Việt Nam vừa nghiên cứu, chế tạo thành công một thành phần điện tử chính của tổ hợp tên lửa Igla
Theo Đại tá Đỗ Tuấn Cương, Trưởng phòng Ứng dụng kỹ thuật tên lửa, Viện Tên lửa, tác giả đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo khối điện tử kiểu 9P516 tên lửa Igla”, nhóm nghiên cứu đã làm chủ công nghệ và chế tạo được 6 bộ khối điện tử đạt tiêu chuẩn kỹ thuật nước ngoài; đã chuyển giao cho các nhà máy trong nước tổng lắp thành cơ cấu phóng.
Các tác giả cũng đã hoàn thành tài liệu thiết kế, tài liệu công nghệ chế tạo khối điện tử phù hợp với điều kiện tay nghề cán bộ kỹ thuật, công nhân Việt Nam.
Trên cơ sở làm chủ công nghệ, các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu cải tiến, nội địa hóa khối điện tử kiểu 9P516. Kết quả, 2/4 bảng thuộc khối điện tử đã được nội địa hóa hoàn toàn (sản xuất từ vật tư, linh kiện trong nước), qua thử nghiệm tương thích và hoạt động tốt cùng các bảng nguyên mẫu trong cơ cấu phóng; 2 bảng còn lại đang được nghiên cứu theo hướng sử dụng linh kiện trong nước kết hợp với nước ngoài, bước đầu cho kết quả tốt.
Việc nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công khối điện tử kiểu 9P516 có ý nghĩa thực tiễn cao, giúp làm chủ công nghệ, chủ động nguồn linh kiện, vật tư; giảm phụ thuộc vào các chuyên gia nước ngoài, góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo đảm kỹ thuật và khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Các cán bộ khoa học thuộc Viện Tên lửa, Viện Khoa học và Công nghệ quân sự-Bộ Quốc phòng vừa nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công khối điện tử kiểu 9P516. Đây là thành phần chính của cơ cấu phóng 9P516 tổ hợp tên lửa Igla, có chức năng chuẩn bị phóng và phóng tên lửa Igla tại trận địa.
Vài năm trở lại đây, theo các phương tiện truyền thông trong nước, Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định trong ngành công nghiệp tên lửa.
Chẳng hạn như Viện Thuốc phóng thuốc nổ thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã chế tạo thành công nhiên liệu tên lửa hỗn hợp có chất lượng tương đương với sản phẩm cùng loại của nước ngoài.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng cũng đang thực hiện đề án chế tạo tên lửa phòng không tầm thấp mang tên TL-01. Hồi đầu năm ngoái, báo Quân đội nhân dân trong bài “Bám sát sự phát triển của nghệ thuật quân sự và đối tượng tác chiến” đã hé mở về đề án này.
Bài báo viết: “Bộ Quốc phòng tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án chế tạo sản phẩm khoa học – công nghệ quốc gia với 2 sản phẩm, gồm tên lửa phòng không tầm thấp TL-01 và radar cảnh giới biển tầm gần…
Toàn quân tiếp tục tổ chức hoạt động khoa học – công nghệ theo hướng đẩy mạnh gắn kết giữa các cơ sở nghiên cứu với công nghiệp quốc phòng; từng bước làm chủ các giải pháp thiết kế kỹ thuật và công nghệ chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật mới nhằm nâng cao sức mạnh, khả năng chiến đấu của quân độ”.
Gần đây nhất, vào đầu tháng 9/2014, Quân chủng Phòng không – Không quân cho bắn thử nghiệm thành công 3 tổ hợp tên lửa C125-2TM cải tiến. Theo các thông tin trên phương tiện truyền thông, các tổ hợp tên lửa bắn thử nghiệm thuộc dự án cải tiến tổ hợp tên lửa C125-2TM.
Dự án này tập trung vào mấy điểm chủ yếu là: tăng khả năng bám bắt mục tiêu của tên lửa, giảm thời gian triển khai và thu hồi khí tài. Bên cạnh đó đặt biệt chú trọng đến khả năng chống nhiễu phức tạp.
Một thông tin nữa cũng đáng lưu ý trong chủ đề Việt Nam phát triển công nghiệp tên lửa đó là việc hợp tác với Nga để sản xuất tên lửa chống hạm. Cách đây vài năm có tin cho biết Việt Nam đang dự định hợp tác với Nga để sản xuất tên lửa chống hạm Kh-35 Uran UV.
Cuối năm 2013, tạp chí Công nghiệp – Quốc phòng của Nga trích lời ông Mikhail Dmitriev – Giám đốc Liên bang về Hợp tác Kỹ thuật Quân sự, nói rằng Nga và Việt Nam đang thảo luận về dự án phát triển chung loại tên lửa chống tàu Kh-35 Uran-UV.
Ông Dimitriev nói: “Thực tế là Nga và Việt Nam đã lên kế hoạch tạo ra loại tên lửa mới dựa trên nguyên bản tên lửa chống tàu Kh-35 Uran trong tháng 2 năm nay (2/2013)”. Tuy nhiên, từ đó đến nay không có thông tin nào về dự án này nên không rõ kế hoạch đã được triển khai hay đã bị đình lại.
Đỗ Phong (Tổng hợp KT, QĐND, ĐVO)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét