Lữ đoàn pháo binh số 2 phụ trách về cả tên lửa hạt nhân cũng như tên lửa thông thường của Trung Quốc.
Giới chức Lữ đoàn pháo số 2 đã hé lộ về hoạt động của đơn vị bí mật này khi mời các phóng viên thuộc các tờ báo nhà nước tới thăm trụ sở gần Bắc Kinh. Lữ đoàn bí mật nhất của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA) đã miêu tả tên lửa hạt nhân và thông thường của mình là con át chủ bài khi Trung Quốc đối mặt với những thách thức an ninh ngày càng lớn trong khu vực.
Những động thái trên phản ánh sự tự tin ngày càng lớn của Trung Quốc, nhất là chỉ vài ngày sau khi một trung tướng của PLA phản ứng với công bố của Mỹ, sẽ tăng sự hiện diện của lực lượng hải quân tại Thái Bình Dương lên 60% thay vì 50%. Ông khẳng định Trung Quốc hoàn toàn có khả năng “tấn công đáp trả”.
“Tên lửa thông thường là con át chủ bài trong chiến tranh hiện đại”, ông Tan Weihong, chỉ huy Lữ đoàn pháo binh số 2, cho biết trên tờ China Daily. “Vì vậy chúng ta phải luôn luôn sẵn sàng. Chúng ta phải có khả năng phản ứng nhanh với các cuộc tấn công, bắn trúng mục tiêu với độ chính xác cao và phá hủy hoàn toàn mục tiêu”.
Ông cho biết thêm trong số 114 tên lửa lữ đoàn đã triển khai cho đến nay “tất cả đều bắn trúng mục tiêu”.
Các quan chức tiết lộ lữ đoàn dành 1/3 thời gian trong năm để hoạt động bên ngoài các căn cứ của mình, như thử các hệ thống phóng tên lửa ở những địa hình khác nhau, từ vùng rừng ở miền nam Trung Quốc, mà theo các nhà phân tích, hầu hết là nhắm vào Đài Loan, tới “các cao nguyên đầy gió ở tây bắc đất nước” ở Vùng tự trị Tây Tạng, với vùng biên giới tranh chấp với Ấn Độ được chú trọng.
Theo tờ báo nhà nước China Daily, “lữ đoàn pháo binh số 2 lần đầu tiên gây được chú ý vào tháng 7/1995, khi Trung Quốc công bố PLA sẽ tiến hành các cuộc bắn thử tên lửa ở những vùng biển động. 6 tên lửa đã được bắn ra trong 1 tuần và đều bắn trúng mục tiêu”.
Việc tổ chức thăm trụ sở của lữ đoàn là nhằm “công bố với cả thế giới rằng Trung Quốc có cả tên lửa hạt nhân và thông thường và rằng hệ thống phòng thủ của quân đội Trung Quốc đã được củng cố”, tờ China Daily đánh giá.
“Trước đây, Trung Quốc chỉ có tên lửa hạt nhân. Cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1990 đã giúp các nhà lãnh đạo quân sự của đất nước nhận ra rằng tên lửa thông thường đang đóng vai trò ngày càng lớn trong chiến tranh hiện đại”, tờ báo cho biết.
Cũng theo tờ báo, Trung Quốc đã nhiều lần nâng cấp tên lửa của mình trong vòng vài năm qua và hệ thống tên lửa của lữ đoàn pháo binh số 2 cũng đã được nâng cấp nhiều lần.
Chỉ huy Tan cũng cho biết lữ đoàn đã phát triển một hệ thống chỉ huy mới “thay thế cho hệ thống cũ dựa chủ yếu vào mệnh lệnh truyền khẩu” để đảm bảo khả năng phóng nhiều tên lửa cùng lúc. “Hệ thống mới có thể thực hiện nhiều vụ phóng cùng lúc, điều không thể thực hiện trong quá khứ”, ông cho biết thêm.
Hôm thứ bảy vừa qua, trung tướng Ren Haiquan, đại diện của phái đoàn Trung Quốc tham gia đối thoại an ninh Shangri-La ở Singapore mới đây – nơi Mỹ công bố cam kết mới với Thái Bình Dương, cho biết Trung Quốc sẽ nâng cao khả năng của các lực lượng nhằm “tấn công đáp trả” bất kỳ đe dọa nào đối với quyền lợi căn bản của nước này.
Trong khi nhấn mạnh Trung Quốc “sẽ không tấn công nếu không bị tấn công”, ông cũng cảnh báo Trung Quốc đã có “các biện pháp để tấn công khi quyền lợi quốc gia căn bản bị đe dọa”.
Bình luận của ông được quan tâm trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông vẫn chưa được giải quyết và Bắc Kinh ngày một lo ngại về các động thái mới của Mỹ, trong đó có tăng cường sự hiện diện của hải quân tại Thái Bình Dương, triển khai 2.500 lính thủy đánh bộ tới Australia và củng cố quan hệ với Philippines.
“Chúng ta vẫn đối mặt với tình hình rất căng thẳng, đôi khi là nghiêm trọng”, trung tướng Ren cho hay. “Chúng ta sẽ chuẩn bị cho tất cả những căng thẳng. Đã có câu nói: Làm việc cho điều tốt nhất và chuẩn bị cho điều xấu nhất”, ông nhấn mạnh.
http://dantri.com.vn/c36/s36-606171/he-lo-ve-lu-doan-ten-lua-bi-mat-cua-trung-quoc.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét