18/05/12- ÐÀ NẴNG (NV) - Một số ngư dân không sống bằng nghề đánh cá, câu mực hay lặn bắt hải sản. Họ sống bằng dịch vụ cung cấp dầu, ga, nước đá, thực phẩm cho các tàu khai thác hải sản xa bờ, đặc là tại khu vực Hoàng Sa.
Ðây là một dịch vụ không có nhiều người làm trước đây nhưng một số ngư dân đang chuyển nghề.
Bản tin báo Tiền Phong hôm Thứ Năm cho hay, ngày 16 tháng 5 năm 2012, “tại âu thuyền Thọ Quang, thêm một tàu lớn của ngư dân Ðà Nẵng hạ thủy, thẳng tiến Hoàng Sa làm dịch vụ hậu cần nghề cá” mà Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn địa phương nói “thành phố quyết tâm phát triển dịch vụ này ở Hoàng Sa”.
Huyện đảo Hoàng Sa trực thuộc thành phố Ðà Nẵng trong khi huyện đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Chiếc tàu dịch vụ mà báo Tiền Phong nói ở trên là của gia đình ông Trần Toàn, xã Thuận Phước quận hải Châu, công suất 450 mã lực trị giá khoảng 2 tỉ đồng hay gần $100,000 USD. Ðể đóng tàu này, ông Toàn đã phải bán một tàu nhỏ và vay thêm vốn.
Tàu của ông Toàn mang số ÐNa 90511TS bắt đầu hành trình đi Hoàng Sa làm dịch vụ từ hôm Thứ Tư.
“Ðời tui đi biển tính đến nay đã hơn 30 năm, cả gia đình mấy con đều sống nhờ biển. Sau này, thấy câu chuyện nghịch lý của ngư dân khi ra khơi đang đánh bắt dở dang phải quay về vì thiếu dầu, thực phẩm nên tui nghĩ phải cung cấp trực tiếp cho họ”, tờ báo dẫn lời ông Toàn nói.
Trong khi ông Toàn hạ thủy chiếc tàu dịch vụ 450 mã lực thì một chiếc khác lớn hơn nhiều, công suất tới 1,200 mã lực của gia đình ông Lê Mến, cũng được đóng ở âu thuyền Thọ Quang, đóng gần hoàn tất và dự trù xuống nước trong tháng 6.
Khi bắt đầu hoạt động, tàu của ông Mến có thể chở theo 35 ngàn tấn đá, hàng chục ngàn tấn dầu, thực phẩm tươi, khô, gas; 2 máy ICOM đời mới, v.v... Tổng trị giá con tàu của ông Mến khi hoàn thành là trên 3 tỷ đồng.
Nhờ có các tàu dịch vụ, ngư dân đánh cá xa bờ như ở gần quần đảo Hoàng Sa có thể được tiếp nhiên liệu, thực phẩm ngay trên biển để thực hiện ngay một vòng khai thác thủy sản mới, không phải quay về bờ ngay.
Nguồn tin thuật lời bà Nguyễn Thị Hạnh, chủ tịch Hội Nông Dân phường Thuận Phước, hội sẽ tiếp tục động viên, khuyến khích ngư dân mạnh dạn đầu tư vào loại hình dịch vụ này để có một đội tàu mạnh đáp ứng nhu cầu của ngư dân đáng bắt ở Hoàng Sa.
“Ngoài ra, chúng tôi cũng kiến nghị với cấp trên tạo cơ chế mở, cho vay lãi suất thông thoáng để ngư dân yên tâm chuyển đổi ngành nghề”, bà Hạnh nói. (T.N.)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=148918&zoneid=1
VN thí điểm lập dân quân biển (BBC)
Một số ngư dân Việt Nam tuyển chọn sẽ được huấn luyện quân sự để tăng cường khả năng tự vệ khi tham gia đánh bắt trên Biển Đông, các nguồn tin trong nước cho hay.
Các báo VnExpress và Sài Gòn Tiếp thị cho hay số ngư dân này sẽ được tổ chức vào các tiểu đội và trung đội với tên gọi chính thức là dân quân biển.
Đây là mô hình thí điểm của Quân khu 5 vốn phụ trách các tỉnh nam trung Bộ của Việt Nam, trong đó có thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa – các đơn vị quản lý hành chính đối với các huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bất đồng giữa Bắc Kinh và Manila quanh Bãi cạn Scarborough gần Philippines đã thu hút dư luận quốc tế nhiều tuần qua.
Hình thái tự vệ biển, hay trang bị vũ khí cho ngư dân, đã được bàn luận ở Việt Nam một thời gian nay, nhưng bị dư luậ́n chỉ trích là làm phức tạp thêm tình hình và gây nguy hiểm cho ngư dân.
Báo Việt Nam nói Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa đã loan báo thành lập hai trung đội dân quân biển tại phường Vĩnh Phước của thành phố Nha Trang và phường Ninh Thủy của thị xã Ninh Hòa.
Hai phường này có đông đảo ngư dân tham gia đánh bắt xa bờ trong nhiều ngày tại vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa.
Mỗi trung đội bao gồm 25 ngư dân và được chia nhỏ thành ba tiểu đội. Mỗi trung đội dân quân biển được trang bị bốn tàu đánh cá có công suất từ 120 đến 300 mã lực với các thiết bị thông tin liên lạc hiện đại.
Các ngư dân này sẽ được Bộ chỉ huy quân sự tỉnh huấn luyện thường xuyên để ra khơi đánh bắt hải sản trên Biển Đông.
Bảo vệ chủ quyền
Báo Sài Gòn tiếp thị dẫn lời ông Lê Minh Soạn, tham mưu trưởng Bộ chỉ huy quân sự Khánh Hòa, cho biết những dân quân được tuyển chọn đều là những ngư dân trẻ, khỏe và có nhiều kinh nghiệm đi biển.
Theo ông Soạn thì dân quân biển là lực lượng ‘vừa sản xuất vừa huấn luyện’ và ‘sẵn sàng phối hợp’ với các lực lượng bảo vệ biển của Việt Nam như biên phòng, cảnh sát biển và hải quân.
Báo mạng VnExpress cũng dẫn lời ông Soạn cho biết đây là hai trung đội dân quân biển nòng cốt của tỉnh Khánh Hòa để từ đó tỉnh rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình này.
Trước đó, hôm 14/5, quận Thanh Khê ở thành phố Đà Nẵng được biết cũng chính thức thành lập một trung đội dân quân biển ở ba phường có đông ngư dân đánh bắt xa bờ và hoạt động dài ngày trên biển là Xuân Hà, Thanh Khê Đông và Thanh Khê Tây.
BBC Việt ngữ đã liên lạc với ông Lê Văn Bình, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa, nhưng ông từ chối cho biết chi tiết về việc huấn luyện và trang bị cho dân quân biển.
Ông chỉ nói tỉnh Khánh Hòa thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và Quân khu 5.
Lý do thành lập lực lượng dân quân biển, theo ông Bình, là để các ngư dân Việt Nam khi ra khơi ‘khỏi bị lực lượng nước khác đe dọa’ và hiện nay ngày càng nhiều ‘ngư dân các nước’ đánh bắt ở vùng biển Việt Nam.
Ông Bình cho biết ngoài công việc đánh bắt thì các ngư dân này còn tham gia ‘bảo vệ chủ quyền’ vùng biển của Việt Nam.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/05/120517_vn_marine_militia.shtml
Chuyện ruồi bu! Chưa thấy có chính phủ nào có chính sách phải nói là rất ruồi bu như nước ta.
Trả lờiXóaBộ quốc phòng, hải quân phải lãnh nhận trọng trách bảo vệ an toàn cho người dân. Lấy tiền đóng thuế của dân mua tàu, súng ống để chi vậy?