Vibay

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Báo chí thế giới nói gì về chuyến thăm VN của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ?

05/6/12- Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta ngày 30/5 đã bắt đầu chuyến công du châu Á kéo dài một tuần. Sau khi tham dự Đối thoại An ninh Shangri La tại Singapore, ông Panetta tiếp tục tới Ấn Độ và Việt Nam.

Đây là chuyến thăm khu vực đầu tiên của ông Panetta kể từ sau khi chính phủ Mỹ tuyên bố chuyển trọng tâm chiến lược quân sự tới châu Á-Thái Bình Dương. Chính vì thế chuyến thăm này được giới truyền thông quốc tế đặc biệt quan tâm.


Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đón tiếp ngài Leon Panetta


Khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đến thăm Vịnh Cam Ranh, một khu vực chiến lược của Việt Nam và từng là căn cứ quân sự lớn của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam, mọi sự chú ý đều hướng vào việc xác định xem các mối quan hệ quân sự trong lịch sử giữa hai nước sẽ sâu sắc đến chừng nào.

Theo hãng tin AP, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã tận dụng chuyến thăm Việt Nam ngày 3/6 để thể hiện rõ ý định của Washington trong việc hỗ trợ các đồng minh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương phát triển và đảm bảo quyền tự do hàng hải ở Biển Đông – khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ.

Hãng tin AP cho rằng chuyến thăm của ông Panetta tới cảng Cam Ranh (Việt Nam) chắc chắn sẽ khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc tức giận bởi họ không hài lòng với việc Mỹ tăng cường lực lượng vũ trang tại khu vực này vì coi đó là một mối đe dọa.

Báo “Bưu điện Washington” (Mỹ) ngày 3/6 cho rằng trong bối cảnh Chính quyền của Tổng thống Barack Obama có kế hoạch định hướng lại chính sách ngoại giao và quân sự hướng về châu Á, Việt Nam “hiện là một cơ hội quan trọng” đối với Mỹ. Blog của William Wan trên trang mạng của báo này ngày 3/6 ghi nhận rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy Việt Nam đã “chín muồi” cho một sự dàn xếp như vậy trong các năm tới, vì từ năm 2003, đã có 20 tàu của hải quân Mỹ được phép cập cảng của Việt Nam. Ông Wan viết: “Trung Quốc đã nỗ lực từ lâu để thắt chặt quan hệ với Chính quyền Việt Nam, song các nhà lãnh đạo Hà Nội ngày càng tìm thêm các đối tác mới, và điều ghi nhận rõ nhất là với Mỹ”. Ông Wan cũng trích lời ông Ernie Bower, chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington, nói về Việt Nam như sau: “Đây là quốc gia có tư duy rõ về chiến lược với Trung Quốc và về vị trí của họ (Việt Nam) ở châu Á. Hóa ra, Việt Nam lại là một trong những nước nói thẳng nhất. Họ thấy thế nào thì nói thế khi bàn về Trung Quốc và đây là điều hấp dẫn người Mỹ”.

“Cơ sở báo chí Quân lực Mỹ”, một trang mạng của Quân lực Mỹ, thì nhắc nhiều hơn đến khía cạnh lịch sử của chuyến đi. Ông Leon Panetta, người mang hàm Trung úy Quân báo thời gian Mỹ tham chiến ở Việt Nam, đã có nhiều bạn học hy sinh tại chiến trường này, và chuyến thăm đến cảng Cam Ranh lần này là dịp để ông nhắc lại sự hy sinh đó. Ông Panetta nói: “Chúng ta đều biết rằng máu của cả hai bên đã đổ xuống bởi cuộc chiến này”. Tuy nhiên, ông cho rằng dù hiện giờ nhiều người đặt câu hỏi vì sao lại có cuộc chiến đó, song điều cần làm là từ những hy sinh đó, Việt Nam và Mỹ phải xây dựng một mối quan hệ đối tác mạnh mẽ để hướng tới tương lai. Trang mạng của Quân lực Mỹ đã trích thông điệp của ông Panetta gửi đến nước chủ nhà Việt Nam rằng: “Nhiệm vụ của chúng ta không chỉ là bắt đầu hàn gắn vết thương của quá khứ mà còn cần xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân dân mọi nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.

Trang mạng “Thời báo Hải quân” của Hải quân Mỹ cho rằng Nhà Trắng đang tìm cơ hội xây dựng các cơ sở quân sự với các quốc gia đối tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trang mạng này dẫn lời ông Panetta cho rằng điều quan trọng là “bảo vệ các quyền hàng hải chủ yếu cho mọi quốc gia ở Biển Đông và các khu vực khác”. Báo này cũng nêu bật chi tiết ông Panetta là quan chức Mỹ cấp cao nhất tới cảng Cam Ranh trong hàng chục năm qua.

Tờ “Thời báo Tài chính” của Anh chú ý nhiều hơn đến bối cảnh của chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sau khi ông tham dự Đối thoại Shangri-La ở Singapore. Bài báo nhắc đến vụ tranh chấp bãi cạn Scarborough giữa Philippines và Trung Quốc, đồng thời cho biết ông Panetta đã hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin tại Singapore. Tuy nhiên, theo tờ báo, ông Panetta đã nói rõ rằng theo quan điểm của Mỹ, “các nước đang tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông phải tự giải quyết vấn đề với nhau”. Ông Panetta khẳng định: “Điều tối quan trọng là cả Trung Quốc và các nước ASEAN cần xây dựng một bộ quy tắc ứng xử nhằm giúp giải quyết các vấn đề này. Sẽ không có ích gì nếu Mỹ can dự mạnh mẽ nhằm cố gắng giải quyết các vấn đề đó”.

Theo báo “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” (HongKong) số ra ngày 4/6, ít nhất về mặt chính thức, chuyến thăm đầu tiên của ông Panetta đến Việt Nam là nhằm mục đích tăng cường quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực đã được hai nước nhất trí hồi năm ngoái như trao đổi y tế, tìm kiếm và cứu hộ cứu nạn. Những triển vọng trung hạn của quan hệ giữa hai nước là khá hấp dẫn và kích thích trí tò mò của các nhà ngoại giao và giới phân tích trong khu vực.

Theo nguồn tin của báo này, một loạt quan chức Mỹ và Việt Nam xác nhận rằng các thương vụ vũ khí, dịch vụ cho tàu chiến và hợp tác chiến lược chính thức mở ra triển vọng sáng sủa cho quan hệ song phương, dù giữa hai cựu thù chiến tranh này còn nhiều trở ngại cần phải vượt qua, nhất là trong các mối quan hệ phức tạp và mang tính hoài nghi với Trung Quốc. Và khi quan hệ Việt-Mỹ được cải thiện, hoạt động chia sẻ thông tin tình báo cũng được hy vọng sẽ gia tăng, tờ báo này đánh giá.

Ông Panetta là quan chức Mỹ đầu tiên đến thăm khu vực Vịnh Cam Ranh kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam. Vấn đề nhiều người quan tâm hiện nay là quan hệ giữa hai nước trong tương lai sẽ tiến xa như thế nào? Tờ “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” dẫn lời một cựu tùy viên quân sự tại Hà Nội nhận xét: “Hiện nay, người ta đang theo dõi mối quan hệ Mỹ-Việt. Quan hệ này thực sự có tiềm năng, nhưng vẫn có những điểm gây ‘tắc nghẽn’. Có lẽ trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc, Việt Nam muốn xích lại gần Mỹ hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là Hà Nội muốn trở thành một đồng minh của Washington”.

Trong ngày 4/6, Bộ trưởng Panetta và người đồng cấp Việt Nam Phùng Quang Thanh thảo luận bản ghi nhớ đã được ký năm ngoái. Bản ghi nhớ này bao gồm một loạt lĩnh vực: an ninh hàng hải, tìm kiếm và cứu hộ cứu nạn, nghiên cứu vấn đề gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, viện trợ, cứu trợ sau thảm họa và lĩnh vực quân y. Nếu những hợp tác này tiếp tục diễn ra thuận lợi, điều đó sẽ thúc đẩy các cuộc thảo luận lâu dài về các vấn đề lớn hơn, như một thỏa thuận chính thức về dịch vụ cho tàu chiến Mỹ, các thương vụ vũ khí và hợp tác chiến lược mở rộng hơn.

Nguồn tin của báo “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” cho biết các quan chức Mỹ gần đây nói với những nhà sản xuất vũ khí Mỹ rằng họ sẽ sớm thúc đẩy Quốc hội Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán các loại vũ khí sát thương đã được áp dụng từ lâu đối với Việt Nam. Một số thương vụ công nghệ không thuộc diện vũ khí sát thương, như radar bờ biển nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Việt Nam ở Biển Đông thậm chí có thể diễn ra vào thời điểm hiện nay và các phái viên Trung Quốc ở Việt Nam đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến ở Hà Nội.

Các hoạt động bàn về việc Việt Nam cung cấp dịch vụ cho tàu chiến Mỹ cũng đã được thảo luận, nhưng vẫn chưa có thời gian biểu nào cho một thỏa thuận về vấn đề này. Một thỏa thuận như vậy sẽ có ý nghĩa to lớn và gia tăng mạnh mẽ số lượng tàu chiến Mỹ đến các cảng biển của Việt Nam. Hiện nay, những thỏa thuận như vậy chỉ tồn tại giữa Washington với các đồng minh và đối tác thân cận, trong đó có Philippines, Singapore, Malaysia. Tất cả các nước này thường xuyên cung cấp dịch vụ cho các tàu chiến Mỹ. Khi được hỏi về những thông tin mới nhất liên quan thỏa thuận cung cấp dịch vụ cho tàu chiến Mỹ trong chuyển thăm Việt Nam của Bộ trưởng Panetta, một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết Washington vẫn chưa xúc tiến thỏa thuận này, đồng thời nói rằng Bộ trưởng Panetta trong chuyến thăm lần này chủ yếu tập trung vào bản ghi nhớ đã ký giữa hai nước hồi năm ngoái.

Theo Petrotimes.vn

2 nhận xét:

  1. Việt - Mỹ nên bỏ qua quá khứ để cùng xây dựng cho cuộc sống của tương lai. Nhất là hiện nay, Trung quốc muốn thâu tóm thế giới chứ không riêng gì Biển đông và Đông nam Á.
    Trung quốc lúc nào cũng cho mình là "thiên tử" nên có quyền và muốn nói sao cũng được, bất chấp lẻ phải, đúng sai, miễn rằng trên thế giới này không một nước nào làm được gì Trung quốc.

    Trả lờiXóa
  2. Nước VN chúng ta chưa bao giờ hội tụ được cả thiên thời địa lợi nhân hòa như bây giờ trong lịch sử dựng nước và giữ nước theo suốt chiều dài của dân tộc. Thiên thời bây giờ VN mạnh hơn trước rất nhiều, địa lợi thì VN ta cũng hơn đứt TQ và nhân hòa thì càng có nhiều bạn bớt thù. VN bây giờ không còn bị cô lập như những năm 80 về trước, các nước sẵn sàng giúp đỡ VN. TQ càng mạnh, càng kg có bạn vì bản tính của họ là thôn tính nước khác và không muốn nước khác mạnh hơn mình. Do đó họ sẽ không có bạn. Điều này được minh chứng là tất cả các quốc gia có đường biên giới với TQ đều là nạn nhân của TQ bởi bản tính thâm độc và tham lam của họ. Ngày xưa Cụ Hồ của ta có tầm nhìn rất rộng, muốn gần Mỹ vì Cụ đã nhận ra được bản chất của người "Đồng chí TQ tốt bụng" của mình là ntn, tiếc thay chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội, để rồi cả 2 Bên phải trả 1 cái giá rất đắt cho dân tộc VN chúng ta. Thiết nghĩ các nhà lãnh đạo của đất nước hãy đặt quyền lợi của dân tộc VN lên trên những lợi ích cá nhân, bè nhóm, phe phái để đưa dân tộc ta ngày càng hùng mạnh. Các nhà lãnh đạo phải có tầm, có tâm và có đức để đưa VN trở thành 1 Ixael thứ 2, dù nhỏ nhưng không sợ bất cứ quốc gia khổng lồ nào!

    Trả lờiXóa