Vibay

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Đại sứ Trung Quốc gặp Bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam về vụ đụng độ ngoài biển ?

(Nguoi-Viet.com - 07/11/11) Hôm Chủ Nhật, nhà báo Bùi Tín phổ biến một tấm hình do một thân hữu ở Hà Nội gửi cho ông về việc đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, Khổng Huyền Hựu, gặp đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và trung tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị vào ngày 2-11-2011.


Cuộc gặp mặt diễn ra tại Tòa đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội.

Lời nhắn của người gửi hình là “Đại sứ Khổng Huyễn Hựu gặp đại tướng Phùng Quang Thanh và trung tướng Ngô Xuân Lịch - chủ nhiệm Tổng cục chính trị, bàn về thực hiện thỏa thuận Trung -Việt sau khi Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng sang Bắc Kinh, để thực hiện nội dung, 'coi trọng Đại cục hữu nghị, tăng cường quan hệ chiến lược mọi mặt ...”

Hiện đang có nghi vấn có thể buổi gặp mặt này liên quan tới vụ đụng tàu vừa được tung hình ảnh lên mạng.

Đâm tàu hải giám Trung Quốc

Ba video clips phổ biến trên youtube với thời lượng khác nhau nhiều phần là cùng một vụ việc tàu tuần Việt Nam đâm tàu hải giám của Trung Quốc đang được những người quan tâm đến thời sự Việt Nam phổ biến và truyền nhau rộng rãi trên internet.

Một đoạn video clip có tựa là “Tàu Việt Nam đâm vào tàu hải giám Trung Quốc”. Một video clip khác có tựa là “Đuổi chó”. Video clip dài nhất là 6 phút 25 giây, cái trung bình là 3 phút 44 giây và cái ngắn nhất là 2 phút 42 giây.

Đây là hình ảnh hiếm hoi diễn tả cụ thể phần nào các căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc trong việc tranh chấp chủ quyền biển đảo.Trong một đoạn video clip, người ta nghe thấy những người trên tàu của Việt Nam nhắc nhở nhau trước khi tàu Việt Nam đâm vào mạn trái tàu hải giám của Trung Quốc: “Bám chặt vào”, “Mặc quần áo vào”…Rồi có tiếng va chạm lớn và hai tàu sát vào nhau. Không thấy có tiếng súng hay tiếng la hét. Cũng không thấy cảnh người từ tàu này nhãy sang tàu kia. Và cũng không biết có phải tàu Trung Quốc đang ở trong phạm vi hải phận Việt Nam hay không.

Trước đó, những người trên tàu Việt Nam nói với nhau, “Nó có cả con gái nữa…Nó quay (video) mình. Mình quay (video) nó.”

Khúc đầu thấy có một số người lố nhố trên tàu hải giám Trung Quốc nhưng khi hai tàu tiến sát đến nhau thì những người trên tàu Trung Quốc rút vào trong.

Không thấy máy quay phim hay video cỡ lớn mà chỉ thấy một người đứng trên tàu của Việt Nam ghi hình bằng máy điện thoại di động.

Các đoạn video nói trên không ghi ngày tháng nên không biết vụ việc xảy ra vào ngày nào, lúc nào cũng như tọa độ, thuộc vùng biển nào của Việt Nam. Chỉ có thể ước đoán khu vực có thể ở miền Trung và gần với quần đảo Hoàng Sa, nơi hay xảy ra các vụ tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển Việt Nam đánh cá. Hoặc tàu Trung Quốc bắt giữ hay đâm chìm tàu đánh cá của Việt Nam gần khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Cho tới nay, chưa thấy phía Hà Nội hoặc Bắc Kinh lên tiếng gì.






Chênh lệch về sức mạnh

Theo một số tài liệu, đụng độ giữa tàu của Việt Nam và tàu Trung quốc cũng đã xảy ra nhiều lần nhưng không được phổ biến tin tức.

Hai vụ tàu Trung quốc cắt cáp tàu thăm dò đầu khí của Việt Nam hồi cuối Tháng 5 và đầu Tháng 6 vừa qua là được tiết lộ cho báo chí. Trước đó từng xảy ra như vậy nhưng Hà Nội vẫn không để lộ ra trên mặt báo.

Việt Nam chỉ có một vài tàu cỡ nhỏ gọi là “cảnh sát biển”. Từ năm 2007 đến nay, đóng tại công ty đóng tàu Sông Thu ở Đà Nẵng, 3 tàu cho Cảnh sát Biển mang danh số CSB 9001, CSB 9002 và CSB 9003 mỗi chiếc trọng tải 1,500 tấn thuộc loại khá tân tiến với kỹ thuật của Hòa Lan (công ty Damen mà Việt Nam dự tính mua 4 chiếc hộ tống hạm trang bị hỏa tiễn lớp Sigma).

Trong khi đó lực lượng Hải giám của Trung Quốc có tới 91 tàu, nhiều tàu cỡ lớn trên dưới 2 ngàn tấn hoạt động thường trực trên biển Đông để uy hiếp Việt Nam.

Hiện Trung Quốc, ngoài lực lượng hải quân hùng hậu, còn có các tàu bán quân sự thuộc 8 cơ quan khác nhau từ Cục Thủy Sản, Bộ Nông Nghiệp, Cơ quan giám sát hàng hải nhà nước gọi tắt là hải giám, Cảnh sát biển Trung quốc, Cục an toàn hàng hải, cơ quan thi hành luật thủy sản v.v…

Cộng chung số tàu này lại, tuy không trang bị dữ dằn như hải quân, cũng có thể gọi là một hạm đội thứ tư ngoài 3 hạm đội chính thức của Hải quân Trung Quốc Hạm Đội Nam Hải, Bắc Hải và Đông Hải. (TN)


TÀU HẢI QUÂN VIỆT NAM ĐÃ NHIỀU PHEN XUA ĐUỔI TÀU TRUNG QUỐC

Kính chào bác Đào,

Trong phần bình luận tin thứ hai trên trang anh Ba sàm có một số ý kiến "giàu sức tưởng tượng" về đoạn video: Tàu Việt Nam đuổi tàu Trung Quốc .Tôi xin gửi bác xem bài báo này trên trang Tiền Phong ngày 2/6/2011 và ,nếu có thể, đề nghị bác cho đăng ở thông tin đầu trang để mọi người đều biết mấy năm nay lực lượng tàu Biên phòng của hải quân VN liên tục đẩy đuổi tàu Trung Quốc xâm phạm hải phận Việt Nam và đã chịu gian khổ,hy sinh như thế nào. Ngoài ra, khác với bọn hải tặc TQ, hải quân VN chỉ "đẩy đuổi" chứ không đụng chìm tàu hoặc bắt cóc tàu và ngư dân rồi đòi tiền chuộc..

Đẩy đuổi tàu Trung Quốc xâm phạm hải phận Việt Nam: Dai dẳng và khôn khéo
08:24 | 02/06/201
TP - Phát hiện và đẩy đuổi tàu lạ là cuộc chiến dai dẳng đòi hỏi lòng dũng cảm, sự khôn khéo của lực lượng Biên phòng trên biển.
Quyết liệt

Thiếu tá Nguyễn Văn Thương - Chính trị viên Hải đội 2 (BĐBP Đà Nẵng) kể, trong cuộc đấu tranh canh giữ vùng biển trước sự xâm nhập của tàu Trung Quốc, đã có 5 chiến sĩ trong đội bị thương, và đã được tặng huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm. Riêng Hải đội 2 năm ngoái được phong tặng Anh hùng.
Như trường hợp Trung sĩ Lê Thơm, người bị thương giờ đã xuất ngũ, là thương binh hạng 2/4. Thơm là một trong những chiến sĩ thường xuyên có mặt trong các chuyến tuần tra bảo vệ chủ quyền vùng biển. Mỗi chuyến tuần tra có khi mất 3 - 4 tháng trời lênh đênh trên biển. Đó là năm 2006, nhận được tin báo của ngư dân thông qua Bộ chỉ huy, Hải đội 2 lập tức lên đường. Ra tới Biển Đông, cách Sơn Trà khoảng 20 hải lý, có hơn 10 chiếc tàu Trung Quốc đang giằng co với đội tàu của ngư dân mình. Phát hiện tàu Biên phòng Việt Nam, tàu Trung Quốc bắt đầu tản ra, cố tình ngăn cản bằng cách chặt lưới, thả ngư cụ nhằm chặn hướng tiến của tàu Biên phòng.

Thiếu úy Nguyễn Tống Khiêm nhớ lại: Lúc đó trời nổi giông, sóng rất lớn nên việc áp sát tàu là rất khó. Tàu Trung Quốc cứ lựa khi sóng đánh ngược là húc mũi tàu vào tàu ta. Tàu này rất to, trang thiết bị hiện đại. Sau khi nhận được lệnh chỉ huy, anh em quyết định tác chiến nhanh gọn bằng cách phi thân nhảy sang tàu họ để kiểm soát buồng lái. Người đầu tiên là trung sĩ Lê Thơm. Khi tàu họ theo con sóng sụp xuống, anh Thơm nhảy qua, bất ngờ một nhóm ngư dân Trung Quốc kéo ra ngăn cản, gặp lúc tàu Trung Quốc trồi lên, thế là chân phải anh Thơm bị kẹp giữa 2 tàu, nát cổ chân. Ban chỉ huy đã điều gấp một chiếc tàu tốc độ cao, ra chở trung sĩ Thơm về điều trị. Cổ chân anh Thơm mãi mãi không thể lành lặn, buộc anh Thơm phải xuất ngũ bỏ dở tâm nguyện gắn bó với Bộ đội Biên phòng, để bảo vệ vùng biển Tổ quốc.
Trường hợp khác là Trung úy Đặng Văn Thoáng, người bị thương vì tàu cá Trung Quốc đâm thẳng vào tàu Biên phòng năm 2002. Lần đó, anh Thoáng đã nhảy sang tàu cá Trung Quốc, chỉ bị thương nhẹ. “Sau này, họ không còn chống trả như cũ, nhưng tần suất và số lượng không giảm, thậm chí tăng lên” - Trung tá Hoàng Ngọc Quỳnh, Hải đội trưởng Hải đội 2, nói.

Và khôn khéo

“Tàu cá Trung Quốc lấn chiếm ngư trường Việt Nam không chỉ rộ lên mấy ngày qua mà tình trạng này đã kéo dài mấy năm nay” - Thiếu tá Bùi Đình Quang - Hải đội trưởng, thuộc Hải đoàn 48 (Quy Nhơn), cho biết.
Tiếp xúc với PV Tiền Phong sau chuyến tuần tra, kiểm soát 6 tháng ngoài biển Đông, Thiếu tá Quang cho hay, theo kinh nghiệm nhiều năm làm công tác tuần tra bảo vệ vùng biển thuộc sự kiểm soát của Hải đoàn 48 (từ Ninh Thuận – Quảng Bình) thì phía Trung Quốc hình có chủ ý rõ ràng. Để hợp thức hóa việc đánh lấn sâu vào khu vực vịnh Bắc bộ Việt Nam, đội tàu cá Trung Quốc đã có tính toán và trang bị dụng cụ rất hiện đại, vượt xa đội tàu thuyền của chúng ta. Họ kéo từng đoàn từ 30-50 chiếc đánh lấn và sâu vào các vùng thuộc chủ quyền Việt Nam.
Thiếu tá Quang kể, nhiều lần đụng độ với tàu cá Trung Quốc, các anh đã nắm được cách thức hoạt động của họ nhằm lấn vào ngư trường Việt Nam. “Để đối phó lực lượng kiểm soát chúng tôi, phía Trung Quốc cho những loại tàu cá do người Hoa kiều (từng sống ở VN trước những năm 1975) có chút hiểu biết và thông thuộc tiếng Việt đi trước dò đường. Sau đó ngang nhiên kéo thành từng đoàn, nếu lực lượng chúng tôi phát hiện, họ dàn hàng che chắn cho các loại tàu lớn (loại 50-100 tấn) tẩu thoát. Đặc biệt, trước khi xuất phát sang vùng biển chúng ta, họ cho loại tàu thả câu (loại tàu nhỏ 30-50 tấn) đi trước rồi theo sau là cả đoàn lớn (trên 100 tấn) cào, quét kiểu tận diệt. Khi lực lượng kiểm soát phát hiện, họ cho tàu câu ra ngăn cản, chặn lực lượng chúng ta lại để cho loại lớn chạy ra vùng biển tổng hợp (vùng biển đánh bắt chung). Lúc đó, lực lượng kiểm soát cũng bó tay” – Thiếu tá Quang nói.
Hải đoàn trưởng Hải đoàn 48 - Thượng tá Nguyễn Danh Đường cho biết: “Hiện nay tàu cá Trung Quốc chủ yếu xuất hiện thành đoàn tại những vị trí như: đông bắc Cồn Cỏ (khoảng 40 hải lý), đông bắc Lý Sơn (45 hải lý), đông mũi Đại Lãnh - Phú Yên (60 hải lý), đông nam Cam Ranh – Khánh Hòa (80 hải lý)... ngang nhiên đánh lấn trên vùng biển thuộc chủ quyền của VN”.
Trung tá Hoàng Ngọc Quỳnh cho biết: “Thời gian gần đây, tàu cá họ cũng biết sợ, hễ thấy tàu Biên phòng mình là quay mũi bỏ chạy. Chúng ta vừa tuyên truyền, vừa cương quyết. Nói chung là mặt trận đấu tranh này rất cam go, cần phải khôn khéo. Nhưng không hề khoan nhượng”.

Nam Cường - Việt Hương ( TP)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét