Vibay

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2018

Nga đang tính nhảy vào Biển Đông?

(GDVN) - Nga đặc biệt quan tâm tới thị trường vũ khí Đông Nam Á, trong khi Trung Quốc chỉ quan tâm tới S-400, Su-35 của Moscow.

Newsweek ngày 5/4 đăng bài bình luận của tác giả David Brennan cho rằng, Nga đang tham gia vào cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ trên Biển Đông, đằng sau những thỏa thuận hợp tác với Việt Nam.


Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cùng Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu duyệt đội danh dự trong chuyến thăm Việt Nam tháng Giêng 2018, ảnh: Wikipedia.

Thứ Tư ngày 4/4, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch đã ký kết các thỏa thuận hợp tác quan trọng bên lề Hội nghị An ninh quốc tế Moscow lần thứ 7, định hướng hợp tác quốc phòng Nga - Việt từ 2018 đến 2020.

Là một phần của thỏa thuận này, Nga sẽ triển khai một tàu cứu hộ từ Hạm đội Thái Bình Dương của mình đến Việt Nam, tham gia các hoạt động (huấn luyện) tìm kiếm cứu nạn trong khu vực.

Quan hệ hợp tác quốc phòng Việt - Nga có truyền thống lâu đời, hiện Nga đang thúc đẩy sự hiện diện mạnh mẽ hơn, công khai hơn trong khu vực. Hợp tác hải quân Nga - Việt là một phần quan trọng của mối quan hệ này.

Tháng Hai năm nay, 2 tàu quân sự lớp Gepard của Nga đã được biên chế vào hoạt động của Hải quân Việt Nam, tham gia cùng 2 tàu Gepard khác đã được bàn giao năm 2011 theo hợp đồng trị giá 350 triệu USD.

Hai nước đã đồng ý tiến hành tập trận chung, sẽ có 176 quân nhân Việt Nam sang Nga huấn luyện.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho hay, quan hệ quốc phòng Nga - Việt đang tiến tới một cấu trúc hợp tác nhằm đảm bảo phát triển bền vững và đáp ứng các mối quan tâm về an ninh ở châu Á.

Tác giả David Brennan cho rằng, tấn công ngoại giao là một phần nỗ lực của Nga ở khu vực Đông Nam Á, nơi Moscow cũng đang theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với Lào.

Tháng Giêng năm nay, ông Sergei Shoigu thăm Lào để thúc đẩy hợp tác quân sự mạnh mẽ. Sau chuyến thăm, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cho biết, tất cả mọi thứ lực lượng vũ trang Lào có đều liên quan đến Nga.

David Brennan cho rằng, rõ ràng Nga đang coi khu vực Đông Nam Á là một vùng đất màu mỡ cho các quan hệ ngoại giao và bán vũ khí.

Cũng theo ông, quan hệ hợp tác gần gũi hơn giữa Nga với Việt Nam có thể giúp Moscow tiếp cận trực tiếp khu vực Biển Đông tranh chấp.

Tháng Tư 2017, 3 tàu của Hạm đội Thái Bình Dương, Nga đã thăm Cam Ranh 5 ngày.

Trung Quốc đang đầu tư rất nhiều vào hiện đại hóa hải quân, không quân nhằm thách thức ảnh hưởng của Hoa Kỳ và thực thi chính sách khu vực (bành trướng, độc chiếm Biển Đông).


Tàu chiến Trung Quốc và Nga trở về Trạm Giang, Quảng Đông sau khi tập trận chung trên Biển Đông tháng 9/2016, ảnh: Reuters.

Nga bây giờ dường như đang ném ảnh hưởng đáng kể của mình vào cuộc chơi này, mặc dù Moscow có chọn bên hay tham gia một cách trung lập vẫn còn phải chờ quan sát thêm.

Trung Quốc và Nga trước đây đã từng tổ chức các cuộc tập trận chung ở Biển Đông, cho thấy hải quân 2 nước này có thể làm việc cùng nhau.

Có thể một lúc nào đó Nga sẽ bị mắc kẹt giữa Trung Quốc với các lợi ích riêng của mình ở Biển Đông, nhưng hiện nay quan hệ giữa Bắc Kinh với Moscow đang tiến triển tốt.

Thứ Ba tuần trước 3/4, tân Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa phát biểu tại Moscow:

Ông đến tham dự Hội nghị An ninh quốc tế Moscow lần thứ 7 "là để cho người Mỹ thấy mối quan hệ gần gũi giữa quân đội Trung Quốc và Nga, Trung Quốc ủng hộ Nga."

David Brennan kết luận: với sức mạnh cứng lẫn sức mạnh mềm của Trung Quốc ngày càng lan rộng, ảnh hưởng của Nga lan rộng, tương lai cục diện châu Á - Thái Bình Dương sẽ không chỉ do Hoa Kỳ quyết định. [1]

Trong một động thai khác có liên quan, South China Morning Post ngày 6/4 cho biết, trong tuần hãng tin Nga TASS thông báo rằng, 2 tàu vận tải chạy từ Baltic chở theo hệ thống tên lửa phòng không S-400 đã tới Trung Quốc.

Chiếc tàu thứ 3 gặp trục trặc vì bão hồi tháng Giêng, nhưng sẽ hoàn tất việc chuyển giao vào cuối năm nay.

Thỏa thuận Nga bán cho Trung Quốc tên lửa S-400 được ký năm 2014. Lý Kiệt, một chuyên gia quân sự từ Bắc Kinh, Trung Quốc bình luận:

"Mua bán vũ khí là cách trực tiếp nhất để tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Bắc Kinh và Moscow. Điều này cũng có thể dẫn đến tăng kim ngạch thương mại song phương."

Tống Trung Bình, một cựu thành viên quân chủng tên lửa chiến lược Trung Quốc (Pháo binh 2) bình luận:

Ngoài tên lửa S-400 và chiến đấu cơ Su-35 ra, Nga không còn loại vũ khí nào hấp dẫn Trung Quốc vì nước này đã có khả năng sản xuất các vũ khí tiên tiến hơn.

Hệ thống tên lửa S-400 là một sự bổ sung lý tưởng cho hệ thống phòng thủ hiện có của Trung Quốc, trên thực tế quân đội Trung Quốc cần có hệ thống mới. [2]


Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa thăm Nga đầu tiên sau khi nhậm chức, ảnh: AP.

Chúng tôi nhận thấy, bình luận của 2 nhà quan sát Trung Quốc nói trên rất đáng chú ý. Nó chỉ ra mấy thực tế không được tươi sáng cho lắm.

Thứ nhất, Nga đang dựa vào buôn bán vũ khí để tăng nguồn thu.

Thứ hai, bán vũ khí là động lực của "kim ngạch thương mại" Nga - Trung, và thậm chí có thể là nòng cốt của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa 2 quốc gia này.

Thứ ba, Trung Quốc chỉ cần S-400 và Su-35 của Nga, ngoài ra các loại vũ khí khác, Bắc Kinh đã qua mặt Moscow từ lâu, và cũng đang tìm cách xuất khẩu chúng.

Phát biểu của ông Ngụy Phượng Hòa nhằm lấy lòng Điện Kremlin trong bối cảnh cả Trung Quốc lẫn Nga đều đang đối mặt với các cuộc khủng hoảng ngoại giao, thương mại với Hoa Kỳ.

Nhưng ngoài những ủng hộ bằng lời nói cùng một số hợp đồng mua vũ khí tối tân nhất của Nga, Trung Quốc dường như chưa làm gì để giúp Moscow khắc phục các khó khăn về kinh tế, thương mại do lệnh trừng phạt từ phương Tây sau vụ sáp nhập Crimea.

Trên Biển Đông, động lực bán vũ khí của Nga đã khá rõ ràng. Khách hàng lớn nhất là Trung Quốc thì chỉ quan tâm tới Su-35, S-400 và công nghệ quân sự tiên tiến nhất của Nga mà thôi.

Sự hiện diện và chào hàng của các nhà sản xuất vũ khí toàn cầu tập trung vào Biển Đông có thể khiến tình hình càng trở nên phức tạp trong thời gian tới.

Theo GDVN tham khảo:

[1]http://www.newsweek.com/russia-join-us-china-south-china-sea-face-after-vietnam-pact-873643

[2]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2140654/russia-and-china-lay-stress-closer-ties-they-hit-out

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét