Thủ tướng Campuchia (phải) bênh vực lập trường của giới lãnh đạo Campuchia khi đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN trong vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Tại Phnom Penh, Thủ tướng Hun Sen hôm thứ Tư phát biểu rằng những nước có ảnh hưởng trực tiếp nên giải quyết vấn đề này với nhau.
"Xét cho cùng thì đây không phải là vấn đề đối với toàn thể khối ASEAN. Đó là vấn đề song phương giữa các nước có liên quan, họ cần phải nói chuyện với nhau," ông Hun Sen nói.
Bắc Kinh đã nói họ sẽ chỉ đàm phán tranh chấp lãnh thổ với từng nước một và đã từ chối bất kỳ kênh đa phương nào để giải quyết.
Nhưng Philippines và Việt Nam, hai thành viên của ASEAN, vẫn đang thúc đẩy một phương sách mang tính khu vực và đa phương đối với vấn đề này.
Mặc dù đây là lần đầu tiên lãnh đạo Campuchia tuyên bố một cách rõ ràng lập trường của mình về tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông, Phnom Penh đã bị chỉ trích về cách thức xử lý vấn đề này khi họ giữ chức chủ tịch ASEAN vào năm 2012.
Nhắc tới vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN, Thủ tướng Hun Sen bênh vực lập trường của giới lãnh đạo của Campuchia:
"Sau Campuchia, Brunei cũng không tìm được một giải pháp, Myanmar cũng thất bại. Bây giờ tôi đang đợi xem liệu Malaysia sẽ có thể giải quyết vấn đề này được hay không. Tôi có thể nói là việc này không thể nào làm được. Nhưng họ chỉ đổ lỗi cho Campuchia, chỉ có Campuchia là sai. Tôi sẽ đợi xem hết toàn đợt luân phiên."
Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2012, các nhà lãnh đạo khu vực đã không thể đưa ra được một tuyên bố chung. Những người chỉ trích nói rằng việc này là do Campuchia bảo vệ lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á bao gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, và Việt Nam. Ngoài Việt Nam và Philippines, Malaysia và Brunei cũng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét