Vibay

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

Chủ tịch nước đi Ấn Ðộ vì lò nguyên tử và hỏa tiễn Brahmos?

(Người Việt-10/10/11) Tháng 10 năm 2011 là một tháng bận rộn của các lãnh tụ CSVN vào lúc Ấn Ðộ đưa kế hoạch nhìn về hướng Ðông. Những nhộn nhịn từ thủ đô Hà Nội, thủ đô New Delhi, và cả thủ đô Rangoon của Miến Ðiện cho thấy dấu hiệu của một cái gì đó có vẻ hơi khác thường.

Việt Nam và Ấn Ðộ đều có những lời tuyên bố tiến tới hợp tác dò tìm và khai thác dầu khí trên biển Ðông bất chấp những lời phản đối và đe dọa của Bắc Kinh. (Hình: PVN)

Ðầu tuần này, ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Ấn Ðộ trong khi tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng đi Bắc Kinh vào cuối tuần.

Các chuyến đi của hai người cầm đầu đảng và nhà nước CSVN đến hai thủ đô của hai nước đông dân nhất thế giới, khác nhau về ý thức hệ và cũng kình chống nhau về biên giới lãnh thổ và ảnh hưởng, ở một thời điểm Việt Nam đang phải đối diện với các khó khăn nghiêm trọng về kinh tế cũng như về đối ngoại liên quan đến chủ quyền lãnh thổ.

Hai chuyến đi của hai ông Trương Tấn Sang và Nguyễn Phú Trọng sẽ còn tiếp nối thêm chuyến đi của ông Sang tới thủ đô Manila ngay cuối tháng này, càng làm cho người ta thêm chú ý và đánh dấu hỏi. Liệu có gì không ổn trong mối quan hệ “đồng chí anh em” giữa các lãnh tụ đỏ tại Hà Nội và tại Bắc Kinh?

Ngày 11 tháng 10, 2011, báo Time of India nói rằng nước này trải thảm đỏ đón rước chủ tịch nước Việt Nam rồi ngay hôm sau đón Thein Sein, chủ tịch Miến Ðiện.

Cả hai nước này, theo cách đánh giá của hãng thông tấn tư IANS của Ấn (Indo-Asian News Service) thì đang “có vấn đề với Trung Quốc.”

Vì có vấn đề gì đó nghiêm trọng lắm Myanmar mới dám ngưng dự án thủy điện do Trung Quốc xây dựng với tốn phí lên tới $3.6 tỉ USD. Ðập thủy điện này được xây dựng bằng tiền đầu tư của Trung Quốc và xuất cảng điện trở lại Trung Quốc.

Miến Ðiện lấy cớ dự án sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng chục ngàn gia đình khi di dời họ sang chỗ khác.

Xưa nay, Miến Ðiện được coi như một chư hầu của Bắc Kinh, là một nước quân phiệt sắt máu, tàn nhẫn chẳng thua xa Bắc Hàn bao nhiêu về đàn áp nhân quyền. Nhà cầm quyền quân phiệt Miến hiện vẫn bị LHQ cấm vận vì đàn áp nhân quyền dù năm ngoái đã trả tự do cho lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi sau 21 năm trời giam cầm hay quản chế sau khi bà đắc cử chức vụ tổng thống trong kỳ bầu cử phổ thông đầu phiếu năm 1989. Mới đây hai ngày, người ta ngạc nhiên khi thấy người cầm đầu cơ quan kiểm duyệt của Miến Ðiện kêu gọi tự do báo chí.

Bây giờ, Thein Sein sang tới New Delhi. Nhóm quân phiệt ở Miến Ðiện hối hận?

Còn Việt Nam, mọi người theo dõi tin tức đều thấy, đang bị Bắc Kinh chèn ép mạnh mẽ về chủ quyền Biển Ðông.

Sau chuyến sang Bắc Kinh họp hồi tháng 8, Thứ Trưởng Quốc Phòng CSVN Nguyễn Chí Vịnh nói trấn an báo chí nhà mình ngày 31 tháng 8, 2011 là “Một thực tế hiển nhiên là Trung Quốc cam kết không lấy đất, lấy biển của Việt Nam, và Việt Nam cũng không bao giờ nhượng bộ vô nguyên tắc về chủ quyền.”

Một tháng sau, báo đảng của Bắc Kinh (Hoàn Cầu Thời Báo) kêu gọi nên đánh Việt Nam sớm.

Theo báo Time of India, cả ông Trương Tấn Sang và ông Thein Sein đều ký kết với nước Ấn một số hiệp ước. Cả hai nước này, với những quan hệ rất sâu về mọi mặt và đặc biệt là Việt Nam lệ thuộc rất lớn vào Bắc Kinh về kinh tế, mối quan hệ với những nước khác, đúng ra, còn phải giữ ở một giới hạn không làm cho Bắc Kinh tức giận.

Tuy nhiên, những gì đang diễn ra có vẻ như đi xa hơn cái mà Bắc Kinh vui vẻ chấp nhận.

Việt Nam và Ấn Ðộ đều có những lời tuyên bố tiến tới hợp tác dò tìm và khai thác dầu khí trên biển Ðông bất chấp những lời phản đối và đe dọa của Bắc Kinh. Ông Trương Tấn Sang, hai ngày trước khi công du, tuyên bố với báo Ấn là “Việt Nam sẵn sàng để Ấn Ðộ và các quốc gia khác khai thác dầu khí trong vùng biển đặc quyền kinh tế của mình.”

Vùng đặc quyền kinh tế mà ông Sang nói đến, các lô 127 và 128, ngoài khơi hai tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, dính vào đường “Lưỡi Bò” mà Trung Quốc ngang ngược vẽ, lấy của người làm của mình rồi cấm đụng đến.

Lời lẽ cứng rắn của Bắc Kinh thể hiện trên các bài báo của đảng và nhà nước Trung Quốc không thể không phản ảnh lập trường của họ đối với vấn đề Biển Ðông. Việt Nam cũng đã lập lại thường xuyên những lời tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là “với các bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý không thể tranh cãi.”

Suốt 7 vòng thương thảo về các vấn đề biển Ðông giữa Bắc Kinh và Hà Nội, chỉ mới đạt được nguyên tắc tổng quát, theo báo chí CSVN, không biết là nguyên tắc gì. Dư luận được hiểu là nhà cầm quyền Bắc Kinh từ chối thảo luận bất cứ gì liên quan đến quần đảo Hoàng Sa mà họ đã cướp từ đầu năm 1974, nay đang xây dựng thêm cơ sở và vốn đã xây một phi trường trên đảo Phú Lâm (mà họ đổi tên thành đảo Vĩnh Hưng).

Theo báo Time of India và IANS, chủ đề chính chuyến đi của ông Sang là tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Không những Việt Nam muốn mua các hỏa tiễn Brahmos (tầm hoạt động 300 km sản xuất liên doanh Ấn-Nga) mà còn muốn Ấn cung cấp một lò nguyên tử nhỏ.

Từ nhiều năm trước, Ấn Ðộ đã ngỏ ý muốn tranh thầu xây nhà máy điện hạt nhân cho Việt Nam nhưng không thành công khi so sánh kỹ thuật và khả năng với những nước khác như Mỹ, Nga, Nhật, Pháp. Bây giờ, vì vấn đề chiến lược, Hà Nội tính lại cả chuyện phát triển năng lượng nguyên tử với Ấn ngoài chuyện muốn mua hỏa tiễn?

Báo Ấn Ðộ cũng dè dặt khi đưa tin như vậy và cho hay không có cơ quan nào của chính phủ Ấn Ðộ xác nhận các tin tức vừa nói.

Theo báo Phi Tempo thuật nguồn tin từ Bộ Ngoại Giao Phlippines, ông Trương Tấn sang, sau khi đi Ấn Ðộ về, sẽ sang thăm Philippines trước cuối tháng này. Hồi tuần trước, bộ trưởng ngoại giao của hai nước đã ký với nhau bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng và các lãnh vực khác.

Sự bận rộng ngoại giao của Hà Nội chắc chắn được Bắc Kinh theo dõi sát sao từng động thái. Từ đây, mối quan hệ không phải chỉ là giữa Bắc Kinh và Hà Nội mà rất có thể biến thành Hà Nội-Bắc Kinh-New Delhi tùy thuộc mối quan hệ “đồng chí anh em” Hà Nội-Bắc Kinh thế nào.

Theo Nguoi-Viet.com Xem tin gốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét