Kinhtedothi - Nguyên Trưởng ban Biên giới chính phủ nhấn mạnh, chính sách Biển Đông của Trung Quốc vẫn không thay đổi và tình hình Biển Đông vẫn đang tiềm ẩn những nguy cơ xung đột.
Vừa qua, hình ảnh vệ tinh đã chụp một đoàn tàu chiến Trung Quốc, dàn đội hình hàng dọc hộ tống đi trước và sau tàu sân bay Liêu Ninh, với một số lượng ít nhất là 40 chiếc các loại; bao gồm: tàu mặt nước, tàu ngầm di chuyển qua phía nam Đài Loan, hướng thẳng về Biển Đông.
Mặc dù Hải quân Trung Quốc nói đợt diễn tập này "không nhắm vào một nước cụ thể nào"; nhưng tuyên bố này được đưa ra cùng ngày tàu hải quân USS Mustin của Mỹ tiến vào khu vực 12 hải lý sát một đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp ở quần đảo Trường Sa ( đá Mischief Reef, Việt Nam gọi là Đá Vành Khăn) để thực hiện hoạt động "tự do hàng hải" khiến Bắc Kinh tức giận.
Với những thông tin ban đầu như vậy, kết hợp với những gì đã diễn ra, cả về chủ trương chiến lược, sách lược, cũng như những hoạt động trên thực tế do Trung Quốc tính toán thực hiện trong quá khứ, chúng tôi nhận thấy rằng:
Thứ nhất: Về cơ bản, chúng tôi chia sẻ với ý kiến của những chuyên gia khi đưa ra những nhận định về mục đích và lý do mà Trung Quốc đã huy động một đội hình tàu chiến, máy bay hùng hậu như vậy tiến xuống Biển Đông.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, đây không phải là phản ứng tức thời chỉ đối với vụ tàu chiến USS Mustin của Mỹ tiến vào khu vực 12 hải lý sát một đảo nhân tạo, đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, do Trung Quốc cưỡng chiếm năm 1995 rồi bồi đắp nên, mà đây là hệ quả tất yếu của cuộc cạnh tranh địa- chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ, đã và đang diễn ra, lúc ngấm ngầm, lúc công khai, tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương; trong đó khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông là địa bàn sống còn trong các tính toán chiến lược, sách lược của 2 siêu cường này.
Để xem xét đánh giá động thái nói trên, thiết nghĩ chúng ta nên đặt chúng vào bối cảnh khu vực hiện nay như: việc Mỹ thời Tổng thống Donal Trump muốn thực hiên chủ trương làm cho “Nước Mỹ vĩ đại trở lại” thì không thể không giành được sự hợp tác của Bắc Kinh hơn là thúc ép họ.
Vì thế mà khi mới lên nhậm chức, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tạm gác lại một số vấn đề dễ gây bất đồng với Trung Quốc, với hy vọng sẽ đạt được mục tiêu đầu tiên của mình là giải trừ vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên.
Nhưng khi nỗ lực đó thất bại, những ưu tiên quan trọng trong quan hệ Mỹ-Trung lại trở nên căng thẳng; chẳng hạn hoạt động bảo vệ tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông, câu chuyện về thuế suất áp lên mặt hàng thép và nhôm, bán vũ khí cho Đài Loan, lời đe dọa siết chặt dòng chảy công nghệ và đầu tư cũng như cấm vận một số công ty Trung Quốc….Vì vậy, có ba vấn đề Mỹ đang tập trung xử lý: duy trì sự cân bằng quyền lực kinh tế, quân sự với Trung Quốc ở khu vực châu Á- hái Bình Dương; tạo ra sự tương hỗ (có đi có lại) lớn hơn nữa trong quan hệ kinh tế, chính trị, an ninh, quân sự, Mỹ-Trung và xử lý vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Trong khi đó, trọng tâm trong tầm nhìn địa-chính trị của Chủ tich Tập Cận Bình là sự mở rộng các mối liên kết khu vực bởi việc thông qua các dự án kinh tế, kỹ thuât đầu tư vào các nước phụ cận, nhằm biến Trung Quốc thành tâm điểm của khu vực đang tăng trưởng nhanh.
Điều đó có nghĩa là xây dựng mối liên kết bắc-nam, có thể coi là những chuỗi cung ứng xuất phát từ Trung Quốc, vươn tới Đông Nam Á, Ấn Độ Dương, biển Andaman, vịnh Bengal và xa hơn nữa…
Phải chăng, những động thái quân sự, chay đua vũ trang vào lúc này, dù được che đậy dưới những hình thức khác nhau, đang là những dấu hiệu về khả năng cuôc chiến tranh thương mại và đối đầu quân sự…có thể sắp xẩy ra giữa hai siêu cường Mỹ,Trung?
Thứ 2: Việc huy động một lực lượng tàu chiến, máy bay hùng hậu, bất thường, tiến xuống Biển Đông trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc còn tính toán áp dụng kế sách “Một Mũi Tên Trúng Hai Đích” của Triều Thác, một trọng thần thời Văn Cảnh Đế, nhà Hán, Trung Quốc.
Ngoài “đích” nói trên, Trung Quốc còn hướng “mũi tên” tới các “ đích” khác nữa:
- “Diễu võ dương oai”, cảnh cáo, răn đe, ngăn cản các nước khác trong khu vực đã và đang hợp tác với Mỹ, dưới bất kỳ hình thức nào, dù là liên minh hay đối tác chiến lược, toàn diện.
- Đe dọa, gây sức ép buộc các nước liên quan trong khu vực Biển Đông phải chấp nhận yêu sách của Trung Quốc trong Biển Đông theo dường “lưỡi bò”, bao lấy trên 90% diện tích Biển Đông. Theo đó, phải để Trung Quốc tham gia “hợp tác cùng phát triển” trong phạm vi vùng chồng lấn được hình thành bởi yêu sách của Trung Quốc trong Biển Đông và, trước mắt, phải chấm dứt hoặc không được triển khai các dự án hợp tác với các công ty nước ngoài trong việc thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên trong phạm vi đường “lưỡi bò” phi lý đó. Nếu không, Trung Quốc sẽ cản phá, thâm chí có thể tấn công quân sự.
- Chính sách “củ cà rốt và chiếc gậy” lỗi thời của thời kỳ “chiến tranh lạnh” đang được Trung Quốc vực dậy để, vừa mua chuôc, lôi kéo thông qua các dự án kinh tế, kỹ thuật, các gói viện trợ, cho vay rất hời; như đại dự án “vành đai, con đường” hay những “cam kết chính tri” thông qua các hoạt động ngoai giao con thoi đã và sẽ diễn ra đồng thời với những cuộc “xuất quân” rầm rộ nói trên, vừa uy hiếp, bắt nạt những kẻ cơ hội, yếu bóng vía và các nước nhỏ yếu khác trong khu vực. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, “chiếc gậy” đó có đủ “cứng” hay không lại là chuyên khác…
Thứ 3: Với những động thái nói trên, một lần nữa cho thấy tình hình Biển Đông thực chất không “yên ả” như nhận định “lạc quan” của một số người ngay từ đầu năm 2018. Mà ngược lại, tình hình Biển Đông vẫn đang tiềm ẩn những nguy cơ xung đột, chiến tranh.
Nhà nghiên cứu Fabrizio Bozzato của Hiệp hội Nghiên cứu chiến lược Đài Loan cảnh báo: "Cuối cùng thì chính sách Biển Đông của họ (Trung Quốc) vẫn không thay đổi. Họ vẫn coi Biển Đông là của Trung Quốc.Tôi thấy ý định của họ rõ ràng là biến Biển Đông hoặc phần lớn Biển Đông trở thành của Trung Quốc vào năm 2030."
Trong bối cảnh chính trị khu vực và quốc tế rất phức tạp hiện nay, trước những toan tính của các siêu cường như đã phân tích nói trên, liệu Biển Đông có được “yên ả” hay không, còn phụ thuộc vào cách hành xử và vai trò của các nước nhỏ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng, để đối phó với những toan tính khôn lường của các siêu cường trong cuộc tranh chấp đia-chính trị đang diễn ra trên phạm vi quốc tế và khu vực.
Nguồn: http://kinhtedothi.vn/ts-tran-cong-truc-3-ly-do-trung-quoc-dua-tau-san-bay-cung-40-tau-chien-tap-tran-o-bien-dong-313073.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét