(Vietnamnet-15/09/11) Khi các cường quốc hàng hải có lợi ích chung về tự do hàng hải trên các vùng biển, cần thiết có bộ quy tắc cũng như tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin giữa các lực lượng hải quân khu vực.
Một số phương tiện truyền thông đã đưa tin về vụ việc giữa tàu chiến Trung Quốc và tàu hải quân Ấn Độ ở Biển Đông - vùng biển gần đây xảy ra nhiều tranh cãi. Trong vài tháng nay, Philippines và Việt Nam cũng đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc quấy nhiễu các tàu thăm dò dầu khí và tàu cá. Năm trước, Bắc Kinh đã gửi thông điệp tới những cường quốc hàng hải khác hoạt động ở Biển Đông khi coi đây là một "lợi ích cốt lõi" của họ.
Rõ ràng hơn, xu thế này sẽ dẫn tới sự đối đầu. Sức mạnh kinh tế, quân sự đang trỗi dậy của Trung Quốc cùng với sự phát triển mạnh của chủ nghĩa dân tộc càng làm gia tăng nguy cơ xung đột. Giải pháp tốt nhất để tháo gỡ căng thẳng là những cường quốc hải quân lớn nhất trong khu vực cùng ngồi lại, bàn thảo và đưa ra các nguyên tắc chung với hàng hải và thương mại trên biển.
Ấn Độ có những rạn nứt lịch sử với Trung Quốc. Quan hệ giữa New Delhi với Bắc Kinh từng tổn thương bởi cuộc chiến năm 1962 và những tranh chấp lãnh thổ khác chưa giải quyết được tại phía đông bắc Ấn Độ. Hai bên cũng có sự cạnh tranh mạnh mẽ về ảnh hưởng địa chính trị, đặc biệt khi chạy đua tìm kiếm các nguồn tài nguyên năng lượng.
Tài nguyên và ảnh hưởng địa chính trị
Chơi cờ trong lĩnh vực địa chính trị ngày càng được đẩy mạnh khi hải quân Trung Quốc và Ấn Độ muốn khẳng định sự hiện diện của họ tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương với tần số lớn hơn. Ấn Độ luôn quan ngại việc các lộ trình thương mại và cung cấp năng lượng ở Thái Bình Dương sẽ rơi vào tay hải quân Trung Quốc.
Tổng kim ngạch thương mại của Ấn Độ với các nền kinh tế Đông Á giờ đây vượt quá với EU hoặc Mỹ, trong khi hơn một nửa số thương mại của Ấn Độ giờ đây đi qua các Eo biển Malacca và Singapore. Thực tế kinh tế này đã dẫn dắt cho hoạch định chiến lược. Trong một phần của chiến lược "Hướng Đông", Ấn Độ đã ký kết hàng chục thoả thuận hợp tác quốc phòng trong thập niên qua với các quốc gia Đông Nam Á và Đông Á.
Đặc biệt, Hải quân Ấn Độ đã coi bảo vệ an ninh năng lượng và vận chuyển đường biển là ưu tiên hàng đầu. Tháng 12/2006, phụ trách hải quân - Đô đốc Sureesh Mehta - đã xây dựng khái niệm mở rộng "khu vực chiến lược lớn hơn" của Ấn Độ" bao gồm các nguồn tài nguyên tiềm năng dầu và khí nhập khẩu từ khắp nơi trên toàn cầu - từ Venezuela tới quần đảo Sakhalin.
Và không có gì bất ngờ, Bắc Kinh đã dõi theo chính sách "Hướng đông" của nước láng giềng với con mắt thận trọng. Họ phản đối các cuộc tập trận hải quân chung giữa Ấn Độ với Mỹ, Nhật Bản, Singapore ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Bắc Kinh tin rằng, tất cả việc này đều do Nhật Bản hay Mỹ khuyến khích để kiềm chế Trung Quốc.
Bắc Kinh rõ ràng không thoải mái với triển vọng trỗi dậy của Ấn Độ. Họ chế giễu lời kêu gọi của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton với Ấn Độ (đưa ra trong chuyến thăm Chennai gần đây) rằng, Ấn Độ cần đóng vai trò lớn hơn tại Đông Á. Trung Quốc thấy phật ý khi trong Đánh giá Quốc phòng Bốn năm của Lầu Năm Góc mô tả, Ấn Độ "như một nhà cung cấp mạng lưới an ninh ở Ấn Độ Dương và xa hơn nữa". Theo giới phân tích, các hoạt động hải quân Ấn Độ khuyến khích nhiều nước từ Hàn Quốc tới Nhật Bản hay Đông Nam Á "nhằm coi Ấn Độ như đối trọng có thể trong tương lai với Trung Quốc ở Đông Nam Á".
Vì thế Trung Quốc đang không ngừng mở rộng ảnh hưởng, và Ấn Độ cũng như vậy. Với Bắc Kinh, điều này có nghĩa là thiết lập sự hiện diện ở Ấn Độ Dương; với New Delhi, sự hiện diện hải quân ở Thái Bình Dương trở thành điều tối quan trọng cho chiến lược răn đe Bắc Kinh.
Lợi ích chung cho tất cả
Về các xu thế hiện nay, sự đối đầu hàng hải của họ có thể mở rộng hơn nữa trong một hoặc hai thập niên tới, khi một tàu sân bay Ấn Độ sẽ được triển khai ở Thái Bình Dương và một hàng không mẫu hạm Trung Quốc tới Ấn Độ Dương. Các lý do mơ hồ sẽ là bảo vệ thông tin liên lạc trên những tuyến đường biển của mỗi bên.
Trong trường hợp thiếu các nguyên tắc ràng buộc và sự tin cậy lẫn nhau, rắc rối có thể dễ dàng bùng nổ. Những tranh chấp không được giải quyết, cạnh tranh tài nguyên, vị thế và lòng kiêu hãnh một ngày nào đó có thể "kết tủa" thành cuộc xung đột vũ trang. Kể từ khi mọi cường quốc hàng hải đều có một lợi ích chung trong sự tự do hàng hải ở khắp các vùng biển toàn cầu, thì yêu cầu cấp bách đặt ra là bộ quy tắc cũng như tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin giữa các lực lượng hải quân khu vực. Ấn Độ Dương không thể được coi là vùng biển của Ấn Độ cũng như Biển Đông không phải là biển của Trung Quốc.
Ở cấp độ song phương, cần tránh những hành xử khiêu khích. Một điểm khởi đầu tốt có thể là một thỏa thuận như kiểu Thỏa thuận giải quyết các vụ việc trên biển năm 1972 giữa Mỹ và Liên Xô nhằm giảm thiểu các nguy cơ xung đột và ngăn chặn leo thang vấn đề. Hợp tác hải quân - tập trận chung, trao đổi và tương tác - giữa hai quốc gia có thể làm dịu căng thẳng, những thỏa thuận về không gian hoạt động có thể góp phần tránh đi đối đầu không cần thiết.
Ấn Độ không phải là nước duy nhất cần sự hiểu biết song phương với Trung Quốc. Nhật Bản cũng cần như vậy, cuộc tranh cãi xung quanh quần đảo Senkaku năm ngoái đã bùng nổ khi một tàu cá Trung Quốc va chạm với một tàu phòng vệ bờ biển Nhật Bản.
Nhiều điều ước song phương có thể áp dụng, nhưng phải phù hợp với hành động đa phương mạnh mẽ, như chính Trung Quốc và Ấn Độ tự gợi ý. Một hội nghị hải quân với những tên tuổi lớn ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương là hoàn toàn cần thiết - với sự tham gia của các nhà chỉ huy hải quân từ Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, Indonesia, Ấn Độ... để đưa ra những cách tiếp cận chung với thách thức.
Một diễn đàn như vậy sẽ tập trung toàn bộ các nền kinh tế lớn, những nhà tiêu dụng năng lượng chủ yếu với một lợi ích là đảm bảo an ninh đường biển, và các nguồn cung cấp năng lượng bền vững, ổn định. Nếu cơ chế đa phương không hoạt động, thì một hội nghị hải quân quy mô nhỏ hơn gồm Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản nên là điều tính tới.
Cần có hành động lớn hơn, rộng hơn từ cộng đồng quốc tế. Nếu không, các tham vọng ngày một lớn, cạnh tranh lợi ích, cơn khát tài nguyên có thể phá hỏng con đường tới thịnh vượng của châu Á.
Thái An (theo Wall Street Journal)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét