Vibay

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

Việt Nam gấp rút tăng cường quốc phòng

Nam Nguyên, phóng viên RFA, 2011-10-20
Việt Nam thể hiện rõ ý định tăng cường khả năng quốc phòng với việc đàm phán mua 4 tàu hộ tống lớp Sigma của Hà Lan.



Kế hoạch về việc này được thông báo trong chuyến thăm chính thức vương quốc Hà Lan của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phái đoàn chính phủ Việt Nam hồi cuối tháng 9 vừa qua.

Hiện đại hóa Hải Quân

Đất Việt Online ngày 18/10 đưa tin này cho biết, Việt Nam và Hà Lan đã thống nhất về đơn giá của 4 tàu hộ tống tàng hình lớp Sigma. Tuy nhiên hợp đồng mua bán chưa được ký kết. Theo báo mạng Diễn đàn Doanh nghiệp, trị giá mỗi tàu hộ tống Sigma khoảng 1 tỷ USD, nhưng tổng hợp đồng có thể ít hơn 4 tỷ USD, do Việt Nam dự tính mua hai tàu lắp đặt tại nhà máy Schelde ở Vlissingen Hà Lan, hai chiếc còn lại sẽ sản xuất ở Việt Nam với chuyển giao công nghệ từ nước bạn.

Trong cuộc phỏng vấn của Nam Nguyên, đại tá Trần Liêm nguyên phó tư lệnh quân chủng phòng không không quân nhận định về việc Việt Nam thực hiện nhiều đơn hàng mua chiến cụ tối tân “Tăng cường ra biển không chỉ đơn thuần về kinh tế mà tất nhiên phải bảo vệ vùng biển nữa. Cho nên vừa rồi chủ trương chung là xây dựng lực lương hải quân phải tăng cường hơn, do vậy đã mua thêm tàu của Nga, mua máy bay Su 30 để có thể bay xa hơn ra được khu vực Trường Sa….rồi thì mua thêm trực thăng...Tất nhiên tăng cường lực lượng là để tự vệ vì vùng biển Đông vừa qua đã không bảo vệ được ngư dân đánh bắt cá, không bảo đảm được khai thác dầu khí.
Đây là vấn đề bức xúc, chủ trương hiện nay của Nhà nước cũng là tăng cường lực lượng vũ trang, đặc biệt nhất là hải quân và phòng không không quân. Tất nhiên là để chống tình trạng hải tặc và tranh chấp trên biển thì Việt Nam phải sẵn sàng có lực lượng để đối phó. Bên Trung Quốc hiện nay vẫn đang tăng cường lực lượng, Philippines cũng vậy do có tranh chấp trên Biển Đông”


Hà Lan có công nghệ đóng tàu tiên tiến, các nước đã mua tàu hộ tống lớp Sigma bao gồm Indonesia và Ma-rốc. Không có chi tiết về việc Việt Nam chọn loại tàu hộ tống Sigma nào vì có tới 4 loại khác nhau. Nhưng theo tài liệu quân sự, tàu hộ tống lớp Sigma loại thông thường có chiều dài gần 91 mét, chiều rộng 13 mét độ mớn nước 3,60 mét và lượng giãn nước tiêu chuẩn 1.692 tấn. Tàu có vận tốc tối đa 28 hải lý/giờ, nếu chạy với vận tốc 18 hải lý giờ tàu có tầm hoạt động tới 3.600 hải lý tức khoảng 6.500 km.

Khả năng tác chiến của tàu hộ tống lớp Sigma cũng khá mạnh, trang bị vũ khí gồm 4 bệ phóng tên lửa chống hạm MM40 Block 2; 2 bệ phóng tên lửa phòng không có điều khiển Mistral, một khẩu pháo 76mm; hai đại bác 20mm cùng nhiều ngư lôi chống tàu ngầm.


SU-30MK2 của VN - Giữa tháng 10/2011, Đoài loan triển khai tên lửa Thiên Kích 1 đến đảo Ba Đình (nằm trong quần đảo Trường sa) vì có báo cáo VN đã triển khai SU-27SK và SU-30MK2 ở Trường Sa.

Hải quân Việt Nam được mô tả là nghèo nàn và lạc hậu, do vậy chính phủ đã cấp ngân sách để Bộ Quốc phòng mua sắm chiến cụ đời mới, tuy về số lượng vẫn là quá ít so với Trung Quốc. Năm 2010, Hài quân Việt Nam đã tiếp nhận hai tàu hộ tống lớp Gepard 3.9 mua của Nga, một trong hai chiếc được đặt tên là Đinh Tiên Hoàng. Ngoài ra Việt Nam sắp thiết lập hạm đội tàu ngầm gồm 6 chiếc lớp kilo cũng mua của Nga. Bên cạnh đó, Không quân cũng được trang bị mới 12 chiến đấu cơ tối tân Su-30MK2 cũng do Nga sản xuất. Theo thông tin ghi nhận, trước đây Việt Nam đã mua của Nga 4 tàu hỏa tiễn lớp Tarantul I và tàu chiến siêu tốc Molnya được trang bị tên lửa siêu âm chống hạm và tên lửa phòng không tầm ngắn.

Hoạt động bảo vệ biển còn giới hạn

Có thể do khả năng giới hạn và lực lượng mỏng tàu chiến Hải quân Việt Nam ít xuất hiện trên Biển Đông, cũng chưa có trường hợp nào tàu chiến Việt Nam giải cứu tàu cá của ngư dân khi họ bị tàu Trung Quốc bắt giữ trấn lột. Đoạn âm thanh sau đây minh họa thực tế tàu Trung Quốc thống lĩnh Biển Đông trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam:

“Nó bắn mấy phát súng mình chạy miết… tàu nó lại cản trở không cho mình làm….”

Hoặc như ngư dân Đà Nẵng kể lại là họ ít khi thấy tàu Hải quân Việt Nam xuất hiện trên biển mà chỉ thấy tàu Trung Quốc:

“Thấy tàu của Hải Quân VN đi ở 110 độ kinh đông trở vô 16 độ vĩ Bắc trở xuống chứ còn lên 17 Bắc-111 đông thì không có Việt Nam mình, chỉ có tàu Trung Quốc thôi.”

Khi đưa tin về việc Việt Nam đàm phán mua tàu chiến Hà Lan, báo chí cũng đề cập tới việc Việt Nam tiến tới tự sản xuất tàu chiến để tiết giảm chi phí và sự lệ thuộc nhà cung cấp nước ngoài. Đại tá Trần Liêm nguyên Phó tư lệnh quân chủng phòng không không quân nhận định:

“Việt Nam có chủ trương Cảng Cam Ranh sẽ là cơ sở sửa chữa và đóng tàu kể cả cho tàu quốc tế có thể đi lại... Hiện nay cơ sở đóng tàu Vinashin của Việt Nam đang bị lỗ chưa làm được tốt. Nhưng Nhà nước vẫn kiên quyết phải củng cố nó lại, như vậy phải nâng trình độ đóng tàu của Việt Nam lên. Đây là nhận thức đúng nếu anh muốn xây dựng Hải quân mạnh thì phải có căn cứ sửa chữa, trong các ký kết với Ấn Độ cũng có việc Ấn Độ giúp sửa chữa tàu thủy….”


Báo Tuổi Trẻ Online hồi đầu tháng 10 đưa tin, lần đầu tiên Quân đội Việt Nam đã sản xuất được tàu chiến chi phí 1 triệu USD thay vì mua của Nga là hàng chục triệu USD. Nhà máy đóng tàu Hồng Hà tức Z173 ở Hải Phòng đã thành công trong việc đóng mới một tàu chiến loại TT400TP. Đây là lớp tàu pháo có vũ khí điều khiển tự động, tàu trọng tải 400 tấn chiều dài 54 mét chiều rộng 9 mét tốc độ tối đa 32 hải lý/giờ. Tàu có thể hoạt động liên tục 30 ngày đêm trên biển với hải trình 2.500 hải lý. Tàu pháo TT400TP có thể đảm nhiệm 4 nhiệm vụ trên biển là tấn công tiêu diệt tàu đổ bộ và tàu hộ tống của địch, bảo vệ căn cứ hải quân, bảo vệ tàu dân sự trên biển và trinh sát chiến thuật cảnh giới mặt nước.

Tàu pháo TT400TP đã được chính thức nghiệm thu ngày 27/9, vũ khí khí tài trên tàu đã thử bắn đúng mục tiêu. Để thực hiện dự án này hàng trăm kỹ sư giỏi nhất của Z173 đã đi tu nghiệp ở nước ngoài trong thời gian hơn ba năm. Dự án TT400TP sản xuất tại Việt Nam chỉ mua bản vẽ thiết kế sơ bộ trị giá vài trăm ngàn USD.
Đây là một bước ngoặt lịch sử về công nghệ đóng tàu quân sự của Việt Nam. Hiện nay Việt Nam còn rất nhiều khí tài quân sự có từ thời chiến tranh cần

được phục hồi. Cựu Đại tá Trần Liêm phát biểu:

“ Đúng là quân đội Việt Nam muốn tự túc, nhưng khả năng công nghiệp còn thấp quá, hiện đang từng bước xây dựng lên. Nói chung cả cuộc chiến tranh trước đây đều nhờ cậy vũ khí của Nga và Trung Quốc. Vũ khí bộ binh cỡ nhỏ phần lớn của Trung Quốc, hạng nặng như máy bay tên lửa chủ yếu của Nga. Hiện nay có khó khăn về phụ tùng thay thế, có thể đã có ký kết với Ấn Độ để nước này trợ giúp sửa chữa những loại vũ khí còn lại sau chiến tranh.”


Tàu pháo TT400TP do Việt Nam sản xuất đã được chính thức nghiệm thu ngày 27/9.VNdefense.

Cùng với việc báo chí đưa tin Việt Nam đàm phán để đặt mua 4 tàu Hộ tống lớp Sigma của Hà Lan, hôm 18/10 Thông tấn xã Interfax đưa tin Nga vừa giao hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion thứ hai cho Việt Nam theo hợp đồng ký kết hồi 2005. Hồi giữa năm ngoái Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tiếp nhận hệ thống Bastion thứ nhất, có tin nói Việt Nam sẽ đặt hàng thêm loại vũ khí hiện đại này. Một tổ hợp Bastion có thể bảo vệ một vùng bờ biển trải dài 600 km với các tên lửa có tầm hoạt động từ 120km tới 300km. Được biết Tân Hoa Xã của Trung Quốc nhận định là Việt Nam sẽ bố trí các tổ hợp tên lửa Bastion tại bờ biển miền Trung để đối phó với mối đe dọa trên Biển Nam Trung Hoa tức Biển Đông Việt Nam.

Việt Nam đang gấp rút hiện đại hóa Hải quân và Không quân và khả năng của Việt Nam chỉ là tự vệ chứ không có mục đích tấn công như lời các lãnh đạo Việt Nam tuyên bố.

Theo RFA. Xem bài gốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét