Ngoài nhiệm vụ giám sát trên biển, các vệ tinh mới còn được nói là để "nghiên cứu, thăm dò các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong khu vực".
Kế hoạch này được ông Tưởng Hưng Vĩ – Giám đốc Cục Ứng dụng vệ tinh hải dương tuyên bố trong lễ khánh thành phòng nghiên cứu mới của Viện Hải dương Quốc gia Trung Quốc diễn ra ở Thiên Tân cách đây ít hôm, theo Chinadaily.
Hình ảnh vệ tinh Hải Dương - 2A, một trong số những vệ tinh mới được Trung Quốc phóng đi hôm 15/8 từ Trung tâm Taiyuan
Nguồn tin từ Nhật báo Bắc Kinh và Nhật báo Khoa học & Công nghệ cho biết, động thái này được xem là dự án ‘dài hơi’ của chính phủ Trung Quốc do Bộ Tài nguyên và Môi trường nước này thực hiện.
Theo đó, trong vòng 8 năm tới, Trung Quốc sẽ phóng 8 vệ tinh bao gồm 4 vệ tinh theo dõi màu nước biển, 2 vệ tinh giám sát hướng chảy của các dòng hải lưu và 2 vệ tinh radar hàng hải được sử dụng vào ‘những mục đích khác’.
Với việc triển khai các vệ tinh này, Bắc Kinh mong muốn sẽ thu thập được nhiều hơn nữa các dữ liệu trên đất liền và cả đại dương cũng như tăng cường khả năng giám sát an ninh vùng biển và môi trường hàng hải.
Hiện nay, Trung Quốc đã có 3 vệ tinh đang làm nhiệm vụ bảo vệ cái mà Bắc Kinh gọi là ‘chủ quyền biển đảo’ trong vùng tranh chấp với Nhật Bản vì quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Bãi đá Hoàng Nham/Scarborough hay 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cũng được nói là nằm trong vùng kiểm soát của vệ tinh Trung Quốc.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh và Tokyo cũng được coi là 'đối tượng theo dõi' của vệ tinh Trung Quốc
Tuy nhiên, ông Tưởng cũng nói thêm rằng dù khoa học và công nghệ vệ tinh hải dương của Trung Quốc đang phát triển nhưng nó còn ‘thua xa’ Mỹ và các nước Châu Âu bởi xuất phát điểm muộn hơn nhiều.
"Vấn đề hiện nay là vệ tinh do Trung Quốc sản xuất thường có tuổi thọ ngắn hơn so với các quốc gia đi trước", ông Tưởng nói.
Cũng theo người đứng đầu Cục Ứng dụng vệ tinh hải dương Trung Quốc, hàng loạt các cuộc phóng vệ tinh trong vòng 8 năm tới sẽ có tác dụng cải thiện khả năng thăm dò, giám sát cũng như mở đường cho những phát minh mới liên quan tới lĩnh vực công nghệ quân sự và hàng hải.
Trước đó, hôm 3/9, Cục Hải dương học Trung Quốc còn tuyên bố đã đưa toàn bộ quần đảo Trường Sa và bãi đá Scarborough/Hoàng Nham vào ‘tầm ngắm’ của hệ thống vệ tinh được nước này triển khai trên Biển Đông.
Thậm chí, một trang mạng quân sự ở Bắc Kinh còn ngạo mạn tuyên bố: “Đây là bước đi nằm trong chiến lược quốc phòng hàng hải với mục đích xây dựng bản đồ số hóa toàn bộ vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc”.
Việc Bắc Kinh liên tiếp phô diễn sức mạnh quân sự với xu hướng tiến xa ra biển đang thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế, đặc biệt là các nước có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh trong khu vực Châu Á và Đông Nam Á.
Theo VTC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét