Trang mạng warfiles.ru của Nga cho biết, Việt Nam có thể đặt hàng 200 xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) T-90MS với giá trị ước tính lên tới hàng tỷ USD.
Như vậy, thông tin Lục quân Việt Nam sẽ được ưu tiên hiện đại hóa trong nhiệm kỳ này như tuyên bố của Thượng tướng Võ Văn Tuấn đang dần trở thành hiện thực, đây rõ ràng là một niềm vui lớn cho lực lượng chủ chốt của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trong quá khứ, Bộ binh Việt Nam từng giữ vị trí hàng đầu khu vực, chiếm ưu thế tuyệt đối về sức mạnh so với các quốc gia khác tại khu vực ASEAN. Tuy vậy sau một thời gian dài chuyển ưu tiên hiện đại hóa cho Phòng không - Không quân cũng như Hải quân, tương quan so sánh đã có ít nhiều thay đổi.
Theo số liệu của trang mạng Global Firepower, mặc dù Việt Nam vẫn là quốc gia ASEAN có số lượng xe tăng chiến đấu chủ lực nhiều nhất khu vực với 1.470 chiếc, bỏ xa Thái Lan (772 chiếc), Myanmar (569 chiếc) hay Indonesia (468 chiếc) nhưng toàn bộ đều đã lạc hậu, không còn đáp ứng được đầy đủ yêu cầu tác chiến hiện đại.
Những nước khác mặc dù sở hữu ít xe tăng hơn nhưng họ đã cho thấy rõ sự chuyển dịch về chất. Đơn cử như Lục quân Hoàng gia Thái Lan, ngoài 10 xe tăng T-84 Oplot-T đã nhận chuyển giao từ Ukraine, họ vừa thông báo ý định có thể sẽ mua tiếp 150 chiếc VT-4 từ Trung Quốc hay thuê Israel nâng cấp từ vài chục đến hơn 100 xe tăng M60 lên chuẩn Sabra.
Bên cạnh Thái Lan, hai quốc gia giàu có khác là Indonesia và Singapore lại đặt niềm tin vào dòng MBT Leopard 2 của châu Âu, khi đặt mua lần lượt 103 và 196 chiếc Leopard 2A4 rồi nâng cấp lên tiêu chuẩn MBT Revolution hay Leopard 2SG
Lục quân Myanmar tương đối lặng lẽ nhưng cũng đã kịp trang bị hàng trăm xe tăng MBT-2000 mua từ Trung Quốc, T-72S mua lại của Ukraine, hay hiện đại hóa gần như toàn bộ các chiến xa Type 59/69 đang có trong biên chế.
Dễ dàng nhận thấy đã có sự chênh lệch lớn về chất lượng xe tăng - thiết giáp giữa Việt Nam với các nước láng giềng, số lượng không còn nhiều ý nghĩa khi một chiếc MBT Revolution, T-84T hay thậm chí là M60T Sabra có thể "cân" được tới vài chiếc T-54/55/62 của Việt Nam. Vì vậy, T-90MS có thể xem như nhân tốt giúp Lục quân Việt Nam lấy lại vị trí dẫn đầu.
Theo warfiles.ru, trước khi tìm đến T-90MS, Việt Nam đã từng cân nhắc nhiều dòng MBT khác nhau, trong đó có cả T-84 Oplot hay thậm chí là Type 99. Nhưng do nhận thấy sự vượt trội về mặt kỹ thuật mà chúng ta đã lựa chọn T-90MS của Nga.
So với các chủng loại MBT khác đang có mặt trong khu vực ASEAN, T-90MS vẫn được đánh giá cao hơn do đã trải qua quá trình hiện đại hóa sâu, các tính năng kỹ chiến thuật gia tăng gấp nhiều lần.
T-90MS lắp động cơ công suất 1.130 mã lực (so với 840 mã lực nguyên bản) cho khả năng cơ động vượt trội, hệ thống điều khiển và tổ hợp ngắm bắn rất hoàn thiện, nhiều quy trình được tự động hóa cao, đi kèm khẩu pháo nòng trơn cỡ 125 mm 2A46M-5 mạnh mẽ nhất thế giới hiện nay, có thể tiêu diệt mục tiêu từ cự ly 10 km (phụ thuộc loại đạn sử dụng).
Nếu hợp đồng mua sắm được ký kết đúng kế hoạch, Quân đội Việt Nam sẽ sở hữu những mũi nhọn xuyên phá cực kỳ uy lực, số lượng lớn lên tới 200 chiếc là đủ để tạo ra ưu thế áp đảo trên chiến trường.
Bên cạnh đó, việc hiện đại hóa xe tăng T-54/55 hay mua pháo tự hành bánh lốp CAESAR 155 mm sẽ là những mảnh ghép tiếp theo giúp Lục quân Việt Nam trở về và xây chắc ngôi vị số 1 Đông Nam Á.
Theo Soha News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét