Vibay

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Chiến lược phong tỏa biển của Trung Quốc

24/8/12- Tham vọng của Trung Quốc không chỉ nhắm đến các đảo nằm trong tranh chấp mà còn vươn tầm ngắm đến các đảo không hề có tranh chấp để thực hiện chiến lược phong tỏa biển.

Trong lý thuyết chiến tranh biển, có nhiều trường phái khác nhau bàn về vận tải, tiếp vận, khí tài, phối trí lực lượng trên biển, biển - bộ, biển - bộ - không. Một trong những chiến lược mà các nhà khoa học quân sự biển từng bàn đến và từng sử dụng là phong tỏa biển (tạm dịch từ “sea denial”).


Chiến lược phong tỏa biển này hiện Trung Quốc (TQ) đang nghiên cứu áp dụng và trên thực tế, đó vừa là mục tiêu để TQ lăm le muốn nuốt trọn biển Đông, vừa là phương tiện để nước này hiện thực hóa ý định bao chiếm biển Đông của mình.


Phòng thủ từ xa = chiếm biển của thiên hạ


Trong lý thuyết hải chiến của mình, hải quân TQ chọn cách nói tấn công tích cực từ xa nhằm đánh bại các lực lượng muốn tấn công TQ hay can thiệp vào Đài Loan. Các mô tả cho thấy đây chính là các phương cách của chống tiếp cận và phong tỏa khu vực mà người Mỹ từng đúc kết.


Tuy vậy, cũng có thể cho rằng các chiến lược gia TQ đã mang ứng dụng của hải quân Liên Xô về cho hải quân TQ dù rằng trước đó họ đã dự định phát triển theo hướng hải quân Hoàng gia Nhật vốn cân bằng được năng lực hoạt động dành cho hải quân biển khơi. Cách thức này cho phép TQ thích ứng hải quân nước họ với cách phòng thủ kiểu Xô Viết theo hướng phong tỏa biển.


Theo hướng này, hải quân TQ không chỉ tránh các chi phí tài chính, kỹ thuật và hành chánh liên quan đến xây dựng lực lượng hải quân biển khơi mà còn phù hợp với điều kiện địa chiến lược mà TQ đối mặt - vốn không khác Liên Xô ngày trước từ những mối đe dọa ngoài biển. Khung của học thuyết này là làm sao tạo được một hệ thống trinh sát đáng tin cậy từ ngoài biển xa để có thể phát hiện được các lực lượng hải quân đối phương, từ đó điều tàu ngầm và máy bay từ lục địa đánh chặn trước khi chúng có thể tiếp cận lục địa.



Sơ đồ mô tả chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập của TQ. Ảnh: nghiencuubiendong.vn


Điểm khác nhau giữa tư duy TQ và Liên Xô là ở chỗ Liên Xô đề ra chiến lược phòng thủ biển ở các lằn ranh trên biển (lines-in-the-water), còn TQ định vị các vành đai phòng thủ này bằng các chuỗi đảo (first and second island chain). Chính vì vậy, tham vọng của TQ không chỉ nhắm đến các đảo nằm trong tranh chấp mà còn vươn tầm ngắm đến các đảo không hề có tranh chấp gì với TQ (nghĩa là hoàn toàn thuộc chủ quyền của nước khác)!


Ngụy tạo và tuyên truyền sai lệch cho dân chúng


Cho nên vành đai phòng thủ biển của TQ kéo ra bên ngoài vùng 200 hải lý, dẫn đến nước này đòi hỏi kiểm soát Hoàng Hải, biển Nhật Bản (East China Sea), eo Đài Loan, vịnh Bắc Bộ và ít lắm là phía bắc toàn bộ biển Đông một cách vô lý. Hiện tại, vành đai của hải quân TQ lên đến trên dưới 1.300 hải lý vì đây là khoảng cách mà TQ cho rằng tầm bắn của tên lửa hành trình Tomahawk có thể vươn đến đất TQ. Khoảng không gian to lớn từ 200 đến 1.300 hải lý tất nhiên bao trùm cả biển Đông và kéo dài đến tận vùng biển cận Philippines. Đây chính là vùng biển mà TQ cho rằng cần phải tranh chiếm để nắm giữ. Tham vọng của quân đội TQ nói chung và hải quân TQ nói riêng là làm sao có được sự kiểm soát biển (sea control) và phong tỏa biển.


Dễ hiểu vì sao TQ viện nhiều lý lẽ và tạo ra những lý do vô căn cứ để không chỉ lấn chiếm biển Đông mà còn gây hấn với cả khu vực Hoàng Hải và biển Nhật Bản. Cơ bản là họ đã dựa trên một học thuyết hải chiến đầy ám ảnh bị bao vây bắt nguồn từ sự ngoại thuộc từ thời Bát Quốc Liên Quân. Chính nỗi sợ đến từ biển này đã khiến TQ ngụy tạo và tuyên truyền sai lệch cho dân chúng TQ về chủ quyền biển, về đường chữ U tưởng tượng. Sau đó đến lượt các chiến lược gia hải chiến bị chủ nghĩa dân tộc do chính họ tạo ra cuốn vào vòng xoáy đẩy kéo (push and pull) và bỏ qua chính sách phát triển hòa bình.


Nỗi ám ảnh và sợ hãi đến từ biển


Các tác giả Michael McDevitt, Frederic Vellucci Jr., Vijay Sakhuja đã chỉ ra sự liên đới của khái niệm phong tỏa biển không chỉ xảy ra với TQ mà còn với cả Ấn Độ và Indonesia. Bởi lẽ phong tỏa biển nơi đây bao gồm toàn bộ các khâu vô hiệu hóa lực lượng đối phương, diệt tiếp viện và hoạt động tiến công tầm xa không chỉ liên quan đến S3 (sea-space-shore, tức trên biển, trên bờ biển và trên không).



Hai tàu tuần duyên Nhật áp sát tàu của TQ ở vùng biển gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư tuần trước. Ảnh: HUANQIU


Trong cuộc chiến Ấn Độ - Pakistan vào năm 1965, Indonesia đã đưa một đoàn tàu chiến đến ủng hộ Pakistan và ngăn chặn Ấn Độ khiến nước này lúng túng vì không hề nghĩ rằng biển khi bị “đông cứng” sẽ nguy hiểm đến thế nào. Do khi ấy nguy cơ phải mở một mặt trận trên biển Andaman và đảo Nicobar khiến Ấn Độ phải chùn bước. Cũng vậy vào năm 1971, Mỹ điều động lực lượng Task Force 74 đến cùng chiếm hạm USS Enterprise lại càng khiến Ấn Độ gia tăng hồi tưởng về những ngày họ phải đối phó với những kẻ thực dân đến từ biển.


Nếu như tuyến thông thương biển (SLOCs, sea lanes of communications) là các đại lộ nối liền các châu lục, hiểm lộ (chokepoints) là những khúc ngoặt hiểm trở thì phong tỏa biển là một khái niệm rộng lớn hơn. Phong tỏa biển không chỉ gồm tiêu thổ, khước từ lưu thông, chia cắt các điểm mà còn bao gồm cả tấn công, phòng ngự chủ động không phải chỉ trên và dưới mặt biển mà còn cả trên không và sâu trong lục địa như kho tàng, bến bãi và khu dân cư phục vụ lưu thông biển.


Nói đến câu chuyện gần đây, sự việc các cường quốc bị ám ảnh bởi các nỗi sợ hãi đến từ biển khơi, bị nghi hoặc bởi tính mù mờ của các lực lượng biển có thể dẫn đến các hệ quả nghiêm trọng. Có tác giả đã khẳng định sự yếu thế của Liên Xô tại Afghanistan dẫn đến sự tan rã quốc gia này vốn bắt nguồn từ chiến thuật phong tỏa biển lòa lòa chớp chớp thành công vượt mức của Mỹ từ vùng biển Á Âu tiếp giáp Afghanistan.


▲▲▲


Từ các nhu cầu bảo đảm an ninh cho tuyến thông thương biển đến sự cần thiết không để một thế lực nào có thể độc quyền kiểm soát hiểm lộ, các lý thuyết hải chiến sau hai thế chiến đã phát triển lên một mức cao hơn. Các quốc gia đã tranh thủ biển nhiều hơn không chỉ do nhu cầu quốc phòng, kinh tế và từ đó những chiến lược khống chế biển bằng phong tỏa, kiểm soát, đánh chặn tầm xa đã gia tăng cao độ. Các nhu cầu này có khi dẫn đến những suy nghĩ dân tộc chủ nghĩa, ích kỷ và kết quả là sự theo đuổi chính sách gây hấn, chà đạp luật quốc tế, gây căng thẳng giữa các quốc gia, trong khu vực và gây quan ngại toàn cầu. Đấy cũng chính là cách thức mà TQ đang áp dụng và thể hiện.



Chiến lược phong tỏa biển của Bắc Hàn


Ngay trong chiến tranh Triều Tiên và từ cuộc đình chiến 1953 về sau, Bắc Hàn đã xây dựng và tuân thủ học thuyết phong tỏa biển cho đến nay. Bỏ qua những khía cạnh khác, chỉ chọn lấy phần kỹ thuật, học thuyết ấy gồm những nội dung như:


* Nếu lâm chiến, Bắc Hàn sẽ không để cho Nam Hàn cơ hội nhận tiếp viện từ ngoài vào. Bắc Hàn phải khống chế trọn vẹn tất cả cảng biển Nam Hàn.


* Toàn bộ khoảng 2.500 km bờ biển Bắc Hàn sẽ không thể tiếp cận bởi bất kỳ lực lượng đổ bộ nào vì không có cơ hội có đầu cầu nào để đặt chân lên bờ biển Bắc Hàn.


* Không cho quân Nam Hàn và đồng minh cơ hội rút ra biển để có thể tiếp tục chiến đấu. Nếu quân Nam Hàn tựa lưng ra biển thì quân Bắc Hàn phải đẩy đối phương ra biển từ lục địa và dùng lực lượng biển để tiêu diệt đối phương ở vùng nửa biển nửa nước này.


* Không cho phép một hải cảng nào của Nam Hàn còn hoạt động được cho nhu cầu Nam Hàn hay đồng minh.


Quả thật trong các cuộc chiến từ Triều Tiên đến vùng Vịnh, hầu như tất cả sứ mệnh tiếp vận đều đến từ biển. Bắc Hàn đề cao hai cách phong tỏa biển và kiểm soát biển (sea control) bổ sung cho nhau, vì nếu kiểm soát quá kỹ thì mất năng lực và không có đối phương vào trận địa để có cơ hội tiêu diệt với chiến thuật phong tỏa biển. Bắc Hàn sẽ phải phát triển năng lực nửa kín nửa hở nhằm giáng những cú nặng nề lên đối phương và đồng minh ngay trong vùng duyên hải, làm thất bại nỗ lực đổ bộ người, khí tài và làm đông cứng các hải cảng của đối phương.

LÊ VĨNH TRƯƠNG


Theo PhapLuattp.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét