Bài báo Tham khảo đăng trên RFA Tiếng Việt
Đã có tới 6 chuyến thăm viếng qua lại giữa các giới chức cao cấp Việt Nam Ấn Độ trong năm 2018.
Tháng Giêng 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Ấn Độ.
Tháng Ba 2018, cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm New Delhi.
Tháng Sáu 2018 Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, bà Nirmala Sitharaman, thăm Việt Nam.
Tháng 10/2018, Trung tướng Lê Huy Vịnh của Không quân Việt Nam thăm Ấn Độ.
Từ ngày 18 đến ngày 20/ tháng 11/2018, Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind thăm Hà Nội. Ngay sau chuyến thăm này vài ngày, Đại tướng Bipin Rawat, Tổng tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ thăm Việt Nam.
Đó là chưa kể tàu chiến Ấn Độ và tàu chiến Việt Nam tập trận chung tại vùng biển Việt Nam vào tháng 5/2018, một đơn vị quân đội Việt Nam lần đầu tiên tập trận với lục quân Ấn Độ tại miền Trung Ấn Độ vào tháng Giêng, cuộc tập trận chung đầu tiên trong lịch sử quan hệ hai nước.
Ngoài ra Ấn Độ cũng cho tàu chiến thăm các cảng của Việt Nam liên tục từ năm 2016 đến nay.
Có những sự kiện trong số này ít, hoặc hoàn toàn không được báo chí nhà nước Việt Nam nhắc đến như chuyến thăm Ấn Độ của Tướng Lê Huy Vịnh, hay là cuộc tập trận lục quân vào tháng Giêng.
Những sự kiện này, theo nhà nghiên cứu độc lập Hà Hoàng Hợp tại Singapore, là nối tiếp của sự kiện quan trọng nhất trong quan hệ hai nước là chuyến đi Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ, ông Narendra Modi, vào năm 2016.
Nói chuyện với chúng tôi sau khi Tổng thống Kovind đến Hà Nội, ông Hà Hoàng Hợp cho biết:
“Chuyến thăm này rất quan trọng, nhưng không quan trọng bằng chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ đến Việt Nam. Thủ tướng đến rồi thì nay Tổng thống đến cũng là đáp lễ với chuyến thăm của Chủ tịch Trần Đại Quang trước đó.”
Trong chuyến thăm Việt Nam vào năm 2016, Thủ tướng Modi đã tuyên bố một gói tín dụng trị giá 500 triệu đô la Mỹ cho Việt Nam dùng để mua sắm vũ khí, trang bị của Ấn Độ. Đây là sự kiện lớn nhất đại diện cho quan hệ quốc phòng Việt Ấn tăng tốc trong thời gian gần đây.
Tác giả Saurav Jha, chuyên gia về năng lượng và quốc phòng người Ấn Độ, có viết một bài phân tích dài về việc cung cấp vũ khí từ New Delhi cho Hà Nội.
Theo những thông tin từ tác giả này, khả năng cung cấp vũ khí và những dịch vụ quốc phòng của Ấn Độ cho Việt Nam là rất rộng, từ những tên lửa BrahMos, Akash, cho đến các hệ thống radar, điện tử phòng thủ, từ việc huấn luyện thủy thủ tàu ngầm loại Kilo mà hai bên cùng mua của nước Nga cho đến nâng cấp tàu chiến loại Petya, huấn luyện phi công cho máy bay chiến đấu Sukhoi.
Một lợi điểm cho quan hệ mua bán vũ khí này là cả hai cùng có nguồn cung cấp chung trước đây là Liên Xô cũ.
Trong mối quan hệ quốc phòng này, một số nhà nghiên cứu Việt Nam nêu cao việc hợp tác hải quân, trong bối cảnh Việt Nam bị sức ép trên biển từ Trung Quốc.
Thạc sĩ Hoàng Việt, một chuyên gia nghiên cứu Biển Đông nói với đài RFA:
“Hai quốc gia đều có biên giới trực tiếp với Trung Quốc. Và hai quốc gia này trong quá khứ đã từng có chiến tranh biên giới với Trung quốc. Cho nên trước sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc trên những khu vực mà họ cho là họ có chủ quyền, trên biển lẫn trên bộ, Việt Nam cần có một quốc gia đủ mạnh chống lại tham vọng của Trung Quốc, quốc gia đó là Ấn Độ, bởi vì Ấn Độ cũng là một cường quốc.”không thua kém gì Trung Quốc cả, và về mặt hải quân còn có thể là hơn Trung Quốc một phần.”
Nếu mối quan hệ quốc phòng này được Việt Nam dùng để răn đe đe dọa từ Trung Quốc, thì ngược lại phía Ấn Độ cũng có thể dựa vào quan hệ với Việt Nam để đối trọng với Trung Quốc. Theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên về quan hệ quốc tế đang làm việc tại Singapore thì Ấn Độ đang tìm cách quân bình sức ép từ Trung Quốc bằng cách đẩy mạnh sự hiện diện của họ tại Biển Đông và khu vực Đông Nam Á nói chung. Đây chính là trọng tâm của chính sách “Hướng Đông” được Ấn độ thúc đẩy trong những năm gần đây. Chính sách này về mặt nào đó đối trọng với sự hiện diện của Trung Quốc ngày càng tăng ở khu vực Ấn Độ Dương bao quanh Ấn Độ.
Theo ông Saurav Jha, mối quan hệ quốc phòng với Việt Nam cũng cho phép New Delhi đặt tai mắt của mình đến gần Trung Quốc hơn, nhất là nếu các gói thiết bị điện tử phòng thủ và radar chuyển giao cho Việt Nam được suông sẻ.
Nhưng vì cả hai quốc gia có chung một quan ngại về phía Trung Quốc, nên sự gia tăng quan hệ song phương, đặc biệt là quan hệ quốc phòng không khỏi làm cho Trung Quốc cảnh giác. Ngay từ năm 2016, Bắc Kinh đã lên tiếng lo ngại về việc chuyển giao tên lửa đất đối không Akash của Ấn Độ cho Việt Nam.
Về việc này, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho rằng Ấn Độ cũng đang bị phân tâm về những vấn đề khác nhau về an ninh nội địa, cũng như sức ép của Trung Quốc trên biên giới giữa hai nước, nên có thể sẽ không hoàn toàn tập trung đẩy chính sách Hướng Đông, và quan hệ Việt Ấn đi nhanh hơn.
Từ phía Việt Nam cũng có những tín hiệu cho thấy Hà Nội cũng đánh tiếng không tham gia một liên minh quân sự bốn quốc gia bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, và Úc, qua lời phát biểu của tân Đại sứ Việt Nam tại Ấn là ông Phạm Sanh Châu mới đây.
Nhưng ông Hà Hoàng Hợp lại cho rằng quan hệ Việt Ấn không gặp trở ngại nào cả.
“Tôi không thấy trở ngại gì cả. Nhưng nếu nói Việt Nam tiếp cận khối bốn quốc gia đó thuần túy quân sự thì không phải. Việt Nam tiếp cận toàn diện cả bốn quốc gia và cái khối đó còn có ý nghĩa toàn diện về chính trị, quốc phòng, an ninh.”
Theo ông Saurav Jha, các viên chức Ấn Độ tin rằng Việt Nam sẽ vẫn duy trì sự phát triển quan hệ quốc phòng Việt Ấn như hiện nay, bất kể những tín hiệu lo ngại đưa ra từ Bắc Kinh. Nhưng ông cho rằng sự thành công của Ấn Độ trong việc chuyển giao vũ khí cho Việt Nam sẽ là điều quan trọng để tăng tốc quan hệ đó.
Nguồn: RFA Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét