Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Việt Nam vừa cho biết trọng tâm của bộ này trong năm mới là tiếp tục tái cơ cấu quân đội, “kiên quyết giải quyết quân số dôi dư” để thực hiện chiến lược quân đội “tinh, gọn, mạnh, linh hoạt” đến năm 2021, theo chủ trương đã được Bộ Chính trị thông qua.
Trong bài phỏng vấn với TTXVN nhân dịp Xuân Mậu Tuất 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, cho biết tái cơ cấu quân đội là một nhiệm vụ trọng tâm của năm 2018. Theo đó, bộ này sẽ “điều chỉnh một số cơ quan, đơn vị theo kế hoạch; quản lý chặt chẽ đầu vào, kiên quyết giải quyết quân số dôi dư” và “đảm bảo không tăng quân số trong toàn quân”.
Phân tích thêm với VOA về chiến lược “tinh, gọn” quân đội này, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu cao cấp về Chính trị, Quốc phòng của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, cho biết:
“Sắp xếp lại, hay tái cơ cấu, là họ sẽ bỏ bớt những phần không liên quan trực tiếp đến quốc phòng. Ví dụ, những khu vực phục vụ không cần thiết nữa thì họ bỏ đi. Còn những phần liên quan đến quốc phòng, tức thuộc khối tham mưu, thì vẫn theo cách cũ là ‘tiến trực tiếp, tiến nhanh’ lên hiện đại hóa, đó là hai khu vực phòng không không quân và hải quân. Còn một lực lượng thứ 3 mới lập ra là lực lượng 47, tức là lực lượng tác chiến không gian mạng, thì họ bắt đầu xây dựng lực lượng rất nhanh”.
Các lĩnh vực khác mà quân đội tiếp tục đẩy mạnh, theo TS. Hà Hoàng Hợp, là chiến lược hiệp đồng tác chiến giữa các quân chủng, binh chủng và phát triển các học thuyết tác chiến hiện đại nhưng vẫn dựa trên nền tảng từ trước tới nay gọi là “quốc phòng toàn dân”.
Tàu ngầm lớp Kilo của Nga là một trong những vũ khí mà Việt Nam trang bị trong chiến lược hiện đại hóa quân đội.
Việt Nam trong những năm gần đây được nhắc đến là một trong những quốc gia bỏ tiền nhiều nhất trong khu vực để đầu tư vào việc hiện đại hóa quân đội.
Chỉ trong khoảng thời gian từ năm 2005 – 2014, quốc gia Đông Nam Á đã tăng chi tiêu quân sự lên gần 400%, theo số liệu của trang web export.gov của Bộ Thương mại Hoa Kỳ.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới gần đây xếp Việt Nam nằm trong số 30 nước chi tiêu quân sự cao nhất thế giới trong năm 2016 so sánh với tỷ lệ tăng trưởng GDP.
“Người ta làm thế bởi vì tình hình xung quanh phức tạp. Phức tạp nên họ buộc phải bỏ tiền nhiều hơn trong so sánh với phát triển kinh tế”, TS. Hà Hoàng Hợp nhận định.
Tuy nhiên theo nhà nghiên cứu của Viện ISEAS, việc đổ tiền mua sắm để hiện đại hóa quân đội của Việt Nam khó có thể kéo dài lâu vì thực lực kinh tế của đất nước. Chính vì vậy, “lấy tinh bù lượng” là lựa chọn duy nhất của Việt Nam để đối phó lại với những nguy cơ tiềm ẩn về an ninh trong khu vực.
“Cách quân đội làm bây giờ là vẫn theo cách trong lịch sử Việt Nam từ xưa tới nay tận dụng, bởi vì đất nước Việt Nam nghèo quá. Nghèo thì quân đội khó mà mạnh được. Vậy chỉ còn cách hiện đại hóa và tiết kiệm, để có được chiến lược quân sự tốt, chiến thuật tốt, công nghệ tốt, vũ khí tốt”, TS. Hà Hoàng Hợp nói.
Theo đó, không quân và hải quân được Việt Nam chọn để “trực tiếp hiện đại hóa”, còn các khu vực khác sẽ “từng bước hiện đại hóa”, theo lời nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp.
Hình ảnh chụp từ về tinh cho thấy những khu vực Trung Quốc xây dựng và lắp đặt cơ sở quân sự ở đảo Phú Lâm, nơi có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam ở Biển Đông.China Sea. (Courtesy of Stratfor)
Ngoài việc tập trung tái cơ cấu, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho biết trong năm mới, Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh việc hợp tác quốc phòng song phương với các nước một cách “thực chất, ổn định, đảm bảo cân bằng mối quan hệ với các nước lớn”, và tổ chức các cuộc tuần tra chung với các nước láng giềng.
Việt Nam đóng một vị trí quan trọng trong cuộc tranh chấp chủ quyền của các quốc gia Đông Nam Á với Trung Quốc.
Trong một nghiên cứu vừa mới công bố cuối tháng trước về khả năng Việt Nam đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông, nhà phân tích quân sự cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách của Chính phủ Mỹ Derek Grossman nói bằng việc phát triển và lựa chọn tăng cường các khả năng quân sự, trong đó có việc mua sắm các tàu ngầm lớp Kilo, chiến đấu cơ Su-30MK2…, “Hà Nội có thể đã đạt được mục tiêu cốt lõi là thuyết phục Bắc Kinh về những thách thức sẽ phải đối mặt trong một cuộc xung đột quân sự [nếu có] với Việt Nam ở Biển Đông”.
Theo VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét