Vibay

Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

Đối phó với chiến lược “chờ thời” của Trung Quốc

03/7/12- SGTT.VN - Trung Quốc cắt cáp dầu khí và bắt giữ ngư dân Việt Nam trong năm 2011, huy động một lực lượng lớn tàu cá và tàu ngư chính “chiếm” bãi cạn Scarborough suốt tháng 4.2012 đến nay, phản đối luật Biển của Việt Nam, thành lập thành phố cấp địa khu Tam Sa và mở thầu chín lô dầu khí thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong những ngày cuối tháng 6.2012.

Ngược lại với những động thái quấy nhiễu, bành trướng cứng rắn nói trên, các phát biểu ở tầm lãnh đạo trung ương, Bắc Kinh luôn khẳng định quyết tâm duy trì “khu vực ổn định” hay “thế giới hài hoà”. Thực ra Trung Quốc đang muốn gì?

“Chờ thời” kiểu Trung Quốc

“Thao quang dưỡng hối” là câu nói nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình, ý rằng Trung Quốc nên cúi đầu xuống để có lúc sẽ ngẩng đầu lên. Gần hai thập kỷ “chờ thời” đã giúp Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế đứng thứ hai thế giới, với lực lượng quân sự được hiện đại hoá một cách chóng mặt. Trong những năm đó, Trung Quốc đã tự giới hạn sức mạnh của mình với chính sách “trỗi dậy hoà bình” để tạo dựng niềm tin quốc tế, vừa không làm Mỹ cảm thấy bị thách thức, vừa làm yên lòng các láng giềng nhỏ yếu, trong khi vẫn tích luỹ đủ sức mạnh và nâng cao vị thế quốc gia. Quá trình theo đuổi các biện pháp giải quyết tranh chấp hoà bình trên Biển Đông diễn ra từ năm 1997 cho đến khi Tuyên bố về cách ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) ra đời năm 2002, đã giúp khu vực tạm ổn định trở lại sau nhiều thập kỷ tranh chấp với nguy cơ chiến tranh chực chờ.


Hải quân Philippines trên một tàu cá Trung Quốc hôm 10.4, ngày đầu của cuộc xung đột. Ảnh: Reuters

Tuy vậy, theo tác giả Taylor Fravel, học viện Công nghệ Massachusetts, mục đích chính của chiến lược này ở Biển Đông là giúp Bắc Kinh củng cố được các yêu sách chủ quyền của mình, đồng thời đe doạ các nước nhỏ hơn xung quanh không được thực thi các bước đi khẳng định chủ quyền của họ, bao gồm cả những dự án khai thác năng lượng mà không có sự tham gia của Trung Quốc.

Mặt khác, “chờ thời” cũng thể hiện thế yếu trong các tuyên bố pháp lý của Trung Quốc. Nguyên trưởng ban Biên giới của Chính phủ Việt Nam Lưu Văn Lợi từng nhận xét rằng, từ phía Trung Quốc không có một quyển sách sử nào đề cập đến hai cái tên Xisha (Tây Sa) và Nansha (Nam Sa), cũng như chủ quyền của Trung Quốc tại đây. Một biên khảo khác của TS Từ Đặng Minh Thu (đại học Sorbonne) đi đến kết luận, khác với chứng cớ của Việt Nam chứng minh được chủ quyền lịch sử trên hai vùng đảo này: khám phá (ít nhất là từ thế kỷ 15) và khẳng định liên tục (trong suốt thế kỷ 18 – qua sự khai thác và quản trị của hải đội Hoàng Sa và Bắc Hải của triều đình nhà Nguyễn) thì những tài liệu từ phía Trung Quốc không thể hiện rõ ràng một lộ trình như vậy, có chăng chỉ là tình cờ thấy hay khám phá thì cũng không đủ điều kiện để chứng minh việc “hành xử chủ quyền” trên những vùng đất đó.


Trung Quốc thường sử dụng những tàu dưới mác phi quân sự để hành động phi pháp trên biển Đông.

Để bù cho sự yếu thế về pháp lý, Trung Quốc đã dùng sức mạnh quân sự mới nổi của mình để chèn ép các nước khác với mong muốn áp đặt trật tự ở Biển Đông. Nhưng chính sách “xoay trục” của Mỹ đã thay đổi cán cân sức mạnh trong khu vực và khiến Trung Quốc rơi vào thế lưỡng nan khi sức mạnh quân sự của nước này vẫn chưa phải là mạnh nhất. Vừa không có cơ sở pháp lý vững chắc nhất, vừa không phải là kẻ mạnh nhất, Trung Quốc đã bớt ỷ sức, quay về với chiến lược sử dụng luật pháp quốc tế kết hợp với sức mạnh quân sự. Một mặt thì chủ trương giải quyết xung đột bằng biện pháp hoà bình và từ chối sức mạnh của mình với Mỹ, mặt khác lại âm thầm sử dụng sức mạnh bằng chính sách “cây gậy nhỏ”, tiếp tục gặm nhấm các vùng chủ quyền của các nước nhỏ yếu với nhiều biện pháp khác nhau.

Nguyên nhân của sự hai mặt này chính là vì Trung Quốc không biết Mỹ sẽ làm gì và chính Trung Quốc cũng không biết mình sẽ làm gì. Dùng sức mạnh và chấp nhận nguy cơ đụng độ Mỹ rất lớn hay là nhường một phần lợi ích cho các nước nhỏ và sử dụng luật pháp để ngăn Mỹ can thiệp? Sức mạnh sẽ đem lại lợi ích, nhưng rủi ro luôn chực chờ khi Mỹ có thể can thiệp, bịt kín đường “vươn ra biển” và khoá chặt Trung Quốc giữa vòng vây các đồng minh. Trong khi nếu từ chối sức mạnh, sẽ phải tự từ bỏ một phần lợi ích mà khó lắm mới giành được, chưa kể việc cơ sở pháp lý yếu sẽ dẫn đến mất thêm một phần lợi ích, nhưng bù lại là Mỹ không thể can thiệp vào Biển Đông và Trung Quốc sẽ vẫn là người mạnh nhất. Rõ ràng Trung Quốc chẳng còn lựa chọn nào khác ngoại trừ tiếp tục sử dụng chính sách “cây gậy nhỏ” và “chờ thời” như trước đây để mong mỏi một cơ hội mà chính Trung Quốc cũng như các nước khác vẫn chưa biết rõ đó là gì!

Từ đây đến cuối năm, Việt Nam và Philippines cần đẩy mạnh liên minh pháp lý trong nội khối ASEAN để hình thành trước một COC giữa các nước ASEAN với nhau dưới sự ủng hộ của thế giới. Từ COC đã có, ASEAN sẽ có thể hình thành một chiến lược “chờ thời” của riêng mình.

Và những phép thử

Thứ nhất, chiến lược “chờ thời” hiện nay của Trung Quốc xuất phát từ sức ép và nỗi lo sợ về sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài, chứ không phải vì e ngại các nước ASEAN. Việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh với các nước láng giềng có thể sẽ biến vấn đề Biển Đông thành tâm điểm chú ý của các cường quốc khác. Việc Mỹ đẩy mạnh thực hiện chính sách “xoay trục” vào châu Á, Thái Bình Dương, đặc biệt là Biển Đông, đã thay đổi cán cân sức mạnh tại Biển Đông, phá vỡ phần nào các toan tính ban đầu sử dụng sức mạnh áp đặt trật tự trên Biển Đông của Bắc Kinh.

Thứ hai, Trung Quốc “chờ thời” bằng cách tuyên bố sẽ tuân thủ luật quốc tế để giải quyết tranh chấp nhưng không có nghĩa là Trung Quốc sẽ không làm gì hoặc sẽ chờ đợi và hoà hoãn trên tất cả các mặt trận khác như khai thác tài nguyên, dầu khí, đánh bắt hải sản, tổ chức hành chính…

Trung Quốc hiện là quốc gia có bằng chứng pháp lý yếu nhất trong các nước đang tranh chấp ở Biển Đông và nhiều khả năng sẽ thất bại nếu các tranh chấp ở Biển Đông được giải quyết bằng công cụ pháp lý. Trung Quốc cũng không phải là kẻ mạnh nhất để dùng sức mạnh áp đặt. Cho nên, việc kêu gọi các nước trong khu vực tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình chỉ là để xây dựng niềm tin trong dư luận quốc tế và có thể kéo dài thời gian chờ cơ hội thích hợp, trong khi vẫn âm thầm triển khai chính sách “gặm nhấm” các vùng chủ quyền của các nước xung quanh.


Ông Đỗ Văn Hậu, tổng giám đốc PVN chỉ trên bản đồ 9 lô mà CNOOC vừa mời thầu nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tại cuộc họp báo ngày 27.6.2012. Ảnh: Getty Images

Vì thế trong ngữ cảnh này, Trung Quốc không hoàn toàn “chờ thời” theo nghĩa của Đặng Tiểu Bình khuyến cáo ngày xưa, mà là chờ đợi cho cục diện thay đổi và cơ hội áp đặt trật tự xuất hiện, trong khi vẫn tung ra những phép thử cho các nước khác. Bình Minh, Hoàng Nham, Tam Sa hay chín lô dầu khí đều là những bước đi thăm dò đầy ẩn ý. Các phép thử này vốn không những dành cho các nước đang tranh chấp với Trung Quốc như Việt Nam và Philippines, mà còn dành cho toàn bộ ASEAN, Mỹ và đồng minh. Tựu trung các phép thử này tiệm cận một biến số: nếu chỉ mỗi Việt Nam hay Philippines phản đối, Trung Quốc sẽ bỏ ngoài tai. Nếu các nước ASEAN đứng về phía Việt Nam và Philippines thì Trung Quốc sẽ đưa ra các biện pháp xoa dịu bằng các cuộc hội đàm đa phương, hay song phương với từng quốc gia và thể hiện thái độ hợp tác. Nhưng quan trọng hơn hết vẫn là phản ứng của Mỹ và đồng minh. Phép thử đó của Bắc Kinh sẽ dừng lại hay đi tiếp phụ thuộc vào các phản ứng này.

Người “chờ thời”, ta cũng “chờ thời”

Như vậy, các bên liên quan đối phó thế nào với “chiêu thức” mới nhưng không mới này của Trung Quốc? Trong bối cảnh Mỹ đang tiến hành “tái cân bằng chiến lược” như hiện nay, thì việc Washington lên tiếng bác bỏ những yêu sách của Bắc Kinh là điều gần như sẽ xảy ra thường xuyên, do vậy đây sẽ là một thuận lợi lớn cho Việt Nam nói riêng hay ASEAN nói chung. Những đụng độ sắp tới giữa các quốc gia với sự dày đặc về lợi ích và sự hiện diện thường xuyên và liên tục của các bên mâu thuẫn tại Tây Thái Bình Dương, nhiều khả năng dẫn đến một “big bang”. Khi đó, các bên sẽ vướng vào tình thế tạo nên nguy hiểm: chỉ cần tiến thêm nửa bước nữa, mâu thuẫn sẽ chuyển hoá thành xung đột, và một cách nhanh chóng xung đột sẽ biến thành một cuộc đối đầu. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ được mất, chỉ cần lùi nửa bước, tình hình sẽ ngay lập tức quay lại điểm cân bằng. Điều quan trọng nhất lúc đó là tìm cái thang để “lùi nửa bước” ở đâu. Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) chính là cái thang đó, là của để dành cho một cuộc chiến pháp lý mà dự đoán sẽ rất dai dẳng và thậm chí là “không thể dự đoán”.

Từ đây đến cuối năm, Việt Nam và Philippines cần đẩy mạnh liên minh pháp lý trong nội khối ASEAN, để hình thành trước một COC giữa các nước ASEAN với nhau dưới sự ủng hộ của thế giới. Từ COC đã có, ASEAN sẽ có thể hình thành một chiến lược “chờ thời” của riêng mình. Khác với Trung Quốc “chờ thời” vì không đủ lý lẽ, Việt Nam “chờ thời” vì hoàn toàn có đủ những chứng cứ pháp lý thuyết phục cho các lập luận của mình, tuy nhiên lại không muốn giải quyết vấn đề qua cơ chế sức mạnh. Thêm nữa, Trung Quốc “chờ thời” vì lo lắng “chờ đợi” các phản ứng quân sự của Mỹ, Việt Nam và ASEAN “chờ thời” từ quá trình Washington xem xét lại việc phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS). Cuối cùng, Trung Quốc “chờ thời” để mua thời gian, để mạnh về lực, về hải quân hay về khả năng chèn ép; còn Việt Nam và ASEAN cần “chờ thời” để chứng minh cho thế giới thấy rằng sức mạnh mà không có lý lẽ chỉ là bá đạo.

Lấy cái “bất biến” của mình là dựa trên những lý lẽ thuyết phục, kết hợp bài bản với luật pháp quốc tế và liên minh pháp lý với các đồng minh để “ứng” lại cái “vạn biến” từ bên ngoài, dẫu cho đó là thay đổi cán cân quân sự, chèn ép chủ quyền hay những điều rao giảng không đúng sự thật. “Dĩ bất biến ứng vạn biến” học theo lời của Hồ Chủ tịch ứng vào trận chiến chủ quyền Biển Đông là theo nghĩa đó.

Nguyễn Chính Tâm

– Vũ Thành Công – Nguyễn Thế Phương


http://sgtt.vn/Thoi-su/165583/Doi-pho-voi-chien-luoc-%E2%80%9Ccho-thoi%E2%80%9D-cua-Trung-Quoc.html

1 nhận xét:

  1. Giặc chính là người ngồi sau lưng ngươi đó”. Trảm giặc ngoài biên ải cũng quan trọng như phải trảm giặc đang hoành hành ngay trong lòng Tổ quốc

    Trả lờiXóa