Ảnh: Telegraph
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, "các tàu công vụ" của họ vẫn ở bãi cạn và "thực hiện nhiệm vụ dựa trên sự thực thi pháp luật, quản lý và yêu cầu hỗ trợ cần thiết".
Tuyên bố được đưa ra trong phản ứng với một thông tin của Bộ Ngoại giao Philippines rằng, Trung Quốc đã rút bớt hai tàu hải giám khỏi đầm phá tại bãi cạn, trong khi tàu Philippines của Cục Quản lý ngư nghiệp và tài nguyên nước cũng đã rời đi.
Người phát ngôn Trung Quốc Lưu Vị Dân nói: "Phía Trung Quốc đã liên lạc trực tiếp với Philippines để giải quyết tình hình thích hợp. Hoạt động của các tàu cá Trung Quốc ở đầm phá là bình thương, không bị gián đoạn nữa".
Tuy nhiên, báo cáo giám sát an ninh mới nhất tại khu vực cho biết, 8 tàu Trung Quốc vẫn ở bãi cạn gồm các tàu giám sát và tàu ngư chính.
Sau khi rút bớt tàu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez nói, không còn tàu chính phủ của cả hai bên ở bên trong đầm phá. “Nhưng vẫn có 30 tàu cá Trung Quốc ở đó", ông nhấn mạnh.
Trung Quốc vẫn hy vọng rằng, Philippines sẽ làm việc trực tiếp với Bắc Kinh tìm ra giải pháp ngoại giao song phương giải quyết tranh chấp ở bãi cạn thay vì một giải pháp toàn diện từ chính trị, luật pháp và ngoại giao mà Manila theo đuổi. Bắc Kinh yêu cầu Manila không áp dụng các biện pháp từ lĩnh vực chính trị và luật pháp. Họ cho rằng, nó sẽ làm leo thang và phức tạp thêm tình hình.
Tuy nhiên, quan điểm của Philippines là yêu cầu một giải pháp toàn diện cho tranh chấp bãi cạn thông qua chính trị, pháp luật và ngoại giao. Ngoại trưởng Albert del Rosario nói, Philippines sẽ không bao giờ nhất trí với yêu cầu của Trung Quốc về bãi cạn và đối thoại ngoại giao giữa hai bên chỉ là "giải pháp tạm thời" nhưng không thể giải quyết căn bản tình hình.
Philippines đã đề xuất Trung Quốc cùng Manila ra Tòa án Quốc tế về Luật biển cho một giải pháp "lâu dài và pháp lý" thay vì con đường ngoại giao. Tuy nhiên, Bắc Kinh bác bỏ điều này.
Vụ tranh chấp tại bãi cạn ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines bắt đầu vào đầu tháng 4 khi hải quân Philippines cáo buộc tàu thuyền và ngư dân Trung Quốc xâm nhập cũng như đánh bắt trái phép tại vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines, hải quân đã cố bắt giữ ngư dân Trung Quốc nhưng bị hai tàu hải giám chặn lại.
Cả Trung Quốc và Philippines đều đưa ra tuyên bố chủ quyền với bãi cạn Scarborough. Bắc Kinh viện dẫn những chứng cứ lịch sử, còn Manila khẳng định khu vực này nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của họ được luật pháp quốc tế công nhận.
Thái An (theo Philstar)
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/75373/bai-can-scarborough--nguoi-philippines-roi-di--tau-tq-o-lai.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét