Vibay

Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

Trung Quốc đề xuất 3 biện pháp cho Biển Đông

03/8/2013- Ngày 2/8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đề xuất ba biện pháp giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, sau khi bị Philippines kịch liệt phản đối ý định khai thác chung ở những vùng biển tranh chấp.


Một cuộc tập trận hải quân của Trung Quốc

Động thái trên được ông Vương Nghị đưa ra trong cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng hòa giải hòa bình châu Á, cựu Thủ tướng Thái Lan Surukiat Sathirathai.

Theo ông Vương Nghị, ba biện pháp mà ông đưa ra có thể được thực hiên đồng thời nhằm đem lại hiệu quả mong muốn.

Thứ nhất là các bên liên quan trực tiếp phải đạt thỏa thuận thông qua tham vấn và thương lượng.

Thứ hai là tiếp tục thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trong khi vẫn từng bước thúc đẩy tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Thứ ba là các bên liên quan phối hợp cùng nhau khai thác trong bối cảnh còn lâu mới có thể tìm ra giải pháp cuối cùng cho các tranh chấp ở Biển Đông.

Ba đề xuất cho thấy Trung Quốc vẫn bám giữ quan điểm muốn tiến hành các cuộc đàm phán song phương, thay vì đa phương cho vấn đề Biển Đông. Điều này được thể hiện rất rõ trong một tuyên bố ngay sau đó của ông Vương Nghị khi ông nói rằng: “lập luận cho rằng đàm phán song phương không thể đạt được tiến triển là sai lầm và vô căn cứ”.

Một mục đích sâu xa hơn của Trung Quốc là việc xem nhẹ DOC và COC, cho dù bên ngoài vẫn đề cao việc thảo luận hai cơ chế này. Ông nói “cả DOC và COC đều không phải là giải pháp cho tranh chấp, nhưng có tác dụng đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực” và rằng, “COC đã bị cản trở bởi một số bên riêng lẻ và Trung Quốc không muốn tái diễn việc này”.

Về vấn đề phối hợp khai thác chung, mặc dù ông Vương Nghị có nhấn mạnh tới cơ sở “cùng có lợi” song đây có lẽ là bình phong cho ý đồ ẩn sâu của Trung Quốc.

“Việc phối hợp cùng nhau tìm cách khai thác chung không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn để đánh tín hiệu đến các nơi khác trên thế giới rằng các nước trong khu vực sẵn sàng giải quyết tranh chấp bằng hình thức hợp tác”, ông nói sau khi đưa ra đề xuất thứ ba.

Trước đó, hôm 31/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nói Trung Quốc muốn gác tranh chấp và cùng khai thác, nhưng bên cạnh đó vẫn tái khẳng định chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông.

"Chúng ta cần nhắc lại rằng chủ quyền thuộc về chúng ta, nhưng chúng ta có thể gác tranh chấp, cùng khai thác, thúc đẩy hợp tác hữu nghị và cùng có lợi, tìm kiếm và mở rộng các lợi ích chung", kênh truyền hình trung ương Trung Quốc dẫn lời ông Tập nói.

Tuy nhiên, Philippines đã lập tức bác bỏ điều này.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói rằng Philippines có quan điểm không chấp thuận dự án chung như thăm dò khai thác dầu khí với Trung Quốc, nếu như Bắc Kinh tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.

Ông Albert del Rosario vừa cùng Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đồng chủ trì phiên họp thứ 7 của Ủy ban hợp tác song phương Việt Nam-Philipines.

Cuộc họp diễn ra từ 31/7 tới 1/8 tại thủ đô Manila với mục đích thảo luận hợp tác biển và đại dương.

"Hai bên nhất trí tiếp tục triển khai Thoả thuận về hợp tác quốc phòng, Bản ghi nhớ về Tăng cường liên lạc và chia sẻ thông tin giữa hải quân hai nước và Thoả thuận về thiết lập đường dây nóng giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Philippines", thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam nếu rõ.

Tuy nhiên, ông Albert del Rosario cũng cho biết thêm là hai bên cũng đã bàn thảo một số vấn đề về thống nhất và tăng cường hợp tác trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Cụ thể, hai bên nhất trí chia sẻ thông tin nhằm bảo vệ lãnh thổ trước các đe dọa từ bên ngoài, yêu cầu ASEAN sớm bắt đầu quá trình đàm phán với Trung Quốc về COC nhằm giảm thiểu nguy cơ xung đột ở Biển Đông.

"Chúng tôi muốn ASEAN có bước tiến mạnh trong liên hệ với Trung Quốc…Chúng tôi cho rằng tham vấn là chưa đủ mà cần phải nói về đàm phá”, Ngoại trưởng Albert del Rosario nói.

Philippines và Việt Nam là hai nước trực tiếp liên quan tới các tranh chấp gay gắt ở Biển Đông với Trung Quốc.

Thời gian qua, hai nước đã thành lập Ủy ban hỗn hợp về Biển và Đại dương cấp Thứ trưởng Ngoại giao và Nhóm chuyên gia pháp lý về các vấn đề trên biển để thúc đẩy đối thoại và hợp tác về các vấn đề liên quan đến biển.

Dân Trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét