Vibay

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Trung Quốc đánh lạc hướng để độc chiếm tài nguyên Biển Đông

28/5/12-

(Trái hay Phải)- “Trung Quốc ý thức được rằng, nếu dùng hải quân đánh chiếm một số vị trí, chắc chắn sẽ khiến các nước trong khu vực và trên thế giới phản ứng rất mạnh mẽ. Cả thế giới sẽ không thể ngồi yên khi ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc được hiện thực hóa bằng vũ lực” – Ý kiến của TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. 

TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ

Bước tiến nhằm “độc chiếm tài nguyên Biển Đông”?


PV: - Vụ đụng độ giữa Trung Quốc và Phillipines ở khu vực bãi cạn Scarborough chính thức bắt đầu cho những căng thẳng trên Biển Đông năm nay. So với mọi năm, Trung Quốc nhắm vào Phillipines, thay vì Việt Nam, theo ông, có phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc chọn cách hành xử như vậy?


Trần Công Trục: - Theo tôi, việc Trung Quốc nhằm vào bãi cạn Scarborough của Phillipines là một sự tính toán có thâm ý, có ý đồ rất sâu sắc, nằm trong những chiến lược bài bản của họ.


Ở đây, tôi xin không phân tích về phép thử phản ứng Mỹ của Trung Quốc vì đã có rất nhiều chuyên gia đề cập tới vấn đề này.


Tôi chỉ phân tích về mặt địa chất và địa lý của bãi cạn Scarborough, một lý do quan trọng khiến Trung Quốc nhằm vào mục tiêu này.


Bãi cạn Scarborough được Trung Quốc coi là một bộ phận của quần đảo Trung Sa - một trong 4 quần đảo ở Biển Đông được Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của mình gồm: Tây Sa, Đông Sa, Trung Sa và Nam Sa - theo cách gọi của Trung Quốc).


Thực chất, nơi mà Trung Quốc gọi là quần đảo Trung Sa cũng là một bãi ngầm, phương Tây gọi là bãi ngầm san hô Macclesfield (Macclesfield Bank).


Theo Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc UNCLOS 1982 (phần 8, điều 121), bãi cạn Scarborough không phải là quần đảo, cũng không phải là đảo. Đó là bãi cạn san hô ngầm dưới biển, mang đặc trưng của vòng đai san hô của Thái Bình Dương, nằm ở giữa bãi Macclesfield và đảo Luzon (Phillipines), cách đảo Luzon khoảng 130 hải lý.


Vì thế, chỉ có thể coi đây là một bộ phận của thềm lục địa của quốc gia liên quan, tương tự như các bãi cạn thuộc thềm lục địa của Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei, Philippinnes.

Động vào Scarborough chứng tỏ Trung Quốc muốn gộp Scarborough vào cái gọi là quần đảo Trung Sa (phương Tây gọi là bãi Macclesfield).


Nếu lần này Trung Quốc thành công, tiền lệ Scarborough sẽ tạo cơ sở cho Trung Quốc tiến hành thêm những bước mới, mở rộng phạm vi của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mà họ tự nhận họ có quyền thuộc chủ quyền do sự mở rộng các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia của Trung Quốc.

Những vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa riêng có của các nước sẽ đối mặt với bước đi của Trung Quốc.


PV:- Những căng thẳng ở khu vực bãi cạn Scarborough vẫn đang tiếp diễn với nhiều động thái có vẻ rất cương quyết của Phillipines và Trung Quốc. Theo ông, liệu có khả năng xảy ra xung đột như năm 1974 hay 1988?


Ông Trần Công Trục:- Trước hết, ngoài lợi ích cốt lõi về mặt hàng hải trên Biển Đông, Mỹ còn là đồng minh thân cận của Phillipines, đã ký kết với nước này Hiệp ước Hợp tác phòng thủ năm 1951.


Mỹ đã không làm ngơ trước những căng thẳng ở Scarborough, thể hiện bằng cả phản ứng ngoại giao và hành động thực tế (đưa tàu ngầm tới khu vực bãi cạn Scarborough).

Nếu thực sự xảy ra xung đột vũ trang, Mỹ có trực tiếp tham gia không đang là câu hỏi nhưng Trung Quốc vẫn phải e dè về điểm này.


Mặt khác, theo tôi, Trung Quốc ý thức được rằng, nếu dùng hải quân đánh chiếm một số vị trí, chắc chắn sẽ khiến các nước trong khu vực và trên thế giới phản ứng rất mạnh mẽ. Cả thế gới sẽ không thể ngồi yên khi ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc được hiện thực hóa bằng vũ lực. 


“Đánh lạc hướng” dư luận thế giới


 
 

 "Họ đặt Phillipines vào thế lựa chọn, hoặc là Trung Quốc hoặc là không ai cả, vì nếu xảy ra những tranh chấp như vậy, các công ty nước ngoài sẽ ngại hợp tác."

 
      TS Trần Công Trục

PV:- Cố tình đẩy cao căng thẳng ở Scarborough, Trung Quốc nhằm vào mục đích  gì?


Ông Trần Công Trục:- Thực chất, họ nhằm vào mục tiêu kinh tế, biến khu vực vốn không có tranh chấp lãnh thổ thành khu vực tranh chấp.


Trong lập luận mơ hồ rằng, bãi cạn Scarborough là một bộ phận của Trung Sa (bãi Macclesfield), Trung Quốc có chủ quyền, họ muốn kéo Phillipines vào đàm phán song phương, để được cùng khai thác, cùng thăm dò tài nguyên khoáng sản ở xung quanh khu vực này.


Họ đặt Phillipines vào thế lựa chọn, hoặc là Trung Quốc hoặc là không ai cả, vì nếu xảy ra những tranh chấp như vậy, các công ty nước ngoài sẽ ngại hợp tác (Exxon Mobiles đã phải rút lui).

Đối với các nước trong khu vực và trên thế giới, dường như giải quyết tranh chấp theo cách như vậy cũng hợp lý, hợp tình, nhất là khi Trung Quốc vẫn luôn tuyên bố tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông khiến quyền lợi của họ chưa bị ảnh hưởng trực tiếp. Có thể nói, Trung Quốc muốn “đánh lạc hướng” dư luận thể giới để thực hiện ý đồ chiếm tài nguyên Biển Đông.


Sau Phillipines là Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei

 
 

"Các nước không trực tiếp bị ảnh hưởng bởi sự tranh giành chủ quyền của Trung Quốc cũng không thể yên ổn khi căng thẳng và an ninh khu vực không được đảm bảo.  Tôi chắc rằng, các nước ASEAN, những nước có liên quan chặt chẽ tới lợi ích và hiểu quá rõ bước đi của Trung Quốc sẽ sớm có tiếng nói đồng tình chung."

 
  TS Trần Công Trục

PV:- Trước các hành động phạm luật quốc tế của Trung Quốc, chẳng hạn vụ Scarborough,Việt Nam luôn bày tỏ sự phản đối đúng luật pháp quốc tế. Liệu đó có phải là do “truyền thống hòa hiếu của dân tộc Việt”? Ông đánh giá như thế nào về những ý kiến cho rằng, Việt Nam cần thể hiện thái độ một cách kiên quyết và mạnh mẽ hơn?


Ông Trần Công Trục:- Mọi phản ứng ngoại giao giữa các quốc gia cũng phải tính toán rất nhiều yếu tố, cân nhắc các mối quan hệ rất nhiều mặt. Theo tôi, dư luận phải chia sẻ và thông cảm với điều đó.


Dù sao, trong các sự kiện đã xảy ra, Việt Nam cũng đã có những tuyên bố về mặt nguyên tắc: các bên phải đàm phán hòa bình và tôn trọng các thỏa thuận đã ký kết như UNCLOS 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC 2002.


Tất nhiên, hi vọng Việt Nam có những tiếng nói mạnh mẽ, cụ thể và sâu sắc hơn cũng là nguyện vọng chính đáng của người dân. Đó là những nguyện vọng xuất phát từ lòng yêu nước, từ lợi ích quốc gia, dân tộc. Những người lãnh đạo hẳn sẽ quan tâm tới nguyện vọng này để có những bước đi cần thiết và phù hợp.


PV:- Ông bình luận thế nào về sự im lặng của Malaysia, Indonesia,  Brunei… ? Bởi dù muốn hay không, nếu Trung Quốc thành công, như một vết dầu loang, các nước này sẽ phải đối diện với tham vọng của Trung Quốc.


Ông Trần Công Trục:- Như tôi đã nói từ đầu, trước mỗi sự phản ứng, nhất là đối với Trung Quốc, các nước đều tính toán lợi ích hoặc là trực tiếp hoặc là lâu dài. Nhưng tôi tin rằng, không phải họ im lặng vì họ không biết đến nguy cơ đó.


Mục tiêu của Trung Quốc là nhằm tới lợi ích kinh tế trên các vùng thềm lục địa, các vùng đặc quyền kinh tế trong phạm vi đường lưỡi bò phi lý, đụng chạm tới lợi ích kinh tế của các nước trong khu vực. Chẳng ai có thể ngồi yên khi lợi ích kinh tế của mình bị xâm phạm.


Các nước không trực tiếp bị ảnh hưởng bởi sự tranh giành chủ quyền của Trung Quốc cũng không thể yên ổn khi căng thẳng và an ninh khu vực không được đảm bảo. ASEAN đã đạt được Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC, đang hướng tới mục tiêu thông qua Bộ quy tắc ứng xử COC trong năm 2012.


Tôi chắc rằng, các nước ASEAN, những nước có liên quan chặt chẽ tới lợi ích và hiểu quá rõ bước đi của Trung Quốc sẽ sớm có tiếng nói đồng tình chung.


PV:- Theo ông, ASEAN sẽ có vai trò như thế nào trong thuyết phục Trung Quốc từ bỏ tham vọng “đường lưỡi bò” một cách hòa bình?


Ông Trần Công Trục:- Vấn đề là làm sao đó để ngăn cản được bước phát triển gây ảnh hưởng tới lợi ích chính đáng của các quốc gia, đặc biệt về mặt kinh tế.


Theo tôi, hi vọng ASEAN trở thành một lực lượng thuyết phục Trung Quốc chỉ nhằm tới mục tiêu các nước có liên quan có thể đàm phán công khai, thẳng thắn, giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình.

Theo tôi, để thuyết phục Trung Quốc từ bỏ ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là rất khó, nếu không muốn nói là không thể.


Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta đừng nhìn hoặc buông xuôi. Lịch sử của Việt Nam cũng như nhân loại đã chứng minh, có những điều tưởng chừng như không thể vẫn trở thành điều có thể.


Trong câu chuyện Biển Đông hôm nay, điều đó phụ thuộc vào ý chí, quyết tâm của mỗi người dân, vào bản lĩnh và sự đoàn kết của mỗi quốc gia trong khu vực.


Ảnh nóng Trung Quốc tập tấn công mục tiêu trên biển Đông
  • Hoàng Hạnh (Thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét