Vibay

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Giữa đất và biển: Liệu châu Á có bị chia đôi?

26/6/12-

 GS Cao Huy Thuần đã từng viết: "Khi hai con voi đánh nhau, cỏ bị chà đạp. Khi hai con voi làm tình với nhau, cỏ cũng bị dẫm nát. Không có lý do gì để không nghĩ rằng Mỹ là một người cân bằng. Nhưng cũng không có lý do gì để yên chí rằng mình sẽ không là cỏ dưới chân voi". Một kết cuộc hợp hay tan vẫn chưa biết là họa hay là phúc.

Cuối tháng 5 đầu tháng 6 vừa qua là khoảng thời gian khá sôi động đối với trật tự chính trị ở châu Á khi các nước lớn tiến hành hàng loạt các bước đi ngoại giao quan trọng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta sang thăm Singapore đế tham dự Diễn đàn an ninh khu vực Shangri-la, sau đó đến Việt Nam và Ấn Độ nhằm tăng cường các mối quan hệ an ninh và quốc phòng. Ít lâu sau, Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thăm Trung Quốc kết hợp tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Tố chức hợp tác Thương Hải (SCO), diễn ra tại Bắc Kinh với điểm nhấn là việc Afghanistan chính thức trở thành quan sát viên của tổ chức này.

Trong bối cảnh Mỹ thực hiện chính sách xoay trục, tập trung hướng vào châu Á - Thái Bình Dương, Nga tiến hành "hướng Đông" cũng như Trung Quốc đang cố gắng hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách vừa ngăn chặn vừa vây hãm của Mỹ, thì câu hỏi đặt ra ở đây là liệu Châu Á có bị ảnh hưởng và quyền lực của các cường quốc phân chia làm hai, một sự phân chia giữa "đất" và "biển" về lựa chọn chính sách?



Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong chuyến thăm Việt Nam đầu tháng 6.

Nhìn ra biển: Thế gọng kìm đang thiết lập

Với vai trò là cường quốc biển hàng đầu thế giới, Mỹ đã chủ yếu tiếp cận với châu Á - Thái Bình Dương thông qua con đường hàng hải. Hải quân Mỹ đã đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển quyền lực của quốc gia. Hạm đội 7 trong Chiến tranh thế giới thứ 2 có một sức mạnh đáng kể, cũng như Chiến tranh Lạnh đã đóng một vai trò quan trọng trong mục tiêu bao vây và cô lập Liên Xô của Mỹ. Hiện nay, trong bối cảnh Trung Quốc đang nổi lên như là một thách thức mới, thì chiến lược toàn cầu của Washington cũng đang thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.

Trong suốt những năm vừa qua, kể từ khi Tổng thống Barrack Obama lên nắm quyền, trọng tâm toàn cầu của Mỹ đã chuyển dịch từ khu vực Tây Á - Trung Đông sang Châu Á - Thái Bình Dương. Cùng với hệ thống các đồng minh truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan và Australia, một trung tâm hỗ trợ chiến lược tại Singapore, các nước thân thiện như Malaysia và Indonesia, Mỹ đã và đang tìm cách thiết lập những mối quan hệ mang tầm chiến lược mới. Việt Nam và Ấn Độ đang dần trở thành những đối tác chiến lược như vậy. "Thế gọng kìm trên biển" dường như đang được thiết lập nhằm dần dần bao vây Trung Quốc.

"Thế gọng kìm" này được thiết lập như một vòng cung bao bay từ phía Đông của Trung Quốc đại lục cho tời Ấn Độ. Ở Đông Bắc Á với các căn cứ quân sự Mỹ tại Nhật Bản và Hàn Quốc, những căn cứ đã có từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của Hải quân Trung Quốc sang khu vực Tây Thái Bình Dương. Đài Loan là một nhân tố thu hút và phân tán sự chú ý cũng như các nguồn lực quốc phòng của Bắc Kinh.

Tại Đông Nam Á, Philippines là một đồng minh lớn của Mỹ, và hiện tại, Manila đang tìm kiếm các sự trợ giúp của Washington nhằm hiện đại hóa lực lượng quân sự yếu kém của mình trước các đông thái gây hấn của Bắc Kinh gần đây, đặc biệt là sau sự kiện Scaborough. Trong khi đó, Singapore vẫn luôn là một căn cứ hậu cần quan trọng cho các tàu chiến của Mỹ và Bộ trưởng Leon Panetta đã tuyên bố rằng Mỹ đã đạt được một thỏa thuận cho phép Hải quân điều 4 tàu chiến thế hệ mởi LCS đến các cảng lớn tại Singapore.

Việt Nam cũng chính là một nhân tố mới rất quan trọng. Vị trí địa chiến lược của Việt Nam đã bắt đầu được giới chính trị và quân sự Mỹ để ý. Việc Bộ trưởng Panetta có chuyến thăm lịch sử đến Cam Ranh cho thấy Washington đã nhìn nhận Việt Nam như một mắt xích không thể thiếu trong các đối tác ở châu Á, đồng thời đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ quốc phòng còn rất tiềm năng giữa hai nước. Chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du châu Á của ông Panetta chính là Ấn Độ, đối tác chiến lược của Mỹ tại châu Á. Ấn Độ cũng có một vị trí rất quan trọng, án ngữ phía tây nam Trung Quốc và trông ra Ấn Độ Dương.

Hợp tác với New Delhi vừa giúp Washington có thể "trông chừng" Trung Quốc vừa tạo ra sự hậu thuẫn cần thiết giúp Mỹ rút lui một cách an toàn ra khỏi Afghanistan. Tuy nhiều quan chức Mỹ đã tuyên bố rằng sự thay đổi chiến lược này không phải là nhắm vào Trung Quốc. Theo Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Panetta thì "quá trình thay đổi chiến lược của Mỹ tại châu Á sẽ đi cùng với sự phát triển của Trung Quốc".

Ngó vào đất: Khi Trung Á và Đông Á kết minh

Qua quá trình tiếp cận của Mỹ, chúng ta có thể nhận thấy xu thế rõ ràng của Washington là tiến hành tiếp cận Châu Á thông qua đại dương, sử dụng đại dương như là một công cụ để hiện thực hóa chính sách "bao vây và tiếp cận" của mình đối với Trung Quốc, qua đó phát huy sức mạnh một cường quốc biển, cường quốc hải quân.

Ngược lại, trước thể kìm kẹp ngày càng chặt, Trung Quốc đang cố mở rộng ảnh hưởng của mình, mở rộng hướng tiếp cận của mình sang phía Tây, nơi mà ảnh hưởng của phương Tây và Mỹ là ít hơn cả. Trong thời gian gần đây, Trung Quốc và Nga liên tục có những động thái khiến giới quan sát phải đánh dấu hỏi về việc xuất hiện một "liên minh khu vực" trong tương lai gần.

Cụ thể, vào ngày 5/6 vừa qua, Tân Tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến thăm chính thức Trung Quốc trong thời gian 3 ngày, nhằm tăng cường quan hệ hợp tác song phương, cùng với đó là tham dự Hội nghị cấp cao Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 12 tại Bắc Kinh. Trước chuyến viếng thăm này, quân đội của hai nước cũng đã tổ chức tập trận chung kéo dài 6 ngày (22-27/4) ở biển Hoàng Hải, với qui mô lớn chưa từng có.

Tiếp sau đó, vào ngày 23/5, Đại sứ Nga tại Philippines đã lên tiếng về vấn đề Biển Đông. Đây là một động thái lạ nhưng cũng hết sức đặc biệt vì những gì Đại sứ Nga tại Philippines tuyên bố dường như rất có lợi cho Trung Quốc, phù hợp với mong muốn cũng như chủ trương xuyên suốt của Trung Quốc về giải quyết vấn đề bằng đàm phán song phương thay vì đa phương.

Có thể nhận thấy rằng Nga càng lúc càng "hướng gần" đến Trung Quốc hơn - cái đích trong "chính sách hướng Đông" của ông Putin - một chính sách mà xét về cơ bản là "hướng về" châu Á, mà Trung Quốc là một trong những đối tượng chủ đạo. Putin luôn muốn khôi phục vị thế của Nga như một cường quốc thế giới và đóng vai trò quan trọng trong "Thế kỷ châu Á". Muốn thế, Nga phải phát triển các nguồn lực khổng lồ tại Viễn Đông, nhưng hiện Moscow vẫn không đủ năng lực. Do cả hai nước đều đang có nhiều căng thẳng với Washington, việc hình thành liên minh Moscow - Bắc Kinh là điều không thể tránh khỏi.

Đặc biệt, liên tục trong thời gian gần đây, Nga và Trung Quốc đều đồng thuận quan điểm trong các vấn đề ở Trung Á và Tây Á như Syria, Iran,... Trung Á luôn được coi là "sân nhà", là hậu phương để thúc đẩy "gấu Nga" phát triển. Còn với Trung Quốc thì đây là "mắt xích" quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, mở rộng ảnh hưởng ra thế giới bên ngoài, phát triển thực lực về phía Tây nhằm thoát khỏi thế bao vây của Mỹ. Đây cũng chính là nguồn cung cấp năng lượng tiềm năng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đang "khát" năng lượng. Và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đang hiện lên như một "khởi điểm" lý tưởng cho sự hình thành "liên minh khu vực" này.

Sau hơn 10 năm thành lập, SCO đã trở thành một tổ chức đa phương phát triển nhanh chóng, với nhiều thành tựu ấn tượng trong các lĩnh vực. Trung Quốc và Nga được coi là hai đầu tàu chính 'kéo" SCO phát triển. SCO cũng đang là chỗ dựa chiến lược trong thời gian tới để hai nước này làm "đối trọng" với những sức ép chiến lược từ bên ngoài. Các nước thành viên Trung Á cũng đang coi SCO như là một "vành đai" an toàn với hai "vệ sĩ" Nga - Trung để cân bằng mối quan hệ với các nước lớn do xu thế phát triển ở khu vực này luôn nằm trong "canh bạc" của những "ông lớn".

Nga và Trung Quốc hiện đang nắm giữ 2 ghế ủy viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Hai nước này cùng với quan sát viên Ấn Độ còn là thành viên của BRICS. Chính điều này làm cho SCO có ưu thế lớn hơn so với các tổ chức khác. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, giữa hớp tác cũng có đấu tranh, việc tranh giành quyền lực ngầm ngầm giữa Nga và Trung Quốc, nay thêm Ấn Độ, khiến cho SCO khó có thể phát triên thành một tổ chức thực sự lớn mạnh. Về hiện tại, SCO đã phần nào đó thành công trong việc hạn chế ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây.

Một điều đặc biệt tại Hội nghị Cấp cao SCO năm nay diễn ra trong hai ngày (6 - 7/6) tại Trung Quốc là tất cả thành viên đã nhất trí cho Afghanistan trở thành quan sát viên chính thức và Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác đối thoại. Điều này cho thấy SCO đang có tham vọng mở rộng ảnh hưởng tại toàn bộ khu vực Trung Á và trở thành đối trọng với khối NATO với Nga giữ vai trò lãnh đạo về lĩnh vực quân sự, còn Trung Quốc giữ vai trò lãnh đạo về kinh tế.

Cũng có thể suy đoán thêm rằng, Trung Quốc đang chuẩn bị để đóng vai trò lớn hơn tại Afghanistan nói riêng cũng như toàn bộ Trung Á nói chung sau khi quân Mỹ rút hết khỏi đây vào năm 2014. Với việc Hội nghị lần này kết thúc tốt đẹp, giới quan sát đều nhận định rằng một "liên minh chuẩn" giữa hai khu vực trong tương lai gần được phát triển từ chính Tổ chức SCO sẽ không còn là dự đoán nữa. Trung Á, "trái tim của lục địa Á - Âu" hay "vùng đất trung tâm" theo như nhà địa chính trị huyền thoại Halford John Mackinder liệu có thành vùng ảnh hưởng của riêng Trung Quốc hay Nga?

Châu Á và chuyện hợp tan

Một châu Á bị phân đôi với Mỹ và "liên minh biển cả" của mình tại vòng ngoài và Trung Quốc, Nga với "vùng đất trái tim" ở bên trong đất liền sẽ là viễn cảnh không mấy sáng sửa đối với các nước châu Á. Một khi châu Á bị chia rẽ, các nước nhỏ sẽ đối mặt với nhiều tác động tiêu cực, khi lúc nào cũng phải trong tư thế đứng giữa ngã ba đường, đặc biệt khi đụng vào các vấn đề cốt lõi sinh tử. Sự phân đôi giữa đất và biển sẽ biến châu Á trở thành vũ đài tranh giành giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc, mà một kết cuộc chưa biết thắng thua ra sao cũng sẽ dẫn đến tác động tiêu cực đến các nước khác trong vùng.

Sự phân đôi về điạ dư nay đã rõ ràng hơn bằng sự phân đôi về lựa chọn chính sách chiến lược, khiến cho ba mục tiêu dài hạn của hình dung một châu Á "chuẩn" đang đặt dười nhiều dấu hỏi. Thứ nhất là việc giải quyết các vấn đề tranh chấp đang dai dẳng ở đây là vấn đề Đài Loan, vấn đề Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và vấn đề Biển Đông. Hai là vấn đề phát triển kinh tế, điều mà tất cả quốc gia đều quan tâm. Cuối cùng, mục tiêu quan trọng nhất vẫn là tạo một môi trường châu Á hòa bình, ổn định, phát triển. Một "hợp nhất" giữa châu Á biển và châu Á đất là cần thiết, thế nhưng, sẽ thật là khó khi mà các nước lớn vẫn lèo lái con thuyền chính trị theo cách riêng của mình.

GS Cao Huy Thuần đã từng viết: "Khi hai con voi đánh nhau, cỏ bị chà đạp. Khi hai con voi làm tình với nhau, cỏ cũng bị dẫm nát. Không có lý do gì để không nghĩ rằng Mỹ là một người cân bằng. Nhưng cũng không có lý do gì để yên chí rằng mình sẽ không là cỏ dưới chân voi". Một kết cuộc hợp hay tan vẫn chưa biết là họa hay là phúc.

Nguyễn Thế Phương-Nghĩa Huỳnh- Giang Phạm

(Nhóm nghiên cứu IR News, Khoa Quan Hệ Quốc Tế, ĐHKHXH&NV TPHCM)







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét