Vibay

Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

Đô đốc Trịnh Hòa - nỗi buồn thiên cổ

TS Nguyễn Ngọc Trường/ Tổ Quốc, 20/8/2012

Sau hàng ngàn năm quay lưng ra biển, Trung Quốc đang thực hiện tranh chấp biển gần, tiến ra đại dương.

Trung Quốc thường được coi là một cường quốc lục địa hoặc trên đất liền, với diện tích lớn thứ ba thế giới, 9,6 triệu km2. Trong đó có 22.000 km biên giới trên bộ tiếp giáp với 14 nước láng giềng. Trên biển, Trung Quốc tiếp giáp với 8 nước láng giềng và cho rằng họ có đường bờ biển dài 32.000 km.

Trung Quốc cổ đại quay lưng ra biển chứ chưa hình thành tư tưởng văn minh hải dương. Hy Lạp cổ đại dựa vào nguồn của cải tại Địa Trung Hải để chấn hưng kinh tế, điều này đã quyết định quốc gia này xây dựng hạm đội hải quân làm hạt nhân của quân đội Hy Lạp. Nền văn minh hải dương mở cửa đã ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử của cả thế giới phương Tây sau này.

Từ quay lưng ra biển…

Tư duy cường quốc lục địa không ảnh hưởng tới việc trong một số thời kỳ, Trung Quốc có những phát minh kỹ thuật hàng hải đứng đầu thế giới. Thời kỳ nhà Đường (618- 907), nhà Tống (960-1279), nhà Minh (1368 - 1644) đã xuất hiện “con đường tơ lụa trên biển”.


Thủy sư Đô đốc Trịnh Hòa thời nhà Minh đã hành trình viễn dương vạn lý. Từ năm 1405 tới năm 1433, vị đô đốc này thể hiện là một nhà hàng hải kiêm nhà ngoại giao xuất chúng của Trung Quốc. Ông đã 7 lần vượt biển tới Tây Nam Á, Đông Phi, châu Đại Dương, gần 1 thế kỷ trước cả khi Christopher Columbus (1451-1506) phát hiện ra châu Mỹ vào năm 1492. Ông đã thấy được những vùng biển bao bọc phía đông và nam Trung Quốc là quá chật hẹp và cảnh báo người Trung Hoa bấy giờ: “Nếu nước khác chiếm trước được Nam Dương (tức biển Đông Nam Á), Hoa Hạ sẽ lâm nguy”. Tiếc thay, một vị đô đốc tài hoa, một nhà hàng hải và thám hiểm tiên phong thời đại đã bỏ xác nơi quê người và sự nghiệp của ông bị mai một. Không người Trung Quốc nào các thời đại tiếp theo khuyếch trương sự nghiệp của ông, đưa Trung Quốc hướng ra đại dương, mở rộng giao thương, trở thành một quốc gia hàng hải.

Christopher Columbus, giống như Đô đốc Trịnh Hòa, là một nhà hàng hải, một nhà thám hiểm lớn của mọi thời đại. Nhưng khác với Đô đốc Trịnh Hòa, ông là một người thực dân. Những phát hiện địa lý của ông mở đường cho các nước Tây Âu xâm chiếm các thuộc địa, mở ra thời kỳ chủ nghĩa thực dân, lấy thuộc đại làm giàu chính quốc. Xét từ quan niệm kinh tế-chính trị, những cuộc hành trình viễn dương của Trịnh Hòa thiếu động lực. Bởi vì, Trung Quốc lúc bấy giờ chưa thoát khỏi tư tưởng bám giữ đất liền - một trong nguyên nhân chủ yếu khiến nền văn minh Hoa Hạ từ sau thế kỷ 15 dần tụt hậu so với các nền văn minh hướng ra biển của thế giới phương Tây. Và cuối cùng trở thành đối tượng hàng đầu của các cuộc chinh phạt đế quốc thực dân khi các pháo hạm phương Tây nã đạn vào các thành trì phương Đông. Đối với nhà hàng hải xuất chúng Trịnh Hòa, đó là nỗi buồn thiên cổ.

Các nhà chính trị và sử gia Trung Quốc đương đại không ngớt nói về “tấm gương soi lịch sử”, để nhắc nhở Nhật Bản và các nước phương Tây về món nợ lịch sử đè nén áp bức người Trung Quốc hàng trăm năm. Đó là cách để gây áp lực lên nước khác, mỗi khi bang giao giữa các nước này với Trung Quốc “có vấn đề”. Nhưng nếu dùng lịch sử làm gương soi, thì những người Trung Quốc khách quan hẳn phải soi vào 14 cuộc chiến tranh Trung Quốc tiến hành xâm lược Đại Việt, trong đó có những cuộc chiến tranh “đốt sạch, cướp sạch, phá sạch”. Trong thời hiện đại, có thêm một cuộc chiến tranh năm 1979, một cuộc hải chiến đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974 và cuộc tấn công vào các đảo Việt Nam ở Trường Sa năm 1988, đánh đắm 3 tàu và làm thương vong hơn 70 thủy thủ Việt Nam. Tuy vậy, người Việt Nam bao đời vẫn giữ hòa hiếu và tôn trọng nước lớn láng giềng phương Bắc; còn đánh đuổi giặc ngoại xâm là việc phải làm. Ngày nay, nhân dân Việt Nam vẫn ghi nhớ công ơn của nhân dân Trung Quốc ủng hộ mình trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam thế kỷ 20.

Người Hoa Hạ chưa có văn hóa Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải). Có chăng là Đông Hải (Biển Hoa Đông): Người Trung Quốc cổ thường chúc nhau “Thọ tựa Nam Sơn, phúc như Đông Hải”, v.v.. Những viện dẫn của giới học giả Trung Quốc đương thời bằng các tài liệu từ thời Đông Hán, Tam Quốc, Tống, Nguyên không đồng nghĩa với phát hiện có hiệu lực pháp lý đối với Biển Đông. Chúng có thể cho thấy người Trung Quốc từ xa xưa đã biết tới các đảo ở Nam Hải (Biển Đông), luôn có những nhà hàng hải, những nhà thám hiểm đi ra tìm hiểu thế giới hải ngoại, hoặc các nhà buôn, hoặc các nhà ngoại giao, nổi bật nhất là Trịnh Hòa… Nhưng chúng không minh chứng về một sự chiếm hữu nào.

Trung Quốc qua các triều đại đặt trọng điểm phòng ngự là ở phía Bắc, tiêu diệt giặc Hung Nô, bồi đắp Vạn Lý Trường Thành, thực hành phương châm “Bắc xâm, Nam ngự” (các nước phương Bắc thường xâm lược Trung Quốc, còn Trung Quốc cần cảnh giác phòng ngự). Người Hoa Hạ sống trong chế độ tự cung tự cấp và ít lệ thuộc thế giới bên ngoài, cần gì thì đã có Con Đường Tơ Lụa qua Trung Á.

Đối với Trung Quốc cổ xưa, Đông Hải chỉ có vai trò bức bình phong an ninh phòng chống cướp biển. Thời nhà Minh (1368 – 1644) xuất hiện “giặc lùn” cướp biển đến từ Nhật Bản là kẻ ngoại xâm duy nhất đến từ biển. Đối sách của nhà Minh không phải là đóng thuyền lớn và tổ chức lực lượng vươn ra biển xa, mà tăng cường phòng ngự bờ biển. Đến khi chiến hạm của phương Tây cập bến đòi mở cửa thông thương và quân đội của Nhật Bản với sự yểm trợ của hải quân chính quy tiến hành xâm lược, Trung Quốc đã thất bại hoàn toàn. Cuối thời nhà Thanh (1644 – 1911), triều đình bỏ ra khoảng 40 triệu lượng bạc để thành lập lực lượng “Hải quân Bắc Dương”, cũng xuất hiện nhiều đô đốc có tài. Nhưng tư tưởng chủ đạo vẫn là bám trụ đất liền, xây dựng các thành trì pháo đài nổi để phòng ngự bờ biển, nên dễ dàng bị tiêu diệt. Mất thành dẫn tới mất nước.


Thế hệ lãnh đạo cách mạng Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông trưởng thành từ những cuộc chiến đấu trên đất liền, cảm nhận được mối đe dọa của máy bay trên đầu, nhưng không hiểu nhiều về chiến tranh trên biển. Mục tiêu bảo vệ của hải quân hạn chế ở bảo vệ ven biển. Đến tận những năm 1980, người Trung Quốc vẫn lạ lẫm với khái niệm “quyền lực hải dương” của các chiến lược gia phương Tây.

… đến “tranh biển gần, ra đại dương”

Công cuộc cải cách mở cửa ở Trung Quốc đưa nước này hội nhập sâu rộng vào dòng chủ lưu thời đại. Lợi ích hải ngoại của Trung Quốc nhanh chóng mở rộng. Đến lúc này, phát triển khai thác hải dương và xây dựng lực lượng hải quân bảo vệ quyền lợi trên biển mới trở thành tư tưởng cốt lõi của chiến lược quốc phòng Trung Quốc. Lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc không thể quay lưng ra biển vì phải phụ thuộc vào các nước bên ngoài để có thị trường xuất khẩu, có nguồn cung cấp năng lượng và kỹ thuật cho kinh tế ở bên trong. 90% lượng hàng hóa trao đổi giữa các lục địa ngày nay đều qua đường hàng hải. Nhưng, khi mở cửa ra ngoài, lãnh đạo Trung Quốc lại muốn kiểm soát quyền tự do đó, trước hết là trên vùng biển cận duyên. Chính nhu cầu bảo vệ lợi ích hải ngoại đã buộc Trung Quốc thay đổi chiến lược quốc phòng từ lấy phòng ngự đất liền làm mục tiêu cơ bản sang coi trọng cả đất liền và trên biển.

Trước năm 1909, không có gì chứng tỏ sự quan tâm của chính quyền Trung Quốc đối với các đảo tại Biển Đông. Bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” in năm 1904, không hề bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là một công trình tiếp thu tư liệu từ đời Tần, Hán, Nguyên, rồi được viết liên tục trong gần hai thế kỷ (1708-1904), từ thời vua Khang Hi đến thời vua Quang Tự. Đích thân các hoàng đế nhà Thanh huy động lực lượng giáo sĩ, những người tài giỏi về thiên văn và toán pháp điền dã thực hiện. Năm 1904, Nhà xuất bản Thượng Hải chính thức xuất bản tấm bản đồ “Địa dư toàn đồ” với lời giới thiệu của Sái Thượng Chất, chủ biện (như giám đốc bây giờ) đài thiên văn ở Xà Sơn. Bản đồ ghi rõ cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam.

Chuyện Trung Quốc tranh đoạt Biển Đông là chuyện thời nay./.

Tổ quốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét