Tác phẩm được chụp tại Bumthang, miền trung của Bhutan. Đây là đất nước Phật giáo nhỏ xinh nằm khép mình trên dãy Himalaya. Tính đến năm 2017, Bhutan có khoảng 800.000 dân sống trên diện tích 47.500 km2.
Thung lũng Ura, miền trung Bhutan một ngày mùa hè. Thế kỷ 21, Bhutan vẫn khá biệt lập với thế giới bên ngoài. Họ giữ gìn bản sắc và sự độc lập của mình bằng những hình thức quản lý khá đặc biệt.
Đây là nước duy nhất trên thế giới định hướng và đánh giá phát triển đất nước bằng Tổng chỉ số hạnh phúc quốc gia (Gross National Happiness - GNH) thay cho “Tổng sản phẩm quốc nội” (GDP).
Theo chính phủ Bhutan, bốn mục tiêu chính tạo thành công thức GNH là: Phát triển kinh tế xã hội bền vững; Bảo tồn văn hóa truyền thống; Bảo vệ môi trường sống và Chính quyền hoạt động hiệu quả. Bhutan là nước duy nhất nghiêm cấm hút thuốc lá nơi công cộng trên toàn quốc, cấm săn bắn thú rừng, câu cá cũng như hạn chế chặt cây, khi chặt một cây phải trồng lại ba cây.
Quang cảnh làng Sengor khi mùa thu về. Bhutan có thiên nhiên hùng vĩ với những dãy núi xung quanh các thung lũng, làng bản.
Lớp học miền đông- Người dân Bhutan không đặt nặng giá trị vật chất, họ sống bằng nông nghiệp, nuôi trồng theo phương pháp tự nhiên không dùng hóa chất. Phần lớn người Bhutan ăn chay theo cách riêng của họ với món chính là ớt xào phô mai. Tác phẩm chụp lại một lớp học ở làng Sengor, tỉnh Mongar, miền đông Bhutan.
“Jakar lập đông" - Thị trấn Jakar, miền trung đất nước một ngày vào đông. Khắp vương quốc Bhutan đi đâu cũng gặp tu viện và pháo đài. Chúng nằm trên đỉnh núi cao hay triền dốc đứng, điểm đặc biệt là trong pháo đài luôn có một nửa không gian là tu viện, nửa kia là cơ quan hành chính. Người Bhutan gần như không cãi nhau, đường phố không có đèn giao thông hay cảnh sát đứng gác. Họ luôn hạnh phúc với những nhu cầu đơn giản và vừa đủ.
“Tiger Nest mùa đông" - Người dân nơi đây rất sùng đạo Phật, họ gìn giữ những pháo đài xây từ 5-6 thế kỷ trước như cách họ bảo tồn vẻ đẹp văn hóa truyền thống và thể hiện sự tôn kính với Phật giáo Himalaya đã gắn bó với mình hơn nghìn năm qua. Hình ảnh tu viện Tiger Nest, tu viện nổi tiếng ở Paro, thuộc miền tây Bhutan.
“Lễ rước tranh Phật" - Hình ảnh về buổi lễ rước tranh Phật ở Paro. Theo anh Hải, Bhutan thời mở cửa đã thay đổi rất nhiều về cuộc sống, xã hội. Viễn thông, đường phố và các phương tiện giải trí được cập nhật nhanh chưa từng thấy, lượng khách du lịch đến Bhutan tăng gấp nhiều lần dù mức phí du lịch có thể nói là cao nhất thế giới. Thế nhưng có một thứ chưa bao giờ thay đổi, đó là nhịp sống chậm của người Bhutan, đó cũng là lý do khiến tác giả muốn quay lại Bhutan.
Tác phẩm chụp trong một buổi lễ tại Lhuntse, phía đông Bhutan. Chính phủ nơi đây quản lý sự phát triển du lịch bằng hình thức ấn định lệ phí tối thiểu với du khách cho một ngày. Mức phí được đưa ra là 250 USD một người cho hầu hết các tháng cao điểm (tháng 3, 4, 5, 9, 10 và 11) và 200 USD mỗi người cho các tháng còn lại.
Với lệ phí này, khách du lịch được chính phủ Bhutan chăm lo chỗ ở, thức ăn và phương tiện đi lại cùng hướng dẫn viên. Cách làm đó khiến những người chỉ thực sự yêu thích, muốn hiểu văn hóa và đất nước này mới sẵn lòng du lịch đến Bhutan.
Bhutan được ví von là “Vương quốc hạnh phúc” hay “Thụy Sĩ của Phương Đông”. Toàn bộ đất nước có đến 72% diện tích bao phủ là rừng nguyên sinh. Bhutan quy định một kiến trúc nhà cửa thống nhất trên toàn quốc và toàn dân mặc quốc phục truyền thống khi đi làm và đi học.
Triển lãm "Bhutan - Bản giao hưởng bốn mùa của nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Hải sẽ diễn ra từ 15/9 tới 15/10 tại số 184 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, TP HCM.
Toàn bộ số tiền bán tất cả các tác phẩm cũng như vật phẩm tại triển lãm sẽ được góp vào chương trình thiện nguyện của Help - Portrait Việt Nam.
Nguồn: VnE
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét