17/05/12- Kể từ hôm qua, 16/05/2012, Trung Quốc bắt đầu áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá mà họ ban hành trên một vùng rộng lớn ở Biển Đông, trong đó có những khu vực đang tranh chấp với các láng giềng. Ngoài việc phản đối lệnh cấm này qua con đường ngoại giao, chính quyền Việt Nam còn khuyến khích ngư dân tiếp tục hoạt động bình thường để khẳng định chủ quyền đất nước.
Lệnh cấm của Trung Quốc đã được bộ Nông nghiệp Trung Quốc loan báo từ tháng Giêng vừa rồi, và ngay từ khi ấy đã bị Việt Nam phản đối. Trong một bản thông báo công bố ngày 15/05, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị một lần nữa đã tuyên bố « phản đối quyết định đơn phương của Trung Quốc và coi quyết định này là không có giá trị ».
Theo ông Lương Thanh Nghị, lập trường của Việt Nam về vấn đề này đã được nêu rõ trong phát biểu của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 20/01, theo đó thì việc Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá ở biển Đông đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như thẩm quyền hợp pháp của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình :
“Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Việc Trung Quốc đơn phương thi hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm cho tình hình Biển Đông phức tạp thêm. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp phía Trung Quốc và phản đối việc làm nói trên của Trung Quốc”.
Theo báo chí Việt Nam, ngoài phản đối chính thức của Bộ Ngoại giao, một số cơ quan, đoàn thể Việt Nam cũng kêu gọi chống lại lệnh cấm bị đánh giá là phi lý của Trung Quốc.
Theo Hội Nghề cá Việt Nam, Bắc Kinh chỉ có quyền thực hiện lệnh cấm của họ trong phạm vi vùng biển của Trung Quốc, chứ không được áp dụng lệnh này trong vùng biển của các nước khác. Hội Nghề cá Việt Nam cũng kêu gọi ngư dân tiếp tục hoạt động bình thường.
Đấy cũng là chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, vốn đã yêu cầu các địa phương « tổ chức cho ngư dân đánh bắt bình thường trên vùng biển của Việt Nam và ngư trường truyền thống ».
Để đề phòng nguy cơ bị tàu tuần tra Trung Quốc tấn công và bắt bớ - như họ thường xuyên làm trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp Việt Nam đã khuyến cáo ngư dân là nên kết hợp thành đoàn, đội để có thể giúp đỡ lẫn nhau khi cần thiết. Ngoài ra, giới chức quân sự địa phương cũng dự trù một số « lực lượng dân quân biển » để bảo đảm an toàn phần nào cho các ngư dân.
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120517-viet-nam-tim-cach-doi-pho-voi-lenh-cam-danh-ca-cua-trung-quoc-tai-bien-dong
Sao mình ko điều động CSB đi bao vệ ngư dân tại thời điểm nhạy cảm này. Mình phải khẳng định cứng rắn cho chúng nó biết chứ, càng nhân nhượng chúng càng lấn tới
Trả lờiXóaTôi đồng ý với ý kiến bác thành mượt. Hoàng sa và trường sa là của việt nam, dù bọn Trung Quốc có làm j` đi nữa thì cũng thể tranh cãi được chủ quyền với hai đảo này của việt nam
Trả lờiXóa