Vibay

Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

Nguồn gốc các dân tộc Việt Nam

Bài này nằm trong nhóm bài "Cơ sở dữ liệu Việt Nam"


Nơi cư trú của tổ tiên người Việt.

Dân tộc Việt Nam là một danh từ chung để chỉ các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam.
Một số người cho rằng nguồn gốc của các dân tộc Việt Nam bắt nguồn từ Trung Hoa, hoặc Tây Tạng, một số khác cho rằng nguồn gốc chính từ người Việt bản địa. Nhưng căn cứ vào các kết quả nghiên cứu gần đây, xem xét sự hình thành các dân tộc Việt Nam trong sự hình thành các dân tộc khác trong khu vực thì có thể nói rằng tất cả các dân tộc Việt Nam đều có cùng một nguồn gốc, đó là chủng Cổ Mã Lai[cần dẫn nguồn]. Quá trình hình thành các dân tộc Việt Nam có thể chia thành ba giai đoạn:

* Theo các nhà nhân chủng học, nếu phân chia theo hình dáng thì loài người được chia thành bốn đại chủng chính, đó là: Đại chủng Âu (Caucasoid), Đại chủng Phi (Negroid), Đại chủng Á (Mongoloid), Đại chủng Úc (Australoid, hay còn gọi là Đại chủng Phương Nam). Vào thời kỳ đồ đá giữa (khoảng 10.000 năm trước đây), có một bộ phận thuộc Đại chủng Á, sống ở vùng Tây Tạng di cư về phía đông nam, tới vùng ngày nay là Đông Dương thì dừng lại. Tại đây, bộ phận của Đại chủng Á kết hợp với bộ phận của Đại chủng Úc bản địa và kết quả là sự ra đời của chủng Cổ Mã Lai (tiếng Pháp: Indonésien). Người Cổ Mã Lai có nước da ngăm đen, tóc quăn gợn sóng, tầm vóc thấp. Người Cổ Mã Lai từ vùng Đông Dương lan tỏa về hướng bắc tới sông Dương Tử; về phía tây tới Ấn Độ, về phía nam tới các đảo của Indonesia, về phía đông tới Philippines.

* Cuối thời kỳ đồ đá mới, đầu thời kỳ đồ đồng (khoảng 5.000 năm trước đây). Tại khu vực mà ngày nay là miền bắc Việt Nam, miền nam Trung Quốc (từ sông Dương Tử trở xuống), có sự chuyển biến do chủng Cổ Mã Lai tiếp xúc thường xuyên với Đại chủng Á từ phía bắc tràn xuống, sự chuyển biến này hình thành một chủng mới là chủng Nam Á (tiếng Pháp: austro-asiatique). Do hai lần hòa nhập với Đại chủng Á mà Chủng Nam Á có những nét đặc trưng nổi trội của Đại chủng Á hơn là những nét đặc trưng của Đại chủng Úc. Cũng chính vì thế Chủng Nam Á được liệt vào một trong những bộ phận của Đại chủng Á.

* Thời kỳ sau đó, Chủng Nam Á được chia thành một loạt các dân tộc mà các cổ thư Việt Nam và Trung Hoa gọi là Bách Việt. Thực ra không có đến một trăm (bách) dân tộc nhưng quả thật đó là một cộng đồng dân cư rất đông đúc bao gồm: Điền Việt (cư trú tại Vân Nam, Trung Quốc), Dương Việt, Mân Việt, Đông Việt, Nam Việt (cư trú tại Quảng Đông, Trung Quốc), Lạc Việt (cư trú tại Quảng Tây, Trung Quốc và Bắc bộ Việt Nam),... sinh sống từ vùng nam sông Dương Tử cho đến Bắc bộ (Việt Nam). Ban đầu, họ nói một số thứ tiếng như: Môn-Khmer, Việt-Mường, Tày-Thái, Mèo-Dao,... Sau này quá trình chia tách này tiếp tục để hình thành nên các dân tộc và các ngôn ngữ như ngày nay. Trong khi đó, phía nam Việt Nam, dọc theo dải Trường Sơn vẫn là địa bàn cư trú của người Cổ Mã Lai. Theo thời gian họ chuyển biến thành Chủng Nam Đảo. Đó là tổ tiên của các dân tộc thuộc nhóm Chàm (xem hình vẽ).


Video dướ đây chỉ mang tính tham khảo


Việc xác định về mặt địa lý có thể hình dung như sau:

* Địa bàn cư trú của người Bách Việt là một tam giác mà đáy là sông Dương Tử, đỉnh là Bắc trung bộ, Việt Nam (xem hình, tam giác màu đỏ).

* Địa bàn cư trú của người Bách Việt và Nam Đảo là một tam giác mà đáy là sông Dương Tử, đỉnh là đồng bằng sông Mê kông, Việt Nam (xem hình, tam giác màu vàng).

* Địa bàn cư chú của hậu duệ người Cổ Mã Lai, mà ngày nay là phần lớn các cư dân Đông Nam Á là một vùng rất rộng kéo dài từ Ấn Độ đến Philippines theo chiều tây đông, và từ sông Dương Tử xuống đến Indonesia theo chiều bắc nam.

Các bằng chứng nhân chủng học

Các bằng chứng địa chất và khảo cổ học

Một trong các bằng chứng nổi bật nhất chứng minh các dân tộc Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có chung một nguồn gốc là việc các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra rất nhiều điểm tương đồng về một nền văn hóa rất phát triển gọi là Văn hóa Hòa Bình ở rải rác các nơi ở Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan,... Các nghiên cứu đã rút ra kết luận rằng:

* Có một nền văn minh Đông Nam Á cổ đại có mặt từ rất sớm, khoảng 15.000 trước Công nguyên. Nơi đây, con người biết trồng cây, làm đồ gốm, đúc đồng sớm nhất trên thế giới. Các vật dụng được khai quật ở tây bắc Thái Lan, miền bắc Việt Nam, Malaysia, Philippines, bắc Úc cho thấy họ biết làm những vật đó trước Trung Đông, Ấn Độ, Trung Hoa mấy ngàn năm.

* Nền văn minh Đông Nam Á không phải là hệ quả của việc du nhập từ các nền văn minh khác như Ấn Độ, Trung Hoa, Trung Đông mà ngược lại, văn minh từ Đông Nam Á lan tỏa đến các vùng khác như Trung Hoa 6.000 đến 7.000 năm trước Công nguyên: Văn hóa Long Sơn (Lungsan) và Văn hóa Ngưỡng Thiều (Yangshao) đều là hệ quả của Văn hóa Hòa Bình.

* Các dữ liệu mới chỉ tìm thấy cách đây vài chục năm như trên đã làm thay đổi cách suy nghĩ của các nhà khảo cổ học về sự tiến triển của các nền văn minh trên Trái Đất. Việc tìm thấy nền văn minh Đông Nam Á rất sớm đó có thể khẳng định các dân tộc ở vùng này là có liên hệ chủng tộc với nhau. Họ hoàn toàn không phải là hệ quả của các chủng tộc khác từ Trung Hoa tới.

Các bằng chứng sinh học phân tử

Bằng chứng về nguồn gốc người Việt có thể thu được từ các nghiên cứu về:

* Dấu chỉ bàn tay
* Nhóm kháng nguyên bạch cầu (HLA)
* DNA của ty thể (mtDNA)
* Vùng không tái tổ hợp trên nhiễm sắc thể Y (NRY)

Các bằng chứng ngôn ngữ học, văn hóa dân gian

Truyền thuyết "Con Rồng cháu Tiên" nói về nguồn gốc của dân tộc Việt.

Nguồn gốc dân tộc Việt bắt đầu từ họ Hồng Bàng. Vị vua đầu tiên là Kinh Dương Vương (vua nước Xích Quỷ) hiện còn có mộ tại làng An Lữ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ông lên làm vua vào khoảng năm Nhâm Tuất (hơn 2000 năm trước Công nguyên) sau đó lấy bà Long Nữ (con gái Thần Long là vua Hồ Động Đình), sinh hạ được Sùng Lãm (lấy hiệu là Lạc Long Quân). Ông lấy bà Âu Cơ (con gái Đế Lai) sinh ra 100 trứng, nở ra 100 người con. Một hôm nhà Vua bảo bà Âu Cơ: "Ta là giống Rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó". Bèn từ biệt, hai ông bà đồng ý chia hai số người con; năm mươi người con theo mẹ lên núi, số còn lại theo cha xuống biển. Sau đó, nước Xích Quỉ chia thành nhiều nước gọi là Bách Việt. Một trong các nước nhỏ này là nước Văn Lang. Lạc Long Quân về sau phong cho người con trưởng làm vua nước Văn Lang, xưng hiệu là Hùng Vương thứ 1, đặt quốc hiệu là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu (Bạch Hạc, Vĩnh Phúc hoặc Phú Thọ). Dòng dõi Hùng Vương lưu truyền được 18 đời, đến đời Hùng Vương thứ 18 thì bị nhà Thục lấy mất nước.

Một số nhà nhân chủng ngôn ngữ học đã xác định "một số từ Trung Quốc có gốc rễ từ các từ Việt cổ", như "giang" (江) có nghĩa là sông (xem Dương Tử Giang). 越, 粵, 鉞 trong Hán văn cổ đều có âm là "việt" và cùng nghĩa có thể thay thế lẫn nhau được. Ngày nay 鉞, "lưỡi rìu dùng trong nghi lễ" và có thể tìm thấy rất nhiều ở Hàng Châu, Triết Giang, là một phát minh của phương Nam; 粵 là tên gọi tắt cho tỉnh Quảng Đông; còn 越 chỉ Việt (Việt Nam) hoặc khu vực bắc Triết Giang bao quanh Thiệu Hưng và Ninh Ba.

Các tên gọi có thể có nguồn gốc phương Nam như Thần Nông, Nữ Oa vì không theo ngữ pháp tiếng Hán.

Các tập tục: ăn trầu, nhuộm răng,...

Các giả thuyết

Hiện giờ các một số giả thiết được cho là có khả năng dựa trên truyền thuyết cũng như các chứng tích khảo cổ.

Thuyết thứ nhất

Theo một số học giả Pháp: Thuyết này cho rằng người Việt Nam phát tích từ xứ Tây Tạng rồi dọc theo sông Nhị Hà tràn xuống miền trung châu Bắc Việt và phía Bắc xứ Trung Việt ngày nay. Sau những người này theo đà ấy tiến dần về phía Nam. ngày nay qua nhiều nghiên cứu khảo cổ, khai tích, sử sách cho thấy thuyết này sai lầm

Thuyết thứ hai

Theo học giả người Pháp - L.Finot: Thuyết này nói rằng người Việt Nam xưa thuộc giống Indonesian. Giống này bị giống Aryan đánh đuổi khỏi xứ Ấn Độ, phải chạy sang bán đảo Trung Ấn. Tại phía Bắc bán đảo, giống Indonesian hợp với giống Mongolian làm thành giống Việt Nam.

Thuyết thứ ba

Theo sử sách Trung Hoa, Việt Nam: Giả thuyết được phổ biến rộng rãi nhất nói rằng người Việt Nam xưa gốc ở miền hạ lưu sông Dương Tử tới miền bắc Việt Nam gồm nhiều nhóm cư trú ở các nơi khác nhau mà gọi chung là Bách Việt. Về sau bị người Hoa Hạ tràn xuống xâm lấn lãnh thổ, các nhóm này dần dần bị đồng hóa với Người Trung Quốc. Chỉ còn nhóm Lạc Việt ở miền Bắc Việt Nam là còn tồn tại được, chính là tổ tiên của người Việt ngày nay.

Tham khảo

Nguyễn Đình Khoa, Nhân chủng học Đông Nam Á, NXB ĐH và THCN, 1983
Phạm Đức Dương, Văn hóa học đại cương và cơ sở VHVN, NXB KHXH 1996
Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc VHVN, NXB TPHCM 2001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét