Vibay

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

Tàu cá Trung Quốc chiếm ngư trường của ngư dân Việt Nam

16/7/12- SGTT.VN - Ngày 12.7 vừa qua, 30 tàu của Trung Quốc bắt đầu đi đánh bắt cá xung quanh bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.


Tàu cá và ngư dân Lý Sơn bị tàu Trung Quốc bắt giữ và thả về đêm 21.4.2012.

Việc khai thác cá phi pháp của ngư dân Trung Quốc ở khu vực này cộng với việc Trung Quốc tăng cường đưa tàu quân sự và bán quân sự hoạt động ráo riết, bắt tàu ngư dân Việt Nam; đưa tàu cá hiện đại, công suất lớn tràn xuống ngư trường các vùng biển miền Trung, khiến cho ngư trường của ngư dân Việt Nam ngày một hẹp lại.

Biển xa ngán tàu Trung Quốc...

Tiếp xúc với nhiều ngư dân khai thác gần bờ, hầu như ai cũng cho rằng biển mỗi ngày một cạn kiệt. Anh Nguyễn Văn Chinh ở thôn Thạnh Đức 2, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi cho hay: “Tháng 7 này, tui chuyển ghe đi khai thác các loài cá ở khoảng cách 20 hải lý trở lại. Nhưng có chuyến chỉ đủ phí tổn, có chuyến bị lỗ. Cá gần bờ cạn kiệt quá rồi”.

Ngư trường gần bờ ở Quảng Ngãi ngày càng cạn kiệt, nhưng tàu cá Trung Quốc vẫn tiến vào để càn quét, vơ vét kiểu tận diệt. Với ngư dân Quảng Ngãi và miền Trung, kinh nghiệm đánh bắt có thừa, không thua ngư dân bất cứ nước nào. Thế nhưng, ngư dân Trung Quốc với tàu sắt to, công suất lớn, gấp 3 – 4 lần, thậm chí cả chục lần so với tàu thuyền ngư dân ta, vì thế, mỗi lần gặp tàu cá Trung Quốc, ngư dân ta đành cuốn lưới chào thua.

Khai thác xa bờ cũng gặp muôn vàn khó khăn. Ở Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ vài năm qua, vì biển gần bờ cạn kiệt nên nhiều ngư dân đã dốc tiền túi, vay mượn để đóng tàu công suất lớn ra khơi. Có điều ra khơi xa lại gặp tàu Trung Quốc, hoặc bị Trung Quốc bắt giữ, tịch thu tài sản...

Theo ngư dân đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, vì cuộc sống nên ngày trước ra khơi vẫn phải liều mình trước bão tố. Còn nay, khi đầu tư trang bị tàu thuyền lớn với đầy đủ trang thiết bị thì hết sợ bão tố nhưng tâm thế ra khơi của ngư dân lại phải dè chừng trước tàu Trung Quốc. Ngư dân Dương Tân, ở thôn Tây xã An Hải, huyện Lý Sơn cho hay, do Trung Quốc bắt tàu quá nên bây giờ ra khơi trên tàu lúc nào cũng cắt người trông coi, thấy tàu Trung Quốc là thông báo ngay. “Mỗi phiên đi biển hơn một tháng, gặp tàu Trung Quốc hai, ba lần. Cứ thấy tàu Trung Quốc là phải chạy”, ông Tân cho hay.

Cũng theo ông Tân, chắc chắn ngư dân Trung Quốc khi gặp tàu ngư dân ta đều thông báo với ngành chức năng của họ biết. Bởi vì ngay sau đó tàu kiểm ngư, hải giám và thậm chí tàu hải quân của Trung Quốc xuất hiện xua đuổi hoặc bắt giữ, đập phá, cướp trắng tàu cá của ngư dân ta. Trong khi đó, trong hàng chục năm qua, nhiều tàu thuyền đánh cá của Trung Quốc xâm phạm sâu vào lãnh hải Việt Nam bị bắt vẫn được ta đối xử nhân đạo.

Bà Phạm Thị Hương, phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho hay, ông Huỳnh Công Nhiệm (thôn Tây, xã An Hải) vừa báo cáo với Bộ đội biên phòng việc tàu ông đánh bắt ở Hoàng Sa lại bị tàu Trung Quốc bắt và đập phá phương tiện, tài sản trên tàu, thiệt hại 120 triệu đồng, sau đó được tha về. Theo bà Hương, thực tế mấy năm gần đây, từ giữa tháng 5 đến tháng 8, ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt ở Hoàng Sa bị thiệt hại vô số do bị tàu Trung Quốc bắt giữ. Đây là thời gian Trung Quốc ra lệnh “cấm biển” của họ nhưng vin vào lý do này, tàu Trung Quốc lại ngang nhiên bắt tàu cá của ta.

...Biển gần cũng không yên

Biển gần bờ và ở các vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa lâu nay vốn là “ao nhà” của ngư dân Việt Nam. Tuy nhiên, gần đây vùng biển nào sự hiện diện của ngư dân Trung Quốc cũng ngày một nhiều thêm. Mới nhất ngày 12.7, Trung Quốc lại tiếp tục cho 30 tàu cá thuộc diện hiện đại, chia thành sáu tổ và hai biên đội xâm nhập vào đánh bắt ở đảo đá Chữ Thập (quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Hậu cần cho những tàu đánh cá này là một tàu 3.000 tấn cung cấp dầu, nước, đá lạnh cùng các dịch vụ khác. Ngoài ra, Trung Quốc còn cho ba tàu ngư chính đi theo.

Để hỗ trợ ngư dân, tỉnh Quảng Ngãi có chủ trương thành lập các nghiệp đoàn nghề cá, các tổ đội cùng đánh bắt trên biển nhằm giúp nhau làm ăn. Tuy nhiên, với tàu nhỏ và công suất thấp, ngư dân ta luôn lép vế trước Trung Quốc. Thuyền trưởng tàu QNg 50003 TS, ông Nguyễn Thành Nhất (bị Trung Quốc bắt ngày 21.5.2012) cho biết, khi bị bắt, có ba tàu ngư dân trong tổ đội sản xuất, nhưng cả ba tàu này gộp lại không bằng tàu Trung Quốc đến bắt nên sau khi chạy tán loạn, tàu cá của ta bị bắt giữ.

Nhiều ngư dân từng bị tàu Trung Quốc bắt tàu kể lại, khi khống chế ngư dân và chuyển cá từ tàu ngư dân sang, người trên tàu Trung Quốc lựa hải sản ngon nhất nướng ngay trên tàu ăn uống.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, phó chủ tịch UBND xã Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi) nói, khi tàu thuyền bị Trung Quốc bắt thì hầu như ai cũng rơi vào cảnh túng bấn. Không ít trường hợp do bị bắt nhiều lần đã sạt nghiệp, ngư dân phải bỏ biển lên bờ. “Bây giờ chúng tôi không biết phải khuyến cáo thế nào cho ngư dân đánh bắt ở Hoàng Sa để họ khỏi gặp tàu Trung Quốc, vì “cái lưỡi bò ngang ngược của họ liếm gần hết Biển Đông, đi đằng nào mà không gặp Trung Quốc”, ông Hùng nói.

Phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, ông Phan Huy Hoàng, khẳng định: tàu cá Trung Quốc tiến về biển miền Trung và các quần đảo của Việt Nam càng nhiều, ngư trường của ta càng bị hẹp lại, ngư dân ta càng bị ép bởi ngư dân Trung Quốc.

Nhiều vụ tàu cá của Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Quảng Ngãi

Chưa kể thời gian gần đây, các năm trước Trung Quốc đã nhiều lần đưa tàu cá xâm phạm sâu vào vùng biển Quảng Ngãi để đánh bắt hải sản. Cụ thể:

– Ngày 31.1.2006, tàu Hải đội 2 thuộc Bộ đội biên phòng (BĐBP) Quảng Ngãi phát hiện và vây bắt tàu Nghiêu Bình 36021 do Băng Lục Hán (sinh năm 1954, quốc tịch Trung Quốc) làm thuyền trưởng cùng hai lao động đang đánh bắt trộm hải sản ở vùng biển phía đông bắc cách đảo Lý Sơn chỉ 5 hải lý. Đồn biên phòng 328 Lý Sơn đã lập biên bản vi phạm và phóng thích về Trung Quốc.

– Ngày 23.5.2007, vùng 3 hải quân tuần tra, phát hiện bắt giữ tàu Quế Bắc Ngữ, số hiệu 10030, trên tàu có 11 thuyền viên do Đường Đình Dũng (quốc tịch Trung Quốc) làm thuyền trưởng, đang khai thác hải sản trái phép tại toạ độ 15 độ 16’ bắc và 109 độ 42’ đông. Sau đó, lực lượng hải quân đã bàn giao cho BĐBP Quảng Ngãi. UBND tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định phạt cảnh cáo và trục xuất ra khỏi vùng biển Việt Nam vào ngày 25.5.2007.

– Ngày 22.4.2009, đồn biên phòng 328 Lý Sơn phát hiện 12 tàu cá Trung Quốc hoạt động sâu vào lãnh hải của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn khoảng 40 hải lý về hướng đông bắc.

– Ngày 7.7.2009, đồn biên phòng 328 Lý Sơn lại phát hiện bốn tàu cá Trung Quốc hoạt động cách đảo Lý Sơn khoảng 20 hải lý về hướng đông nam.

– Ngày 5.5.2010, đồn biên phòng 328 Lý Sơn phát hiện nhiều tốp tàu cá Trung Quốc đang đánh bắt trộm hải sản tại toạ độ 15 độ 30’ bắc và 109 độ 40’ đông thuộc chủ quyền vùng biển Việt Nam.

– Ngày 4.3.2011, đồn biên phòng 328 Lý Sơn phát hiện 12 tàu cá Trung Quốc hoạt động sâu vào lãnh hải của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn khoảng 40 hải lý về hướng đông bắc.

Nguồn: SGTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét