Vibay

Thứ Năm, 19 tháng 3, 2015

Úc quan tâm thế nào đến tranh chấp Biển Đông?

Úc và Việt Nam cùng chia sẻ mối quan ngại về an toàn và an ninh hàng hải trên Biển Đông, một học giả về Việt Nam của Úc nói với BBC nhân dịp hai nước tuyên bố thắt chặt quan hệ an ninh-quốc phòng.


Thủ tướng Dũng đang có chuyến thăm Úc và New Zealand

Tuyên bố này đã được đưa ra sau cuộc gặp của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng với người đồng nhiệm Úc, ông Tony Abbott, ở thủ đô Canberra.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng yêu cầu các nước không liên quan ‘tránh xa các tranh chấp trong Biển Đông’ mặc dù không nêu đích danh Canberra.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Úc.

'Tiến về phía trước'

Trao đổi với BBC, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nói rằng việc hai nước thắt chặt quan hệ an ninh là ‘một bước tiến về phía trước’ của mối quan hệ đối tác toàn diện mà hai nước đã có từ năm 1999.

Ông Thayer đã tham dự buổi thảo luận tại Viện Lowy về quan hệ quốc tế ở Sydney với sự tham gia của Thủ tướng Dũng.

“Kể từ đó, phía Úc đã huấn luyện cho 1.200 quân nhân Việt Nam, rồi các chuyến ghé cảng Việt Nam hàng năm của tàu hải quân Úc bên cạnh bốn vòng đối thoại chiến lược trong đó có đối thoại ở cấp Bộ trưởng Quốc phòng hàng năm,” ông Thayer nói.

Ông cũng cho biết theo sự hợp tác này, phía Úc sẽ huấn luyện cho 120 quân nhân Việt Nam trong năm nay và phía Việt Nam cũng tham gia cùng với các binh sỹ Úc trong các cuộc tập trận ‘quy mô nhỏ’.

Ngoài ra cũng có ‘sự hợp tác âm thầm’ giữa lực lượng đặc biệt của quân đội hai nước và hai nước đã có những trao đổi quân sự ‘nhất là trong lĩnh vực chống khủng bố’, vị học giả này nói và cho biết trong các nội dung hợp tác có việc Úc sẽ giúp đỡ Việt Nam cứu hộ các tàu ngầm gặp nạn.

Theo ông Thayer thì mối quan hệ an ninh-quốc phòng giữa hai nước ‘nhấn rất mạnh vào an toàn và an ninh hàng hải’ và điều này ‘rõ ràng là có liên quan đến Biển Đông’.

“Tôi đã nghe rất nhiều bài phát biểu (trong chuyến thăm của ông Dũng đến Úc) và tôi thấy có sự nhấn mạnh đến mối quan ngại chung về an toàn và an ninh hàng hải,” ông nói.

'Âm thầm theo Hoa Kỳ'


Việc Trung Quốc xây cất trên các đảo chìm trên Biể̀n Đông đã làm nhiều nước quan ngại

Ông cho biết trên vấn đề Biển Đông thì Úc ‘âm thầm đi theo chính sách của Hoa Kỳ’, tức là ‘có chính sách giống nhau nhưng không nói lên cho mọi người biết’.

“Úc không tuyên bố có lợi ích thật sự ở Biển Đông,” ông nói, “Việc Úc không phát biểu giống Mỹ là ‘trung lập, không đứng về phe nào’ không có nghĩa là Úc ủng hộ phe nào đó trong tranh chấp.”

“Tuy nhiên, Úc cùng với Nhật Bản, Hoa Kỳ và Ấn Độ tất cả cùng tăng cường khả năng phòng vệ trên biển cho Việt Nam và Philippines,” ông cho biết.

Ông Thayer cho biết các cuộc huấn luyện và tập trận giữa Việt Nam và Úc chỉ là ‘hoạt động bình thường’ kéo dài cả năm mà phía Trung Quốc cũng từng tham gia với Úc nên ‘không phải là vấn đề gì lớn’ với Trung Quốc.

Khi được hỏi Canberra có lo ngại trước một Trung Quốc ngày càng mạnh bạo và quả quyết ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương hay không, Giáo sư Thayer nói: “Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc và không ai muốn kiềm chế Trung Quốc về mặt kinh tế cả.”

Tuy nhiên, với việc Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh quân sự dẫn đến sự thay đổi cán cân quyền lực thì điều này đã ‘tạo ra thách thức đối với năng lực của nước Úc mà Úc phải có cách ứng phó’.

Theo ông Thayer thì Úc phải đảm bảo có khả năng phát hiện tàu ngầm Trung Quốc, theo dõi chúng, biết chúng đang định làm gì và chúng có trang bị vũ khí như thế nào.

“Điều quan trọng nhất là Trung Quốc cần phải minh bạch hơn trong việc xây dựng và triển khai lực lượng của họ cũng như trong việc biến một số hòn đảo thành nơi đồn trú cho tàu chiến của họ,” ông nói.

BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét