04/8/12- Philippines đang chuẩn bị đưa cuộc tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về luật Biển (ITLOS). Dù Philippines có những bằng chứng thuyết phục nhưng các chuyên gia luật quốc tế nhận định, việc đưa tranh chấp Biển Đông ra tòa án quốc tế sẽ không có tác dụng bởi Trung Quốc không chịu công nhận quyền tài phán của ITLOS.
Phát biểu trước giới phóng viên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines – ông Raul Hernandez hôm nay (3/8) cho biết, nước này đang tăng tốc thực hiện các bước đi pháp lý nhằm giải quyết cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông dù Bắc Kinh “có hợp tác hay không”.
"Các bước chuẩn bị đang được tiến hành và chúng tôi hy vọng chúng tôi có thể thực hiện được điều này càng sớm càng tốt. Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ các bước đi và chúng tôi hy vọng có thể sử dụng con đường pháp lý để giải quyết các cuộc tranh chấp một cách hòa bình”, phát ngôn viên Hernandez cho biết. Tuy nhiên, ông này không cho biết cụ thể thời gian Manila sẽ đưa cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ra giải quyết tại ITLOS.
Theo ông Hernandez, Philippines đã gửi 12 văn bản phản đối bằng ngoại giao cho Trung Quốc khi cuộc đối đầu giữa hai nước ở bãi cạn Scarborough nổ ra hồi tháng 4 mới đây.
Trước thông tin Manila đang tích cực chuẩn bị các thủ tục và bằng chứng để đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông ra tòa án quốc tế, giới chuyên gia luật quốc tế tỏ ra hoài nghi về khả năng thành công của nước này.
Ông Tom Ginsburg, một giáo sư về luật quốc tế và khoa học chính trị ở trường Đại học Luật Chicago, bày tỏ tin tưởng, Philippines có những bằng chứng thuyết phục chứng minh chủ quyền của họ đối với các vùng lãnh thổ đang tranh chấp với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Ginsburg cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ Bắc Kinh sẽ không sẵn sàng chịu nghe theo sự phán xét của các tòa án quốc tế liên quan đến những cuộc tranh chấp của nước này với các nước láng giềng khu vực.
"Tôi không nghĩ các bạn có thể thực hiện được mong muốn của mình mà không có sự nhất trí của phía bên kia”, ông Ginsburg đã nói như vậy với các quan chức Philippines.
Một chuyên gia khác có tên là Yas Banifatemi đến từ Nhóm Luật Quốc tế Công của Công ty Luật Shearman & Sterling của Pháp cũng thừa nhận, việc Philippines đưa tranh chấp ở Biển Đông ra tòa án quốc tế không phải là việc dễ làm dù cho đây là một lựa chọn để giải quyết các cuộc tranh chấp này.
Nhận định của các chuyên gia luật phản ánh đúng tình hình thực tế hiện nay. Trong cuộc đối đầu mới nhất với Trung Quốc ở Biển Đông hồi tháng 4 và tháng 5 vừa rồi, Manila đã nhiều lần tuyên bố đưa cuộc tranh chấp với Bắc Kinh ra toà án quốc tế. Tuy nhiên, lần nào, Bắc Kinh cũng lên tiếng phản đối gay gắt động thái của Manila.
Trung Quốc luôn thể hiện mong muốn giải quyết những cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với các nước láng giềng trên cơ sở đàm phán song phương trực tiếp. Với tư cách là nước lớn, Trung Quốc tin rằng họ có thể dễ bề “áp chế” các nước láng giềng nhỏ bé hơn.
Theo ông Banifatemi, Philippines có thể có những lựa chọn khác. Cụ thể, Manila có thể đàm phán trực tiếp với Trung Quốc trong khi tìm kiếm sự ủng hộ của các nước thành viên trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Philippines vừa có cuộc đối đầu căng thẳng và quyết liệt kéo dài hơn 2 tháng với Trung Quốc ở khu vực bãi cạn Scarborough đang nằm trong tranh chấp giữa hai nước. Cuộc khủng hoảng này được châm ngòi từ vụ va chạm giữa tàu chiến lớn nhất của Philippines với 2 tàu hải giám Trung Quốc hôm 10/4. Trong suốt thời gian này, người ta đã chứng kiến một Manila ngày càng cứng rắn, quyết liệt và không ngại đối đầu trực tiếp với một nước lớn như Trung Quốc.
Khác với những lần đụng độ trước, lần này, Philippines tỏ ra mạnh mẽ hơn rất nhiều. Nước này nhiều lần tuyên bố sẽ không lùi bước trong cuộc tranh chấp lãnh thổ hiện nay với Trung Quốc. Điều đó được thể hiện rất rõ qua các động thái của giới lãnh đạo ở Manila trong thời gian qua. Tổng thống Beningo Aquino III cũng như nhiều quan chức cấp cao khác của Philippines không ngần ngại chỉ trích, tố tội Trung Quốc bằng những ngôn từ mạnh mẽ, sắc nhọn. Sự cứng rắn của Manila khiến nhiều nước láng giềng Châu Á bất ngờ.
Ngoài dùng ngôn từ mạnh, Philippines còn có những hành động cứng rắn khác như đưa tàu thuyền ra vùng tranh chấp, cấp tập mua sắm thêm vũ khí hiện đại để sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc.
Biển Đông đang trở thành một trong những điểm nóng dễ bùng nổ nhất của thế giới vì những cuộc tranh chấp lãnh thổ căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực. Hiện tại, Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh hải ở khu vực Biển Đông với một loạt nước gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Biển Đông vốn là khu vực giàu dầu mỏ, khí đốt và là nơi có nhiều tuyến đường hàng hải chiến lược quan trọng. Vì tầm quan trọng của Biển Đông, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm khu vực biển này. Điều đó đã được thể hiện rõ qua lập trường, chính sách và những hành động của Trung Quốc trong thời gian vài năm trở lại đây.
Theo Xã Luận
Việt Nam cũng nên đi chung với Phi ra tòa kiện trung quốc. Như vậy sẽ không bị lẽ loi giữa phiên tòa và thể hiện tinh thần đoàn kết giữa 2 quốc gia khối Asean
Trả lờiXóa