máy bay DHC-3 Otter, máy bay thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 20/5/1965. Các biến thể sản xuất đầu tiên series 100-200 sử dụng 2 động cơ PT6A-20 công suất 550 mã lực/động cơ, biến thể series 200 cải thiện khoang hành lý lớn hơn để ngăn hành lý phía sau.
Ban đầu, thủy phi cơ này chủ yếu phục vụ với vai trò vận tải hành khách hoặc thực hiện các hoạt động nhảy dù phi quân sự.
Biến thể Series 300 sử dụng động cơ PT6A-27 cải tiến, công suất 680 mã lực/chiếc, cải thiện khả năng cất hạ cánh ngắn. Series 300 là biến thể thành công nhất của gia đình DHC-6, quốc gia sử dụng chủ yếu là Anh và Australia.
DHC-6 Twin Otter từ series 100-300 một mẫu máy bay thành công nếu xét về số lượng sản xuất và xuất khẩu.
Tổng cộng có hơn 800 chiếc đã được chế tạo, trung bình mỗi năm Viking Air sản xuất được 17,3 chiếc, một con số khá ấn tượng đối với một tập đoàn không mấy tên tuổi trong làng công nghiệp hàng không thế giới
Máy bay đạt được những thành công nhất định, trong đó điểm nổi bật nhất là khả năng hạ cánh trên đường băng ngắn nhất thế giới. DHC-6 Twin Otter tỏ cực kỳ hiệu quả khi hoạt động trên các đường băng cực ngắn trên các đảo, những đường băng thường xuyên bị thủy triều đe dọa.
DHC-6 Twin Otter được xuất khẩu cho hơn 40 quốc gia, phục vụ cả trong lĩnh vực dân sự và quân sự, thủy phi cơ này là sự lựa chọn hàng đầu cho các quốc gia ven biển, các quốc gia có nhiều đảo và quần đảo.
Năm 2008, tập đoàn Viking Air công biến thể hiện đại hóa series 400, một nỗ lực nhằm tiếp tục duy trì hình ảnh của thương hiệu này.
Điểm khác biệt lớn đầu tiên đó là việc trang bị toàn bộ hệ thống điện tử hàng không công nghệ số cho máy bay, ngoài ra, tập đoàn Viking Air còn mở rộng sự đa năng bằng cách trang bị thêm các công nghệ phục vụ cho mục đích trinh sát và tuần tra hàng hải quân sự ngoài chức năng chính là vận tải hành khách và hàng hóa.
Tính năng kỹ thuật
DHC-6 series 400 là một loại thủy phi cơ lưỡng dụng linh hoạt cao, có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc. Tuần tra đảm bảo an ninh hàng hải, theo dõi thời tiết, chụp ảnh hiện trường, đánh dấu vị trí trên biển, cứu hộ cứu nạn trên biển, vận tải hàng hóa và hành khách.
DCH-6 có khả năng cất hạ cánh trên đường băng rất ngắn, có thể cất hạ cánh trên biển và trên đất liền. Khi hạ cánh trên đất liền, máy bay sử dụng các bánh xe gắn phía dưới bộ phận hạ cánh trên biển.
Thủy phi cơ DHC-6 đang cất cánh từ mặt nước. Thông số cơ bản: Dài 15,77 mét, sải cánh 19,81 mét, cao 5,94 mét, trọng lượng rỗng 3365 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 5670kg, tải trọng hàng hóa 1135kg.
DCH-6 được trang bị tích hợp radar thời tiết hiển thị đa màu sắc, radar đo độ cao, máy ảnh tích hợp, hệ thống định vị toàn cầu GPS, hệ thống điều khiển và liên lạc vô tuyến hàng hải Loran-C và hệ thống thả phao đánh dấu vị trí trên biển, tất cả các trang thiết bị điện tử đều được phát triển trên nền tảng công nghệ số. Ngoài thiết bị điện tử tích hợp sẵn, thủy phi cơ DCH-6 có thể mang theo các thiết bị phụ trợ bên ngoài, hoặc bên trong khoang theo yêu cầu của phía khách hàng.
Thủy phi cơ DCH-6 series 400 được trang bị 2 động cơ phản lực cánh quạt PT-6A35 hiệu suất cao, tốc độ trung bình khoảng 300km/giờ. Hệ thống điều áp của máy bay được thiết kế với khả năng hoạt động tại độ cao 4,2km mà không cần oxy hỗ trợ. Máy bay có khả năng hoạt động tại độ cao tối đa là 8,5 km, tầm hoạt động 1248km với thùng nhiên liệu phụ trợ, 896km với nhiên liệu tiêu chuẩn mang trong thân. DCH-6 có khả năng hoạt động liên tục trong 6 tiếng đồng hồ.
Phi hành đoàn gồm có 2 người, khoang máy bay có thể chứa 18-20 hành khách hoặc hàng hóa tùy theo yêu cầu nhiệm vụ.
Bước đầu tiếp cận công nghệ điện tử phương Tây
Đoàn phi công hải quân đầu tiên của Việt Nam đã được gửi sang Canada để huấn luyện sử dụng thủy phi cơ lưỡng dụng đa năng DHC-6 Twin Otter series 400. Như vậy, Việt Nam đã tiến gần hơn tới việc sở hữu chiếc thủy phi cơ đa năng này, quan trọng hơn cả sự kiện này mở ra một hướng tiếp cận mới trong việc đa dạng hóa trang thiết bị vũ khí.
Ngoại trừ một số máy bay trực thăng do quân đội Mỹ để lại trong chiến tranh Việt Nam cùng một số trực thăng dân dụng mua của Eurocopter. Hợp đồng mua 6 thủy phi cơ đa năng DHC-6 Twin Otter series 400 là hợp đồng mua máy bay tuần tra biển phục vụ cho quân sự đầu tiên của Việt Nam với các nước phương Tây.
Việc sử dụng thủy phi cơ lưỡng dụng có nhiều điểm khác biệt so với các loại máy bay hạ cánh trên đường băng. Thủy phi cơ DHC-6 vừa có thể hạ cánh trên biển vừa có thể hạ cánh trên đường băng, điều này đòi hỏi công tác đào tạo phải hết sức bài bản.
Hơn nữa, đây là lần đầu tiên Việt Nam công khai mua mới và sử dụng loại máy bay phục vụ cho quân sự từ phương Tây, do đó việc gửi phi công sang nước bạn để huấn luyện là điều cần thiết phải làm. Công tác đào tạo không chỉ đơn giản là học lái máy bay mà còn cách vận hành các hệ thống liên quan theo công nghệ phương Tây, một lĩnh vực khá mới mẻ đối với Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Với khả năng cất, hạ cánh trên đường băng cực ngắn, sự có mặt của DHC-6 mang lại khả năng tiếp tế hàng hóa, nhu yếu phẩm, trang thiết bị cho một số đảo của Việt Nam có sẵn đường băng khá ngắn mà không cần phải mở rộng hay nâng cấp đường băng, một công việc có thể gây sự hiểu nhầm với các nước xung quanh.
Nếu chỉ xét về khả năng cơ động, DHC-6 không bằng các thủy phi cơ cùng loại của Nga hay một số nước khác, điều làm nên sự khác biệt của DHC-6 ngoài khả năng cất hạ cánh cực ngắn, máy bay còn được trang bị công nghệ trinh sát hàng hải đường không kỹ thuật số tiên tiến, một lĩnh vực mà các thủy phi cơ của Nga không có được.
Quốc Việt, Baodatviet.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét