(BBC-06/09/2011) Chính phủ Trung Quốc công bố bạch thư cho chính sách tương lai giữa những quan ngại trong khu vực về tham vọng của nước này.
Toàn văn bạch thư - China's Peaceful Development
Trung Quốc nói họ muốn trở thành một nước giàu mạnh và chung sống hòa bình với các nước khác.
Bạch thư nói Trung Quốc sẽ không lập lại sai lầm của những cường quốc tìm cách chi phối các quốc gia khác.
Nhưng phóng viên BBC ở Bắc Kinh, Michael Bristow, nhận xét những gì được mô tả trong bạch thư về Trung Quốc và thế giới có chỗ dường như khác biệt so với trên thực tế.
Có thể tóm tắt cuốn bạch thư gần 10.000 chữ này bằng nhan đề của nó là ''Sự phát triển hòa hoãn của Trung Quốc''.
Giới lãnh đạo Trung Quốc đánh giá nước của họ ngày càng mạnh lên, chủ yếu nhờ mở cửa giao lưu với thế giới từ cách đây ba thập niên.
"[Chúng tôi muốn] xây dựng Trung Quốc thành một nước xã hội chủ nghĩa giàu, mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và hiện đại từ nay đến lúc kỷ niệm 100 năm của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào giữa thế kỷ 21," cuốn bạch thư viết.
Nhưng Trung Quốc trấn an các nước khác không cần phải lo sợ trước sự đi lên đó vì Trung Quốc sẽ không lập lại những sai lầm vốn đã đưa nhân loại vào vực thẳm của hai thế chiến.
"Sự phát triển hòa hoãn của Trung Quốc không giống như truyền thống lâu nay là một nước đang đi lên thường có khuynh hướng đi tìm sự bá quyền," bạch thư do Hội đồng Nhà nước công bố viết.
Tranh chấp lãnh thổ
Chính phủ ở Bắc Kinh nói họ muốn sự hợp tác đa quốc gia, đặc biệt thông qua Liên Hiệp Quốc.
Đây là một viễn kiến bao quát về vị trí của Trung Quốc trên trường thế giới trong những thập niên tới, dù cuốn bạch thư không đưa ra những đề nghị cụ thể.
Cũng không thấy bạch thư đề cập đến những chính sách Bắc Kinh đang theo đuổi vốn gặp sự chỉ trích ngay cả trong nước.
Bạch thư đánh giá người dân Trung Quốc nói chung đang có một cuộc sống đàng hoàng, nhưng không nhắc gì đến nguyện vọng của những người không đồng ý với nhận định này.
Người được trao giải Nobel Hòa Bình năm ngoái, Lưu Hiểu Ba, đang thọ án 11 năm tù vì giúp soạn thảo văn bản kêu gọi cải tổ chính trị.
Cuốn bạch thư nói đến chuyện giao hảo tốt đẹp với các nước láng giềng và giải quyết những bất đồng thông qua đàm phán.
Đây là điều được đề cập cụ thể trong phần nói đến tranh chấp lãnh hải giữa Bắc Kinh và các nước khác trong cuốn bạch thư.
Nhưng gần đây ít ra là hai nước, Việt Nam và Philippines, đã mạnh mẽ phản đối hành động của Trung Quốc trong Biển Đông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét