Bệnh nhân thường lo lắng nếu không đưa phong bì cho bác sĩ thì sẽ không được khám chữa tận tình (Ảnh minh hoạ: Gia Bảo)
Vẫn đưa, vẫn nhận.
16h chiều 12/10 tại hành lang tầng 2 khu sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, những chiếc chiếu giá 50.000 đồng vừa cho 2 người nằm được trải ra, người nhà đi theo chăm người đẻ nằm, ngồi la liệt.
Sát đó, một nhóm người đang bồn chồn, lo lắng, ánh mắt nhìn chăm chăm vào phía sau tấm sắt ngăn đôi giữa phòng chờ và phòng sinh nở. Một anh thanh niên tiến lại gần tấm song sắt, rút ví năm tờ 200.000 đồng, đếm đi đếm lại rồi đắn đo đưa cho người đứng bên trong. “Sợ vợ đau nên phải nhờ người nhà bên trong đưa cho bác sĩ gọi là chút tiền “bồi dưỡng” – anh nói.
Phía trong, một người đàn ông mặc áo vàng (áo dành cho người nhà vào chăm sóc sản phụ) gọi ra bên ngoài… chỉ đạo người nhà đi mua thêm một phong bì nữa và nói “vợ sắp đẻ, muốn có chút cảm ơn ca đỡ”.
Bệnh viện Phụ sản Trung ương là một trong 5 đơn vị (Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, E, K) cùng thực hiện cam kết không được nhận phong bì cùng một loạt hành vi ứng xử khác như thăm khám chu đáo bệnh nhân, tuyệt đối không trục lợi từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân....
Các nội dung này đã được thực hiện hơn hai tuần, nhưng tại đây không có các bảng biển thông báo để người dân được biết. “Hôm rồi tôi xem trên ti vi mới biết có chuyện này. Nhưng cứ khi nào mẹ tròn con vuông thì tôi vẫn phải chuẩn bị phong bì để cảm ơn bác sĩ” – Bà Hoa (La Phù, Hoài Đức, Hà Nội) đang chờ con dâu sinh cho biết.
Con dâu bà Hoa được xác định là sẽ đẻ thường, không phức tạp vì thế bà Hoa bảo làm phong bì khoảng 500.000 đồng để biếu kíp đỡ đẻ. “Đó là sự cảm ơn của gia đình với bác sĩ thôi nên tôi vẫn đưa dù bệnh viện cấm” – bà Hoa nói.
Bà Hòa (Bách Khoa, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng đang chờ con dâu sinh tại tầng hai, Bệnh viện Phụ sản cho hay, “việc đưa phong bì cho các y bác sĩ được coi là “ luật bất thành văn” rồi. Người sinh nở bình thường thì vài trăm, người khó khăn phải động đến dao kéo thì 1,5-2 triệu đồng là điều hết sức bình thường...”.
Không có nhiều người nhà bệnh nhân tại bệnh viện này biết được thông tin các bệnh viện nói không với phong bì và cả việc… cấm người dân không được đưa phong bì cho bác sĩ.
Nhưng hầu hết người dân khi được hỏi thì đều không có chút ngập ngừng, tiết lộ ngay, có cấm họ vẫn đưa. Người thì cho rằng, đó là lời cảm ơn của họ khi “mẹ tròn con vuông” cho bác sĩ. “Gia đình cũng phải nghĩ ngược trở lại đó là chút lòng thành với bác sĩ dù chỉ là vài trăm nghìn” – bà Hoa nói. Nhưng cũng có người cho rằng, nếu không có những “chất bôi trơn” như vậy thì lo ngại bệnh nhân sẽ không được bác sĩ quan tâm điều trị cẩn thận.
Trước cửa Nhà điều trị trung tâm, Bệnh viện Việt Đức một tấm bảng dựng ngay ngắn với những quy tắc ứng xử với người bệnh và gia đình người bệnh, nêu rõ y bác sĩ không đuợc nhận quà biếu của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trước. Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, y bác sĩ cũng không được có hành vi tiêu cực lạm dụng nghề nghiệp như biểu hiện ban ơn, có thái độ cử chỉ gợi ý nhận tiền, quà biếu của người bệnh và gia đình người bệnh.
Tuy nhiên, cũng giống như Bệnh viện Phụ sản Trung ương, bệnh viên này cũng chưa có một quy định xử phạt nào đối với người nhà bệnh nhân trong trường hợp cố tình đưa phong bì cho bác sĩ.
Chị Nguyên (Thuận Thành, Bắc Ninh) cho hay chị đưa người nhà lên bệnh viện Việt Đức từ hôm thứ 7 nhưng tới nay chưa mất một khoản tiền nào cả để bồi dưỡng cho bác sĩ.
“Nhưng bù lại, tiền khám chữa bệnh ở đây không những cao hơn rất nhiều so với những bệnh viện khác mà người bệnh chỉ biết được tổng số tiền mình phải trả khi ra viện. Có người nói là, tiền bồi dưỡng cho bác sĩ đã ở trong các khoản đó rồi” – chị Nguyên nói.
Nói “không” thật khó
Cũng có người gượng gạo, cũng có người thản nhiên như “chuyện thường ngày ở huyện” trong hành vi đưa phong bì cho y tá, bác sĩ.
Bà Hòa cho biết, trước khi vào phòng mổ như sợ gia đình bệnh nhân “quên”, sẽ có hộ lý nhắc nhở hết sức nhẹ nhàng và kín đáo: các bác sĩ làm việc mệt nhọc, gia đình cũng nên bồi dưỡng thêm.
Qúa trình trao đổi cũng diễn ra nhanh chóng và tế nhị, có những người lần đầu đến bệnh viện, họ phải đợi đến khi bác sĩ đi vào phòng vệ sinh mới dám rụt rè đi theo và dấm dúi nhét tiền vào túi áo rồi lí nhí nói vài câu cảm ơn hay nhờ vả.
Cũng có người đã thông thạo thì đưa tiền trực tiếp luôn cho y tá, cũng có người thì chọn cách cho vào phong bì nhưng không ghi tên. Có gia đình thì chuẩn bị mấy phong bì, ghi rõ tên tuổi của họ để bác sĩ tiện… thăm khám.
Với những người vừa mới nhập viện, chưa “thông tỏ đường đi lối về” của chiếc phong bì thì sẽ ngay lập tức hỏi những người xung quanh xem cần đưa cho ai, bao nhiêu tiền, đưa như thế nào?
Trong quy tắc ứng xử nâng cao y đức trong bệnh viện mà 5 bệnh viện trên cam kết còn có quy định, người nhà bệnh nhân không được đưa phong bì bồi dưỡng cho cán bộ nhân viên y tế. Nếu vi phạm lực lượng bảo vệ sẽ lập biên bản mời ra khỏi bệnh viện.
Nhưng bà Hoa (La Phù, Hoài Đức) cho rằng, chắc chả bao giờ bà bị đưa ra khỏi bệnh viện vì đưa phong bì cho bác sĩ cả. “Bác sĩ cứ cương quyết từ chối thì chúng tôi đành cầm về chứ biết làm sao” – bà Hoa cười nói.
Khi được hỏi về họ có kỳ vọng các bệnh viện có nói “không” được với phong bì hay không, bà Hoa cười nói, “làm được như thế thì phấn khởi quá”.
Nhưng không mấy người lạc quan được như bà Hoa. Chị Nguyên than thở: “chắc chắn là không thực hiện được, không đưa thì lỡ bệnh nhân nhà mình không được chăm sóc tử tế. Nông dân như chúng tôi thì chỉ có mang phong bì đi chứ chả bao giờ được nhận cái phong bì nào cả. Tôi chả hy vọng gì”.
Mọi thứ đắt đỏ, mỗi ngày chị Nguyên mất khoảng 50.000 đồng cho ăn uống, không thuê nhà trọ, buổi tối cũng như nhiều người khác, chị ngủ tại hành lang bệnh viện, tiết kiệm tiền mổ u não cho em trai.
Được biết, gia đình chị đã phải vay 80 triệu đồng và 1,5 cây vàng, bố mẹ già yếu, bán mỗi tấn thóc cũng chỉ được hơn 6 triệu đồng, mỗi lần nghĩ đến món nợ khổng lồ đó chị lại ứa nước mắt.
“Nhiều người bảo Việt Đức là bệnh viện tốt nhất để mổ u não nên nhà tôi cứ nhắm mắt lên đây. Tôi chăm em còn ở nhà tiếp tục lo tiền. Không biết, hóa đơn cuối cùng phải trả cho ca mổ này là bao nhiêu” – chị Nguyên tâm sự và mong mỏi rằng, những chi phí phải trả trong hóa đơn sẽ không đi kèm khoản tiền bồi dưỡng bác sĩ.
Bao giờ thì trong bệnh viện, những chiếc phong bì sẽ không còn đường đi của nó nữa? Thật khó vô cùng. Nhưng hãy kiên nhẫn thêm một chút, chờ xem.... ./.
Kết quả khảo sát mức độ hài lòng của bệnh nhân tại năm bệnh viện trên cho thấy:Bệnh viện K bị nhiều người được hỏi phàn nàn nhất với 63,3% ý kiến chưa hài lòng về thủ tục hành chính, thái độ phục vụ của cán bộ nhân viên y tế và thấp nhất là Bệnh viện Phụ sản Trung ương với 7% ý kiến phàn nàn./.
Nguồn: Tổ Quốc. Xem tin gốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét