Vibay

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Xuất hiện thế hệ bộ trưởng dám nghĩ, dám làm

Tiền Phong ngày 10/10/2011 - Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam trao đổi quanh câu chuyện dấu ấn cá nhân của người lãnh đạo và tín hiệu gần đây có một số bộ trưởng bước đầu thể hiện mình là người dám nói, dám nghĩ, dám làm.


Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh.

1, Theo GS, người lãnh đạo có cần tạo dấu ấn cá nhân không? Dấu ân đó nên tạo ra bằng lời nói, hành động hay hiệu quả công việc? GS hình dung như thế nào về xã hội và về lịch sử nếu lãnh đạo không có dấu ân cá nhân?

Trả lời:
Phù sa bồi đắp nên màu mỡ của châu thổ sông Hồng là do triệu triệu hạt cát li ti tích hợp lai. Vậy thì những hạt cát ấy có để lại “dấu ấn” không nhỉ? Ai mà chẳng để lại “dấu ấn” của mình trong cuộc đời, vấn đề là dấu ấn như thế nào.
Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống chẳng đã để lại dấu ấn quá đậm nét trong lịch sử đấy thôi. Dấu ấn ấy có sức cảnh báo quyết liệt cho hậu thế đấy chứ! Những ai định dẫm theo vết xe đổ ấy chắc phải suy nghĩ cân nhắc mỗi quyết định, mỗi hành vi của họ trước lịch sử. Mà lịch sử thì rất công minh, trước hết là công minh trong lòng dân : “Trăm năm bia đá thì mòn. Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”.
Chính vì thế, trong tâm thức Việt Nam, dấu ấn của Trần Hưng Đạo là mạnh mẽ biết bao! Không phải là ngẫu nhiên ngài là vị tướng duy nhất được nhân dân phong Thánh! Có “dấu ấn” nào lớn hơn thế? Cũng trong vương triều Trần, vua Trần Nhân Tông vứt bỏ vương quyền dưới chân núi để lập nên dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, dấu ấn Ngài để lại không chỉ lăng mộ linh thiêng bên cạnh chùa Hoa Yên, mà là lòng tôn kính của cả dân tộc đối một vị vua hai lần lãnh đạo đánh tan đế quốc Nguyên-Mông xâm lược đã ung dung từ bỏ ngai vàng để đi tìm một phương cách giải cứu đất nước và nhân dân trên một tầm cao vòi vọi. Với tầm vóc ấy, càng nghĩ càng thấy chiều sâu thẳm của “dấu ấn” Người để lại khó có đủ ngôn từ để diễn đạt nổi.

2, Trong cơ chế tập thể lãnh đạo, phải chăng sẽ khó khăn để tạo dấu ấn cá nhân? Gần đây có một số Bộ trưởng thể hiện mình là người dám nói, dám nghĩ , dám làm như Bộ trưởng Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Đinh La Thăng. Có nhận định cho rằng đang xuất hiện một thế hệ bộ trưởng mới, dám nghĩ khác, làm khác. GS có chia sẻ quan điểm này?

Trả lời :
Không gì vui hơn nếu có một “thế hệ bộ trưởng” như vậy xuất hiện. Sẽ là trì trệ và không gì nhàm chán bằng hiện tượng “quanh quẩn mãi chỉ vài ba dáng điệu, tới hay lui chỉ ngần ấy mặt người” được “cơ cấu” theo một công thức quá cũ kỹ và lạc hậu, hơn nữa, lạc điệu với nhịp phát triển của thế giới trong thời đại mà chuẩn mực chính là sự thay đổi. Hoàn toàn có lý với lập luận rằng : thế giới đã thay đổi, những ai chần chừ, tin rằng tương lai sẽ chỉ là sự tiếp tục đơn giản của quá khứ, sẽ sớm thấy mình bị hụt hẫng trước sự thay đổi. Họ sẽ bị buộc phải suy nghĩ lại khi mà đã quá muộn để tránh được điều không thể tránh khỏi. Thật ra thì nhìn ra bên ngoài,“thế hệ bộ trưởng” như anh nói đã xuất hiện từ lâu và hiện người ta đang tính chuyện phải có một “thế hệ” mới. Singapore là một ví dụ. Để trẻ hóa đảng cầm quyền nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, sáu thành viên kỳ cựu trong ban chấp hành trung ương gồm 18 người đã từ chức, kể cả Lý Quang Diệu, nhà “kiến tạo và canh tân vĩ đại” của đất nước này. Đấy là lý do về sự phát triển kỳ diệu của quốc đảo nhỏ bé nhưng tầm vóc thì lớn lao này sát cạnh ta. Hãy nhìn sang họ để suy ngẫm!

3. GS có cho rằng nên có cơ chế để QH và người dân “chấm điểm” Chính phủ và thành viên Chính phủ giữa nhiệm kỳ và kết thúc nhiệm kỳ?

Trả lời :
Vừa rồi báo chí có đăng tin bà Yingluck Shinawatra, Thủ tướng Thái Lan đã ghi điểm bằng sự chú ý cá nhân và phản ứng của chính phủ với nạn lũ lụt đang hoành hành tại Thái Lan. Bà đã đáp trực thăng xuống khu vực đê vỡ để trấn an lòng dân. Bà tận mắt chứng kiến cảnh lũ lụt ở hàng chục tỉnh cũng như cuộc sống khốn khổ của người dân, để có những cân nhắc về những gì mà không người tiền nhiệm nào có sự quan tâm đầy đủ. Đó là thiết lập và bắt đầu làm việc trên hệ thống hiện đại về kiểm soát, bảo tồn nước và quản lý lụt lội. Khó có thể kiểm soát được thời tiết và thiên nhiên, nhưng chắc chắn có thể làm những gì cần thiết để kiểm soát những hậu quả tiêu cực. Ngay sau khi nhậm chức, bà Yingluck đã giải quyết hai vấn đề chính sách rất khác nhau bằng cách tương tự.Phải do người dân “chấm điểm” thì bà Thủ tướng mới “ghi điểm” được chứ.
Thế là ngay sát cạnh ta, người ta đã chấm điểm và ghi điểm Thủ tướng và xem chuyện ấy là chuyện bình thường như hang ngày phải rửa mặt, quét nhà chứ có gì to tát lắm đâu? Người dân chấm điểm bằng dư luận qua “thông tấn xã vỉa hè”. Sang trọng hơn và đúng chức năng được Hiến pháp quy định, Quốc hội cần phải làm việc đó. Thì “ông nghị” Nguyễn Minh Thuyết chẳng từng kiến nghị phải thực hiện điều ấy đấy thôi. Chỉ tiếc rằng “ông nghị Thuyết” lại không có mặt tại Quốc hội kỳ này. Nhưng dù tiếc thì cũng phải thấy đây là chuyện dễ hiểu.

4. Có ý kiến lo ngại cho Bô trrưởng Vương Đình Huệ tuyên chiến với nhóm lợi ích đang thao túng giá xăng dầu chẳng khác nào hành động “bật diêm soi giá xăng”. GS có nghĩ lo ngại đó có cơ sở và có tiền lệ?

Trả lời :
Sự lo ngại đó là một phần thưởng đáng tự hào cho anh Vương Đình Huệ và là sức hậu thuẫn cho anh ấy chững chạc thực hiện chức năng đích thực của một bộ trưởng. Đồng thời nó cũng phản ánh một thực trạng của đất nước khi mà những đột phá nhằm đưa tới những đổi thay đang gặp phải sự chống đối của những thế lực mà anh gọi là “nhóm lợi ích” đòi hỏi những quyết sách mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước để chứng minh rằng nhà nước của ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân đủ sức để đặt lợi ích của đất nước lên trên hết và trước hết. Chỉ có điều “mỗi bước tiến mới sẽ tất yếu biểu hiện ra như là một sự xúc phạm tới cái thiêng liêng, là một sự nổi loạn chống lại trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng được tập quán thần thành hoá” đây là điều Hégel đã cảnh báo khi bàn về phép biện chứng. Tôi chắc rằng anh Vương Đình Huệ biết rõ cái tập quán được thần thánh hóa này.

5. Mới đây trong cuộc TBT Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ giới trí thức, GS Chu Hảo đã tha thiết “mong TBT thể hiện dấu ấn cá nhân”. GS Tương Lai có cùng mong muốn như vậy không? Vì sao?

Trả lời :
Vào đầu năm nay trong Hội nghị của UBTƯMTTQVN tôi có dịp gặp tân Tổng Bí thư khi ông chủ động chào tôi. Khi tôi bắt tay và nói lời chúc mừng, ông cười và hỏi : “Chúc mừng ư?”. Biết ông định nói gì, tôi trả lời : “Thì phải chúc mừng chứ. Và rồi tôi sẽ dõi theo những việc làm của Anh để có tiếp tục chúc mừng hay không”. Tôi nói đủ để mọi người cùng nghe và cùng vui vẻ với chúng tôi. Cách ứng xử của ông Tổng bí thư như vậy chẳng phải là đã để lại dấu ấn trong tôi đó sao?
Thời gian là vị quan tòa nghiêm minh nhất để đoán định phẩm chất, năng lực và hiệu quả của một chính khách. “Dấu ấn” như thế nào có khi không tùy thuộc vào dự định hay động cơ cá nhân. Voltaire đã từng nói với một đại quý tộc : "Tôi bắt đầu bằng tên của tôi, ngài kết thúc bằng tên của ngài." Và dẫn ra câu ngạn ngữ Đức : “Sự khác nhau giữa người thông minh và người không thông minh là : Người không thông minh nói điều mình biết, còn người thông minh biết điều mình nói ”. Vả chăng, lời nói cũng để lại dấu ấn, song việc làm và hiệu quả hay hệ lụy của nó mới là “dấu ấn” mạnh mẽ nhất.

6. Với điều kiện của nước ta hiện nay, tập thể lãnh đạo phải chăng ngay cả các bộ trưởng cũng sẽ khó khăn tạo dấu ấn cá nhân? Cái này thuộc vấn đề cách sống của cá nhân từng Bộ trưởng hay do lỗi của cơ chế buộc họ phải lựa chọn như vậy.

Trả lời
Cơ chế nào cũng có mặt trái. Đề cao trí tuệ thập thể có cái lý của nó. Thậm chí "các phần không chấp nhận được riêng rẽ có thể tạo nên một toàn thể chấp nhận được", đó là luận điểm củaAckoff, nhà điều khiển học bậc thầy. Nếu chúng ta hiểu rằng một cấu trúc là một tổng thể được tạo thành bởi những hiện tượng liên kết, khiến cho mỗi hiện tượng tùy thuộc vào các hiện tượng khác và chỉ có thể như nó đang là thế ấy trong những mối liên hệ giữa chúng với nhau thì một “tập thể” là một cấu trúc mà trong đó mỗi thành viên đều có mối quan hệ ràng buộc với nhau dưới những hình thức thô sơ nhất hoặc phức tạp nhất. Thế nhưng, dựa dẫm vào tập thể để lẩn trốn trách nhiệm cá nhân lại là một căn bệnh trầm kha hiện nay.

Câu chuyện xưa về Đông Quách tiên sinh chuồn khỏi đội hình thổi sáo khi nhà vua muốn nghe “độc tấu” vì y vốn chỉ “ăn theo” đồng đội chứ bản thân không biết thổi tưởng chỉ là “chuyện đời xưa” hóa ra lại rất “hiện đại” và phổ biến! Đấy là chưa nói đền một đặc điểm của thời đại là vai trò cá nhân được khẳng định mạnh mẽ, mỗi người có khả năng đối diện với cả thế giới và cả thế giới đang thách đố mỗi con người.

Cho nên , nếu “cơ chế” trói buộc và cản trở năng lực cá nhân thì phải đổi mới cơ chế đó. Ai đổi? Chính mỗi cá nhân phải làm việc đó. Và hình như chúng ta đang chứng kiến chuyện đó. Một vài biểu hiện mang tính đột phá vừa qua trong hành xử của một vài bộ trưởng dám chịu trách nhiệm về những quyết định của mình liệu có thể xem là vài cánh én báo hiệu mùa xuân? Đành rằng chỉ đôi cánh én không tạo được mùa xuân, song cũng có thể chúng báo hiệu mùa xuân sẽ về.

7. Theo GS, làm thế nào để chọn được những nhà lãnh đạo có tâm, có tài, có bản lĩnh khi mà hiện tượng chạy chức chạy quyền, tư tưởng địa phương cục bộ, chủ nghĩa bằng cấp đơn thuần, lý lịch đang không tạo cơ hội hoặc loại bỏ nhân tài đích thực? Cần liều thuốc đặc trị nào cho căn bệnh này ?

Trả lời

Có lẽ ai tìm ra được liều thuốc đặc trị này nên được phong thánh của thời hiện đại và nhờ điêu khắc gia đang phác thảo hoành tráng tượng bà mẹ anh hùng ở đất Quảng bỏ chút thời gian dựng cho bức tượng, nho nhỏ cũng được đỡ tốn tiền dân! Bởi lẽ, chuyện nhân tài đích thực bị bỏ quên, bị cho ngồi chơi xơi nước, rồi chuyện chạy chức, chạy quyền, rồi chủ nghĩa lý lịch… không chỉ là chuyện tư tưởng cục bộ địa phương mà có cội nguồn từ sự bất cập của một thể chế cần phải đổi mới. Có lẽ sắp tới đây, vấn đề sửa đổi Hiến Pháp sẽ phải đặt ra. Vì rằng, làm thế nào để thu dụng được người tài, khai thác và phát huy năng lực của họ đòi hỏi một cách nhìn mới, một tư duy mới chứ không chỉ là những lời kêu gọi và vài ba giải pháp được ban ra.

Xin gợi lại chuyện “Tam Quốc”. Chỉ riêng trên đất Dĩnh, nơi Khổng Minh ở ẩn, cũng đã có đến bốn người tài, trong đó có Từ Thứ, đấy là chưa nói đến Tư Mã Huy, người đã giảng giải cho Lưu Bị nhiều điều về cái lẽ hiền tài nơi đất Dĩnh ấy, và khi ra khỏi cửa đã ngẩng mặt lên trời mà than rằng : “Ngọa Long tuy gặp chủ, nhưng không gặp thời, tiếc lắm thay!”. Thật có lý khi người đời cho rằng Tư Mã Huy mới đích thực là một cao danh ẩn tích, đã quá thấu hiểu chữ “thời” nên không chịu dấn thân. Có lẽ không chỉ bên Tàu mới có Tư Mã Huy. Chẳng thế mà Bác Hồ từng tự phê : “Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận””.

Người tài và chính khách thời hiện đại, đặc biệt là trong thời điểm khó khăn hiện nay lại đang đứng trước một thực tế “Khi khủng hoảng trở nên trầm trọng, những cách tư duy thông thường không còn đúng nữa : cái bạn cho là tốt thực ra là tệ hại, cái mà bạn tưởng là thận trọng thực ra lại đầy rủi ro, và sự khôn ngoan lại hóa ra là dại dột”. Đó là khuyến cáo của Paul Krugman. Các bộ trưởng của ta, những người đang tạo ra những “dấu ấn đột phá” hay đang lặng lẽ thực thi trọng trách của mình đang đối diện với thách đố đó!

Theo Tiền Phong Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét