Vibay

Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

Campuchia "chơi xấu" đẩy nguy cơ xung đột biển Đông lên cao

18/7/12- Lần đầu tiên trong 45 năm, Hội nghị ASEAN không thể đưa ra tuyên bố chung. Theo các nhà phân tích thì đây là dấu hiện rạn nứt của khối và sẽ bị nước ngoài lợi dụng. Ngoài ra thất bại này cũng khiến Bộ qui tắc ứng xử trên biển COC khó lòng đạt được như dự kiến


Hôm 13/7, lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm, Hội nghị ASEAN kết thúc mà không có tuyên bố chung.

Tại một trong các cuộc họp ở Hội nghị ASEAN tuần trước, khi Ngoại trưởng Philippines bắt đầu lên tiếng đề cập đến vấn đề Biển Đông thì micro của ông bị tắt.

Chủ nhà Campuchia tuyên bố đó là do trục trặc kỹ thuật.

Nhưng một số nhà ngoại giao nói bóng gió rằng có thể “trục trặc” này có nguyên nhân tệ hơn, đó là nỗ lực của Campuchia, đồng minh của Trung Quốc, nhằm đẩy chủ đề “nóng” ra khỏi chương trình nghị sự.

Hãng tin Reuters bình luận rằng, sự cố trên cùng nhiều vụ việc khác cho thấy Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã bị chia rẽ do ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực này ngày càng gia tăng.

Là khối gồm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và dự định thành lập khối kinh tế theo kiểu EU vào năm 2015, ASEAN vẫn khẳng định sự đoàn kết bất chấp thực tế là lần đầu tiên sau 45 năm, Hội nghị ASEAN không thể đưa ra thông cáo chung.

Tuy nhiên, các bài trả lời phỏng vấn xung quanh Hội nghị này cho thấy sự bất đồng sâu sắc cũng như những lời lẽ tranh luận gay gắt, khác hẳn với một ASEAN nổi tiếng về sự lịch sự và ôn hòa trong tranh luận.

“Đó là một trong những cuộc họp nảy lửa trong lịch sử của ASEAN”, một nhà ngoại giao nói.

Một người khác thì cho rằng Campuchia, nước giữ ghế chủ tịch ASEAN trong năm nay là “chủ tịch tồi tệ nhất” và cho rằng Trung Quốc đã thành công trong việc dùng tiền để mua sự trung thành của Campuchia và một số quốc gia khác.

Do khối ASEAN chưa thể thống nhất bản thảo của “Bộ quy tắc ứng xử” dành cho khối và Trung Quốc trong năm nay, nên nguy cơ đối đầu trên vùng biển giàu dầu khí sẽ gia tăng và có thể phát triển thành một cuộc xung đột.

Sự thất bại này cũng cho thấy thách thức lớn lao mà Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt khi nước này tập trung nguồn lực quân sự và kinh tế vào châu Á để kiềm chế sự vươn lên của Trung Quốc.

Đến nay, biển Đông đã trở thành điểm nóng quân sự lớn nhất châu Á do Bắc Kinh tranh chấp chủ quyền với Việt Nam và Philippines trên vùng biển này.

Theo giáo sư Carlyle Thayer của Đại học New South Wales thuộc Học viện quốc phòng Úc, việc ASEAN thiếu thống nhất sẽ là cơ hội để cho các cường quốc bên ngoài lợi dụng.

“Sự kiện này cho thấy vết rạn lớn trong vành đai tự chủ của khối. Lúc này, Trung Quốc đã xâm nhập vào tận sâu bên trong khối ASEAN và gây chia rẽ nội bộ khối”.

Trong khi đó, Thủ tướng Campuchia giận dữ bác bỏ các ý kiến rằng Trung Quốc đã “mua” sự ủng hộ của nước này về vấn đề biển Đông.

Năm 2011, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Campuchia đạt mức 1,2 tỷ đô la, cao gấp khoảng 10 lần so với Hoa Kỳ. Đầu tư và thương mại của Trung Quốc vào 2 quốc gia láng giềng là Myanmar và Lào cũng đã gia tăng.

Các nhà ngoại giao cho biết Campuchia đã gạt bỏ các nỗ lực đề cập đến vấn đề tranh chấp trên biển trong cuộc họp ASEAN cũng như tại diễn đàn khu vực ASEAN với sự tham gia của Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Một số nhà ngoại giao Đông Nam Á cho biết Tổng thư ký ASEAN, Surin Pitsuwan đã bị Bộ trưởng ngoại giao Campuchia ngắt lời khi ông tìm cách đề cập đến vấn đề này.

Sự cố micro của Ngoại trưởng Del Rosario bị tắt xảy ra vào buổi sáng thứ Năm tuần trước khi ông định đề cập đến vấn đề tranh chấp chủ quyền bất kể trước đó Campuchia khăng khăng rằng không nên thảo luận chủ đề này. Phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Campuchia phát biểu rằng thật là “điên rồ” nếu cho rằng nước này đã chủ ý tắt micro của ông Del Rosario.

Hôm thứ Sáu, ngày cuối cùng của Hội nghị, các nhà ngoại giao đã cố gắng tránh bị bẽ mặt và thống nhất đưa ra một tuyên bố chung vào những giờ cuối cùng.

Indonesia, người khổng lồ của khối, tỏ ra hăng hái nhất khi Ngoại trưởng, Marty Natalegawa thậm chí còn gọi người đồng nhiệm Singapore đang ở sân bay quay trở lại để giúp thảo ra một bản thông cáo chung.

Ông Natalegawa đã thảo ra 18 bản tuyên bố chung khác nhau để điều hòa giữa Campuchia và hai quốc gia tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc là Philippines và Việt Nam.

Thậm chí nhân viên của ông Natalegawa đã phải đi một quãng đường dài trong Cung Hòa Bình ở Phnom Penh để in ra các bản thảo tuyên bố chung.

Nhưng những nỗ lực đó cuối cùng đã trở thành vô ích do Campuchia không chấp nhận đề cập đến bãi cạn Scarborough - nơi diễn ra cuộc đối đầu hải quân giữa Trung Quốc và Philippines - dưới bất kỳ hình thức nào ngay cả khi Manila chấp thuận đề xuất của Indonesia gọi bãi cạn là “bãi cạn bị ảnh hưởng”.

“Đáng lẽ chủ nhà đã có thể thể hiện vai trò của mình tốt hơn, nhưng họ đã không làm như thế”, một nhà ngoại giao ASEAN nói.

Và sau đó, giông tố bắt đầu nổi lên.

Philippines tuyên bố nước này lấy làm tiếc về kết quả của hội nghị ASEAN và ông Del Rosario đã tổ chức một cuộc họp báo tại Manila để lên án “sự quyết liệt ngày càng tăng” tại các vùng biển tranh chấp của một quốc gia mà ông không nêu rõ danh tính và cảnh báo quốc gia đó đang đẩy cao nguy cơ xung đột.

Đó là những lời lẽ thẳng thừng đến kinh ngạc dành cho ASEAN, một khối mà từ lâu vẫn bác bỏ chỉ trích của dư luận đối với những phát biểu quá ôn hòa và thiếu các chính sách chung mạnh mẽ của khối và đề cao “phương cách đồng thuận ASEAN” – biện pháp hợp tác không xung đột của khối.

Trong cuộc tranh chấp lãnh hải, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn diện tích của Biển Đông bằng đường 9 điểm và bác bỏ bất kỳ ý định “quốc tế hóa” cuộc tranh chấp.

Philippines và Việt Nam, hai quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền và có nguy cơ đối đầu hải quân với Trung Quốc, muốn có sự hậu thuẫn của ASEAN giúp họ chống lại người khổng lồ châu Á.

Nếu không có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của ASEAN, hai quốc gia này sẽ mở rộng liên minh với Hoa Kỳ. Tất nhiên khi thực hiện chiến lược đó, hai nước này cũng sẽ phải đánh đổi quan hệ hợp tác về thương mại và đầu tư với Trung Quốc.

ASEAN và Trung Quốc dự định tiến hành các cuộc thương lượng chính thức về Bộ quy tắc ứng xử giúp giải quyết tranh chấp vào tháng 9 tới và sẽ kí kết thỏa thuận vào Hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của ASEAN diễn ra vào tháng 11. Thất bại của Hội nghị ASEAN tuần trước cùng căng thẳng hải quân leo thang khiến dư luận nghi ngờ về kế hoạch này.

Làm sao mà ASEAN có thể đóng vai trò trung tâm nếu khối không có lập trường chung? Ngoại trưởng Indonesia, Marty Natalegawa phát biểu hôm thứ Hai và tuyên bố trong tuần này ông sẽ đến từng quốc gia ASEAN để tìm cách cứu vãn thỏa thuận chung của khối. “

Việc các bên ngày càng có lập trường cứng rắn cộng với tinh thần dân tộc dâng cao của các quốc gia tranh chấp đang làm giảm cơ hội ký kết một Bộ ứng xử có hiệu quả và gia tăng nguy cơ đụng độ trên biển.

Tương lai của Bộ ứng xử trên biển còn ảm đạm hơn khi chiếc ghế chủ tịch ASEAN trong 2 năm tới sẽ thuộc về quốc gia non yếu Brunei và 2 năm sau đó thuộc về Myanmar, quốc gia lệ thuộc nặng vào Trung Quốc.

Do chưa có bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc đối với các bên, châu Á không có cơ chế duy trì an ninh giúp căng thẳng trên biển không leo thang thành một cuộc xung đột toàn diện.

“NATO và Liên Xô đã từng có các cơ chế như vậy. Nếu có chuyện gì xảy ra, sẽ có các luật chơi ràng buộc hai phía”, Ian Storey, chuyên gia tại Học viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, bình luận.

“Nhưng ở đây (châu Á) chưa hề có các luật chơi đó”, ông nhận xét.

Xã Luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét