26/10/2012- (TNO) Hàng ngũ lãnh đạo thuộc bốn tổng cục của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã chính thức được công bố hôm 25.10, thể hiện sự cân bằng quyền lực giữa ba phe phái quyền lực Trung Quốc và bảy quân khu.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã thông báo việc bổ nhiệm người đứng đầu của bốn cơ quan phụ trách chính trị, tham mưu, hậu cầu và vũ trang vào hôm 25.10. Những người được bổ nhiệm này chắc chắn sẽ trở thành ủy viên Quân ủy Trung ương Trung Quốc (CMC) vào thời điểm kết thúc đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, dự kiến khai mạc ngày 8.11.
Tờ China Daily dẫn lời tướng về hưu Hùng Quang Khải, nguyên Phó tổng tham mưu trưởng PLA hồi thập niên 1990, nhận xét cuộc cải tổ sẽ không thay đổi đường hướng quân sự do nó không được quyết định bởi một cá nhân mà là quyết định của toàn thể CMC.
“Chính CMC đưa ra những quyết định nhân sự thế này. Giống nhà nước, PLA được lãnh đạo tập thể, nên không giống với các nước khác, chiến lược và chính sách của PLA sẽ không thay đổi với những thay đổi về nhân sự”, ông Hùng phát biểu với tờ China Daily.
Ông Đằng Kiến Quần, Giám đốc nghiên cứu của Hiệp hội Kiểm soát vũ khí và Giải trừ quân bị Trung Quốc, nói cuộc cải tổ phản ánh sự đề cao kinh nghiệm của các tư lệnh quân sự lão luyện, đặc biệt vào thời điểm căng thẳng trong khu vực.
“Sự nghiệp của họ gần như theo đúng một lộ trình”, tờ China Daily dẫn lời ông Đằng.
Theo tờ South China Morning, cơ cấu CMC kế tiếp được cho là kết quả từ sự thỏa hiệp giữa cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và người kế nhiệm dự kiến Tập Cận Bình.
Tân Tổng tham mưu trưởng PLA Phòng Phong Huy được xem là người thân tín của ông Hồ Cẩm Đào trong khi cả tướng Triệu Khắc Thạch, tân Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, và tướng Trương Hựu Hiệp, Chủ nhiệm Tổng cục Vũ trang, được xem là thân cận với ông Tập Cận Bình.
Tướng Trương Dương, tân Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, được xem là trung lập; song, đồng minh của ông Giang là tướng Hứa Kỳ Lượng, nguyên Tư lệnh Không quân, gần như chắc chắn sẽ trở thành một trong ba phó chủ tịch CMC.
Tướng Phòng, nguyên Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh, từng phục vụ tại Quân khu Lan Châu trong hơn 3 thập niên. Ông gia nhập PLA vào năm 1968 khi mới 16 tuổi và trở thành Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh vào năm 2007.
Trương Dương từng làm việc tại Quân khu Quảng Châu ít nhất 20 năm. Tướng Triệu Khắc Thạch đi lên từ cấp bậc thấp nhất ở Quân khu Nam Kinh và tướng Trương Hựu Hiệp, nguyên Tư lệnh Quân khu Thẩm Dương, từng phục vụ tại Quân khu Thành Đô trong hơn ba thập niên.
Nếu Tư lệnh Quân khu Tế Nam Phạm Trường Long, người từng phục vụ 35 năm tại Quân khu Thẩm Dương, trở thành phó chủ tịch CMC theo dự kiến, cơ cấu CMC mới của Trung Quốc sẽ bao gồm các sĩ quan từng phục vụ tại bảy quân khu của PLA.
Theo tờ South China Morning Post, tướng Trương Hựu Hiệp thuộc về nhóm “có gốc gác” của Phó chủ tịch Tập Cận Bình, tức con cháu của những lão thành cách mạng. Tướng Trương là con trai của nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Trương Tông Tốn, bạn thân của ông Tập Trọng Huân, cha ông Tập Cận Bình.
Năm 1947, Trương Tông Tốn là Tư lệnh của Quân đoàn Thiểm Tây, Cam Túc và Ninh Hạ trong khi ông Tập Trọng Huân là Chính ủy của quân đoàn này.
Ông Tập Cận Bình trở thành Phó chủ tịch CMC vào năm 2010 và được cho là đã tác động đến việc ông Trương được phong thượng tướng trong năm 2011, theo các chuyên gia quân sự được tờ Wall Street Journal dẫn lời.
Tướng Triệu Khắc Thạch từng là Tư lệnh Quân đoàn 31 đóng ở Hạ Môn thuộc tỉnh Phúc Kiến, từ năm 1994 đến 1999, khi ông Tập Cận Bình là bí thư thủ phủ Phúc Châu của tỉnh này.
Theo Thanh Niên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét