Trung Quốc vừa đồng ý mở cửa những ngành kinh doanh liên quan tới quốc phòng để tiếp nhận đầu tư từ khu vực tư nhân, theo một hướng dẫn đầu tư công bố vào cuối tuần trước.
Các nhà đầu tư tư nhân và những công ty quân đội nhà nước sẽ nhận được sự đối xử bình đẳng trên nhiều lĩnh vực, bao gồm việc cấp giấy phép và thuế, theo bản hướng dẫn của Cục Khoa học, công nghệ và công nghiệp quốc phòng và Tổng cục Hậu cần của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc.
Những vũ khí hiện đại ở Trung Quốc vẫn chưa có sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân (Ảnh: armyrecognition.com)
Bản hướng dẫn cũng nói việc mở cửa chỉ được áp dụng cho các nhà đầu tư tư nhân ở Trung Quốc đại lục. Những lĩnh vực được khuyến khích đầu tư là phát triển và sản xuất vũ khí, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và các công nghệ có thể sử dụng cho cả quốc phòng, dân sự.
Bản hướng dẫn cũng cam kết sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh trong công nghiệp quốc phòng với việc gọi thầu công khai cho các dự án không được xếp loại mật hoặc dự án nhỏ. Trung Quốc đã có chính sách chung cho việc mở cửa ngành quốc phòng với đầu tư tư nhân từ tháng 5/2010 và bản hướng dẫn này là triển khai của chính sách đó.
Zhang Hanya, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư Trung Quốc phát biểu trên Global Times rằng, các nhà đầu tư tư nhân ở nước này đã tham gia một số lĩnh vực quốc phòng nhất định, bao gồm sản xuất thuốc nổ, quần áo và máy móc. Nhưng các công ty tư nhân gặp một số giới hạn, đặc biệt là về tài chính, khi cạnh tranh với những doanh nghiệp nhà nước.
Ông Zhang Hanya nói: “Những hạn chế này gây khó khăn cho việc mở rộng vai trò của các công ty tư nhân trong ngành công nghiệp quốc phòng. Hầu hết sự tham gia là phụ liệu hoặc cung cấp hàng hóa mang tính dân sự, chứ chưa có những dự án lớn như các công ty ở Mỹ”.
China Daily dẫn số liệu chính thức cho biết, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2012 là 670 tỉ nhân dân tệ (105 tỉ USD).
Trong những năm gần đây, hàng năm ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng đều đặn hơn 10%. Năm 2012, chỉ số này của Trung Quốc là 11%, nhanh hơn tỷ lệ tăng trưởng kinh tế GDP. Tiếp tục hành động theo mục tiêu ưu tiên tiềm năng quân sự, bất chấp nguy cơ có thể một làn sóng thứ hai của khủng hoảng toàn cầu, Trung Quốc cho thấy họ không những không tiết kiệm mà còn tìm kiếm nguồn kinh phí mới cho các chương trình quốc phòng.
Giờ đây, các công ty tư nhân sẽ tham gia việc nghiên cứu chế tạo và sản xuất vũ khí, cũng như hoạt động tái cơ cấu các xí nghiệp quốc phòng nhà nước. Tiến tới, Trung Quốc hoạch định lập danh sách hạng mục vũ trang mà các nguồn vốn tư nhân có thể tham gia đầu tư thiết kế, sản xuất. Đồng thời, tài liệu nghị quyết quy định rằng, chỉ các nhà đầu tư thuộc Trung Hoa đại lục mới có thể tiếp cận lĩnh vực này. Cho đến nay, doanh nghiệp tư hữu chỉ được phép cung cấp các phụ tùng và một số vật liệu cho ngành công nghiệp quốc phòng, nhưng không tham gia vào các dự án lớn.
Chuyên gia quân sự Nga Igor Korotchenko cho biết: “Trung Quốc đang thực hiện loạt đề án lớn liên quan đến chế tạo máy bay chiến đấu mới, đóng tàu sân bay và chiến hạm, phát triển các chương trình không gian, tăng cường tiềm năng quân đội trong chiến tranh thông tin hiện đại bằng các công cụ vi tính. Việc thu hút vốn tư nhân vào công nghiệp quốc phòng sẽ đem lại cho Quân đội nước này những cơ hội mới về hiện đại hóa trang bị”.
“Rõ ràng rằng, trong giai đoạn phát triển mới, Trung Quốc dự định mở cổng để nguồn vốn tư nhân có thể tiếp cận giải quyết những vấn đề quốc phòng quan trọng của quốc gia. Đặc biệt nên lưu ý rằng, xuất khẩu vũ khí Trung Quốc đang tăng trong tất cả các phân đoạn”- chuyên gia quân sự Igor Korotchenko khẳng định.
Theo đánh giá của các chuyên gia thuộc công ty phân tích Mỹ IHS Jane’s, trong vòng 5 năm tới, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi. Đánh giá này được thực hiện không tính tới vốn đầu tư tư nhân mà chỉ dựa trên những chi phí quốc phòng do Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc phê duyệt. Chi phí quốc phòng Trung Quốc phát triển cùng với hoạt động nghiên cứu nâng cấp các phi cơ quân sự và thiết bị. Theo giới chuyên gia, hoạt động này liên quan tới mật độ tích cực quân sự của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, điều mà như Trung Quốc nhận định, đe dọa các lợi ích chiến lược của đất nước./.
Theo VOV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét