Dân Philippines biểu tình chống chủ trương bá quyền của Bắc Kinh trước Tòa Ðại Sứ Trung Quốc ở Manila ngày 11 Tháng Năm, nhân vụ tranh chấp bãi đá Scarborough Shoal. (Hình: Nicholas Kamm/AFP/GettyImages)
“Lãnh tụ các nước Singapore, Malaysia và Việt Nam đã bày tỏ sự ủng hộ nồng nhiệt lập trường của chúng ta về nhiều vấn đề có hiệu quả rộng lớn và tác động ở trong khu vực đặc biệt liên quan đến các cuộc thương thuyết về biển Tây Phi”. Tổng Thống Benigno Aquino III loan báo như vậy với dân Philippines sau khi từ Hội Nghị Thượng Ðỉnh APEC trở về.
Tại hội nghị APEC tổ chức ở Vladivostok, Nga, ông đã tiếp xúc bên lề với một số lãnh tụ các nước cùng đến dự. Ông cũng dự trù gặp cả ông Hồ Cẩm Ðào, chủ tịch Trung Quốc, nhưng cuộc hẹn đã bị hủy bỏ vào giờ chót với lý do nhiều phần từ phía Bắc Kinh là “lịch trình quá căng”, “không kịp” dù ông Aquino rất muốn.
Theo báo chí Philippines, Ngoại Trưởng Philippines Albert Del Rosario tường thuật lại là cả Thủ Tướng Malaysia Abdul Razak và Tổng Thống Aquino đều cùng “bày tỏ nhu cầu chọn lấy một lập trường chung của ASEAN đối với vấn đề tranh chấp biển Tây Phi”.
Philippines gọi là biển Tây Phi, Việt Nam gọi là biển Ðông và Trung Quốc gọi là Nam hải.
Theo báo chí Philippines, “lãnh tụ Việt Nam tái xác nhận ‘tình bằng hữu sâu xa’ và hợp tác với Philippines bằng cách hậu thuẫn Philippines đối phó với các thử thách mà hai nước đang đối diện”.
Thông tấn xã Việt Nam khi đưa tin “Chủ tịch nước gặp gỡ song phương bên lề APEC”, đã nói về cuộc tiếp xúc giữa ông Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang với Tổng Thống Aquino chỉ bóng gió là “Hai bên nhất trí cho rằng, trong thời gian tới, ASEAN phải tiếp tục củng cố đoàn kết, dành ưu tiên cao cho mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN năm 2015, phát huy vai trò trung tâm và bảo đảm ASEAN có tiếng nói, đóng góp chung vào các vấn đề quan trọng, thiết thân vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực”.
Hà Nội tránh né loan tải các tin tức để người ta thấy hay hiểu có sự kiện Việt Nam kình chống Trung Quốc khi có thêm một nước thứ ba chen vào. Việt Nam lâu nay vẫn thường tuyên bố lập trường không đứng về phe với nước này để chống nước kia.
Cuộc họp ASEAN hồi Tháng Bảy vừa qua ở Phnom Penh, Cambodia, đã không ra nổi một bản tuyên bố chung trong suốt lịch sử 45 năm của tổ chức này, vì áp lực của Bắc Kinh đè trên nước chủ nhà.
Những cuộc đàm phán tiến tới một Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Ðông (Code of Conduct) để tránh xung đột võ trang lâu nay vẫn được đại diện các nước ASEAN thảo luận với Bắc Kinh trong kín đáo. Tuy nhiên, giới chuyên viên quốc tế không tin bộ quy tắc này có thể thành hình sớm sủa vào dịp họp thượng đỉnh ASEAN dự trù Tháng Mười Một tới đây như người ta mong đợi.
“Trung Quốc có sốt sắng muốn thấy một bộ COC hay không? Theo tôi, câu trả lời là không.” Ông Ian Stoney, một chuyên viên về các vấn đề Ðông Nam Á tại Viện Nghiên Cứu Ðông Nam Á ở Singapore, được dẫn lời trong một bài viết về tranh chấp biển Ðông trên báo Diplomat ngày 4 Tháng Chín. “Một Bộ Quy Tắc Ứng Xử có hiệu quả sẽ kềm chế Bắc Kinh tự tung tự tác ở biển Ðông, một nước lớn như Trung Quốc không thích như thế.”
Giáo Sư Carl Thayer, chuyên viên về các vấn đề Việt Nam của Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc, cũng đưa ra nhận xét tương tự: “Trung Quốc không chấp nhận (COC) có tính bắt buộc”.
Chính vì vậy, giới chuyên viên cho rằng nếu có sớm, một bộ COC khó có thể thành hình trước năm 2014.
Trong khi Philippines cố gắng vận động thêm nhiều nước đứng chung một lập trường để đối phó với Bắc Kinh như một tập thể, thì ngược lại, Bắc Kinh vẫn đòi thảo luận tay đôi với từng nước để dễ lợi dụng thế nước lớn chèn ép.
Trong cuộc gặp ông Trương Tấn Sang ở Vladivostok, ông Hồ Cẩm Ðào đã nhắc lại lập trường như vậy của Bắc Kinh với phía Việt Nam.
Theo Người Việt
Tôi có 1 ước muốn tột cùng là. Mong có 1 ngày nào đó gần nhất. các nước Đông Nam Á có Biển, bắt tay nhau đoàn kết oánh Tàu, cùng với đó có cả Mỹ, Nga, Nhật, Ấn tác chiến cùng, để xóa sổ cái lũ Bành chướng xâm lăng kia đi. Xóa xong chia cho mỗi Nước 1 phần lãnh thổ của TQ
Trả lờiXóa