Thủ Tướng Campuchia Hun Sen tại Căn cứ Không quân Palam ở New Delhi, trong chuyến thăm Ấn Độ. Ảnh chụp ngày 24/1/2018 (REUTERS/Adnan Abidi)
Trong một bài phát biểu hôm thứ Tư 21/2, trong đó ông đe doạ tẩy chay Hội nghị Cấp cao Úc-ASEAN tại Sydney vào tháng tới, ông Hun Sen nói những người có kế hoạch biểu tình ở thành phố này nên nhớ rằng "chuyến thăm của tôi là một vinh dự cho chính phủ Úc của họ".
Thủ Tướng Campuchia cảnh cáo:
“Nếu các anh đốt hình nộm của tôi, tôi sẽ đuổi theo và đánh các anh ngay tại nhà các anh.”
Ông Hun Sen nhấn mạnh:
“Tôi muốn nói cho thật rõ, là nếu các anh có quyền đốt hình ảnh của tôi, thì tôi có quyền đánh các anh.”
Ông Hun Sen đã cai trị Campuchia trong hơn ba thập niên qua và gần đây đã giải tán đảng đối lập có triển vọng duy nhất tại nước này, ngay trước các cuộc bầu cử vào tháng Bảy. Hàng trăm người phản đối đang lập kế hoạch để trực diện chất vấn ông Hun Sen tại hội nghị cấp cao Úc-ASEAN ở Sydney.
Trước đó, Thủ Tướng Campuchia thề sẽ giết chết hàng trăm người nếu cần thiết, để giành phần thắng tại phòng phiếu. Ông còn là người điều khiển một chiến dịch tấn công kéo dài nhắm vào các tổ chức truyền thông, xã hội dân sự và các đối thủ chính trị.
Người đứng đầu chính phủ Campuchia tung ra những lời lẽ có tính cách hăm dọa như vậy trong tuần này giữa lúc nước Đức áp đặt các biện pháp để trừng phạt các hành động vừa kể, và trong khi Hội đồng EU kêu gọi các biện pháp chế tài và đòi tái xét quy chế ưu tiên của Campuchia được tiếp cận thị trường Châu Âu.
Trong bài phát biểu hôm thứ Tư tuần này, ông Hun Sen còn doạ các chủ nhà Úc sẽ tiếp đón ông, rằng ông sẽ "khiến họ phải xấu mặt ngay tại chỗ" nếu như họ dám đối xử với ông không đúng cách.
Ông Hong Lim, người Úc gốc Campuchia từng là một nghị viên kỳ cựu tại nghị viện bang Victoria, cho biết ông đã liên lạc với Cảnh sát Liên bang Úc hôm 22/2 về những lời hăm dọa của ông Hun Sen, và đang đưa vấn đề này lên Thủ Hiến bang Victoria, là ông Daniel Andrews, cũng như các dân biểu và nghị sĩ liên bang.
Ông Hong Lim, nghị viên Nghị viện Victoria từ năm1996, tại trụ sở đài VOA ở Washington DC, ngày 5/11/2017. (Ten Soksreinith/VOA Khmer)
Ông Lim nói:
"Vâng, tôi nghĩ họ có nghĩa vụ chăm lo cho chúng tôi, và nếu ai đó đe dọa hành hung bất cứ người nào khác thì đó là một hành vi phạm pháp, một tội hình sự. Nếu họ đi theo và theo dõi người khác, thì phạm tội rình rập, cũng là một tội hình sự."
Ông Lim nói ông vô cùng "kinh ngạc" khi nghe ông Hun Sen hăm dọa như vậy chỉ một ngày trước khi tới thăm một nước khác, trong khi ở Úc, Thủ tướng Campuchia hình như có thể làm bất cứ điều gì ông muốn mà không bị trừng phạt.
"Tôi tưởng rằng cảnh sát liên bang sẽ phải ra tận sân bay chặn đón và thẩm vấn ông ta. Bất cứ người nào khác làm như vậy cũng phải chịu hậu quả, thế thì tại sao trường hợp người đàn ông này lại khác chứ?"
Ông Lim nói nước Úc giống như đang bị tống tiền hoặc bắt làm con tin – theo kiểu “ông làm theo tôi, nếu không thì xéo đi nơi khác”.
Trong nhiều năm qua chỉ có một số ít người tị nạn được tái định cư theo một thỏa thuận với Campuchia gây nhiều tranh cãi để đổi lấy hàng chục triệu đô la tiền viện trợ của Úc.
Giới quan sát nhiều lần lên tiếng chỉ trích thỏa thuận đó đã bịt miệng chính phủ Úc, không cho Canberra thẳng thắn nêu lên những hành động vi phạm nhân quyền cũng như nạn tham nhũng tràn lan dưới chế độ Hun Sen.
Thay vì coi chuyến thăm của Hun Sen là một ‘vinh dự’, ông Hong Lim cho rằng sự hiện diện của ông Hun Sen gây "bối rối" cho chính phủ Úc.
Mối quan hệ giữa Canberra với Phnom Penh càng trở nên phức tạp do ảnh hưởng của Campuchia đối với tham vọng lâu năm của Australia muốn gia nhập khối ASEAN, và do những nỗ lực gần đây của Bộ trưởng Ngoại giao Julie Bishop, thực hiện dưới áp lực ở trong nước, vận động để Pnom Penh phóng thích một nhà làm phim người Úc bị buộc tội hoạt động gián điệp tại Campuchia.
Úc cũng vừa chấp thuận quy chế tị nạn của vợ và gia đình của nhà hoạt động chính trị Campuchia Kem Ley bị giết hại. Ông Kem Ley là một nhân vật nổi tiếng bị ám sát vào năm 2016 trong một vụ mà nhiều người ở trong nước tin là được nhà nước Campuchia bảo trợ.
Ông Carl Thayer, Giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales và cũng là chuyên gia về các vấn đề khu vực, cho rằng lời hăm dọa của Hun Sen sẽ hành hung người biểu tình Úc có thể được coi là "một hành vi kích động", giữa lúc có thông tin cho rằng Phnom Penh đang tổ chức một cuộc phản biểu tình tại hội nghị thượng đỉnh Úc-ASEAN.
Giáo sư Thayer nói:
“Tôi nghĩ rằng rõ ràng là cảnh sát liên bang phải lắng nghe và đánh giá các mối đe dọa đối với công dân Úc, và tôi nghĩ mối đe dọa đó không phải là ông Hun Sen sẽ thực hiện điều đó, mà mối đe dọa đến từ một số người ủng hộ ông tại đất nước này”.
Giáo sư Thayer nói một tuyên bố khác của Thủ tướng Campuchia – rằng nếu ông vắng mặt thì điều đó có thể vô hiệu hóa bất kỳ sự đồng thuận nào của ASEAN tại hội nghị thượng đỉnh với Úc - là không đúng.
Tuy nhiên, ông Hun Sen có thể gây nhiều khó khăn cho các nỗ lực của Úc nhằm thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với hiệp hội ASEAN, bằng cách tập hợp các nước thành viên chống lại các nỗ lực của Úc.
Nguồn: VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét