Vibay

Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản thăm VN

14/7/12- (VOV) - Nhật Bản hiện là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam, là nhà tài trợ ODA lớn nhất và là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam.

Ngày 14/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Gemba Koichiro. Hai bộ trưởng đồng chủ trì cuộc họp Uỷ ban Hợp tác Việt Nam- Nhật Bản. Hai bên đánh giá cao sự phát triển nhanh chóng, toàn diện của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian qua; nhất trí cần tiếp tục duy trì, thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao và tăng cường hiệu quả hợp tác của các cơ chế đối thoại giữa hai nước…

Tại cuộc họp báo sau hội đàm, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao việc Nhật Bản hợp tác, hỗ trợ Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp đến năm 2020. Nhật Bản hiện là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam, là nhà tài trợ ODA lớn nhất và là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam, đồng thời là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam.

Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh đến những tiến triển và nhất trí hợp tác, triển khai các thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, đặc biệt là các dự án hợp tác kinh tế trọng điểm như: dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2; phát triển ngành công nghiệp đất hiếm của Việt Nam; việc Nhật Bản tiếp nhận điều dưỡng viên, hộ lý của Việt Nam sang làm việc.

Về phần mình, Nhật Bản cam kết tiếp tục hỗ trợ viện trợ phát triển chính thức (ODA) giúp Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng, ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời đẩy mạnh hợp tác triển khai Hiệp định đối tác kinh tế Việt - Nhật để thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Gemba Koichiro nhấn mạnh: Nhật Bản và Việt Nam có mối quan hệ đối tác chiến lược. Hai bên tăng cường quan hệ hợp tác không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn cả về chính trị.

Trong cuộc hội đàm, hai bên đã nhất trí tăng cường hơn nữa giao lưu cấp cao cũng như tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và hợp tác an ninh trên biển. Nhật Bản tiếp tục cam kết hỗ trợ ODA trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam.

Việt Nam và Nhật Bản cũng nhất trí tăng cường hợp tác về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Hai bên đã thảo luận những diễn biến gần đây trên biển, nhất trí cho rằng các bên liên quan cần thông qua đối thoại hoà bình, giải quyết ổn thoả các tranh chấp tại biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, tuân thủ nghiêm túc Tuyên bố DOC và tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử tại biển Đông COC, đóng góp thiết thực vào việc duy trì an ninh, an toàn trên biển./.

Quỳnh Hoa/VOV-Trung tâm tin

Cùng ngày, Bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản đã có cuộc gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Gemba Koichiro - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Hoan nghênh Bộ trưởng Gemba Koichiro sang thăm chính thức Việt Nam và đồng chủ trì phiên họp Ủy ban hợp tác Việt Nam-Nhật Bản lần thứ 4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao kết quả hội đàm giữa Bộ trưởng Gemba Koichiro với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng như kết quả phiên họp lần thứ 4 của Ủy ban hợp tác Việt Nam-Nhật Bản; cho rằng kết quả chuyến thăm đóng góp tích cực thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trước mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản đang phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên; khẳng định mong muốn của Chính phủ và nhân dân Việt Nam là tiếp tục cùng với phía Nhật Bản làm sâu sắc hơn, hiệu quả hơn quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực, vì sự phát triển của mỗi nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và thế giới.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Việt Nam đã lập Ban Chỉ đạo tổ chức Năm Hữu nghị Việt-Nhật 2013 nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và Ban Chỉ đạo thúc đẩy phát triển công nghiệp giữa hai nước… đề nghị hai bên tăng cường thúc đẩy thương mại, du lịch; đề nghị Nhật Bản tiếp tục tích cực hỗ trợ ODA giúp Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Chính phủ hai nước sớm thúc đẩy các dự án hợp tác lớn mà hai bên đã thỏa thuận như Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, hợp tác phát triển ngành công nghiệp đất hiếm của Việt Nam, cảng Lạch Huyện…; tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.

Bộ trưởng Gemba Koichiro khẳng định, Nhật Bản đặc biệt coi trọng hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực. Bộ trưởng thông báo về kết quả làm việc tại Việt Nam, trao đổi về phương hướng và các biện pháp nhằm đưa quan hệ đối tác chiến lược phát triển toàn diện, hiệu quả, thực chất hơn nữa trong thời gian tới.

Bộ trưởng Gemba Koichiro khẳng định, Nhật Bản sẽ phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam để chuẩn bị tốt cho việc tổ chức Năm Hữu nghị Việt-Nhật 2013 nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, khoa học-kỹ thuật, văn hóa, tăng cường giao lưu nhân dân, đặc biệt là giao lưu thanh niên, sinh viên…

Về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Gemba Koichiro bày tỏ quan điểm của Nhật Bản là ủng hộ việc đảm bảo an ninh và an toàn hàng hải trên Biển Đông, giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển năm 1982.

Nguyễn Hoàng/ Chính phủ

Bộ trưởng ngoại giao Nhật thăm VN (BBC)

14/7/12- Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Koichiro Gemba vừa gặp người đồng nhiệm Việt Nam tại Hà Nội trong chuyến đi tăng cường quan hệ kinh tế-chính trị song phương.


Ông Gemba đã thăm Campuchia trước khi tới Việt Nam

Ông Gemba và ông Phạm Bình Minh cũng chủ trì một cuộc họp báo chung hôm thứ Bảy 14/7.

Được biết Ngoại trưởng Nhật chỉ ở Việt Nam trong hai ngày 13/7-14/7.
Trước đó ông đã ở thăm Campuchia và tham dự cuộc họp Ngoại trưởng các quốc gia Đông Á ở Phnom Penh.

Các hãng thông tấn có mặt ở Hà Nội cho hay trong cuộc họp báo ngày 14/7, Ngoại trưởng Gemba nói hai nước Việt Nam và Nhật Bản "đã thống nhất tăng cường hợp tác trong các lính vực quốc phòng và an ninh biển".

Ông ngoại trưởng nói: "Trong các cuộc hội đàm ngày hôm nay, chúng tôi đã nhất trí mở rộng thêm các cuộc gặp ngoại giao cấp cao giữa hai bên nhằm tăng cường hợp tác về quốc phòng và an ninh biển giữa Nhật Bản và Việt Nam".

Quan hệ kinh tế cũng được đề cập tới trong chuyến thăm của ông Koichiro Gemba tới Hà Nội.
Thương mại hai chiều Việt-Nhật năm 2001 đạt 21 tỷ đôla, và Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam. Tokyo cũng đang có kế hoạch hỗ trợ Việt Nam xây nhà máy điện hạt nhân ở miền Trung đất nước.

Tuy nhiên, các nguồn tin nói an toàn hàng hải và căng thằng hiện nay về chủ quyền biển với Trung Quốc nằm cao hơn cả trong nghị trình của ông bộ trưởng ngoại giao.

Bất đồng với Trung Quốc

Cũng giống như Việt Nam, Nhật Bản đang có bất đồng sâu sắc với Trung Quốc quanh chủ quyền tại biển Hoa Đông.

Tranh cãi ngoại giao bùng phát tuần rồi, khi Bắc Kinh điều ba tàu tuần tra tới khu vực đảo mà Nhật Bản gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu ngư Đài hôm thứ Tư 11/7.

Nhật Bản đã chính thức phản đối Trung Quốc ngay tại hội nghị Asean+3 ở Phnom Penh.

Bắc Kinh nói các tàu của họ chỉ làm phận sự "trong vùng biển chủ quyền của Trung Quốc" trong khi Tokyo cực lực phản đối hành động vi phạm chủ quyền này.

Hội nghị ngoại trưởng Asean đã kết thúc hôm 13/7 trong chia rẽ, khi các ngoại trưởng không thể đưa ra một thông cáo chung cuối cuộc họp.

Đây là lần đầu tiên trong 45 hoạt động của khối Asean, vốn đề cao nguyên tắc đồng thuận, sự kiện như vậy xảy ra.

Việt Nam ngỏ ý tiếc, trong khi Philippines, quốc gia bị nước chủ nhà Campuchia gọi là hung hăng và 'bắt nạt', lên tiếng chỉ trích thái độ của Phnom Penh.

Ngoại trưởng Albert del Rosario hôm thứ Sáu 13/7 tuyên bố: "Tôi cho là ngay cả khi chúng tôi im lặng thì cũng sẽ bị cáo buộc là làm căng thẳng tình hình".

"Khi chúng tôi phản hồi thì lại bị cáo buộc là bắt nạt."

Philippines và Việt Nam muốn thông cáo chung của hội nghị ghi lại quan điểm của hai nước này đối với tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông, điều mà Campuchia khước từ.

Trong giới ngoại giao có mặt tại hội nghị có cáo buộc Campuchia hành động như thể đã bị Trung Quốc "mua đứt".

Theo VOV, BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét