Tượng đài Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn trên đảo Song Tử Tây. Công trình do quân dân tỉnh Nam Định đầu tư xây dựng.
Thật sự khó có thể trả lời một cách đầy đủ Trường Sa đang cần gì, bởi sau 37 năm giải phóng, Trường Sa hôm nay đang từng ngày thay đổi; những làng đảo, xã đảo đã bừng sáng giữa biển khơi. Điện-đường-trường-trạm, các công trình dân sinh, các công trình văn hóa ngày càng được xây dựng khang trang, hiện đại. Khoảng cách giữa đảo và đất liền như gần hơn. Quân dân nơi đây rất tự hào và ra sức thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ nơi tuyến đầu Tổ quốc.
Nhìn vào cơ sở hạ tầng của Trường Sa hôm nay, chúng ta thấy từ nhà ở đến các công trình văn hóa, hệ thống năng lượng sạch... đều được xây dựng chính quy, hiện đại. Tuy nhiên, những công trình này không phải tồn tại vĩnh cửu mà theo thời gian sẽ xuống cấp cần phải được đầu tư tu sửa xây dựng lại. Nhất là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như ở Trường Sa (nắng nóng, độ mặn lớn) thì tuổi thọ của các công trình sẽ giảm đi rất nhanh. Đơn cử như hệ thống điện năng lượng gió, năng lượng mặt trời, hệ thống này xây dựng trên đảo chưa được bao lâu nhưng nhiều thiết bị đã bị hỏng hóc.
Điều đáng mừng là ra thăm đảo những năm gần đây, mọi người rất phấn khởi, tự hào và an tâm được ngồi trên những chiếc xuồng hiện đại có tốc độ, độ bền và khả năng bảo đảm an toàn rất cao. Trong chuyến ra thăm quân dân huyện đảo mới đây, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khi đi trên xuồng từ tàu vào đảo đã nói: Nếu như tất cả các đảo đều được trang bị hệ thống xuồng hiện đại như thế này chắc chắn đời sống quân dân trên đảo sẽ được cải thiện đáng kể. Sau chuyến đi ấy, đồng chí đã trực tiếp kêu gọi, động viên cán bộ, nhân viên ngoại giao, người Việt Nam ở nước ngoài quyên góp ủng hộ được hơn 4 tỷ đồng đóng 1 chiếc xuồng tặng đảo. Việc làm này thật sự ý nghĩa và hết sức thiết thực.
Cơ sở hạ tầng trên đảo có được như ngày hôm nay là sự đầu tư thích đáng của Đảng, Nhà nước trong đó có một phần đóng góp không nhỏ của nhiều tập thể, cá nhân trong cả nước. Đi đầu trong phong trào "Cả nước vì Trường Sa-Trường Sa vì cả nước" là thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ trong vài năm, bà con nhân dân thành phố mang tên Bác đã đóng góp được hàng trăm tỷ đồng ủng hộ Trường Sa thân yêu.
Mới đây, khi được hỏi biển, đảo của chúng ta đang cần đóng góp những gì Chuẩn đô đốc Đinh Gia Thật, Phó chính ủy Hải quân đã khẳng định: Điều đầu tiên mà người dân có thể đóng góp chính là phải hiểu được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về chủ quyền biển, đảo để đồng tình ủng hộ các giải pháp của Đảng và Nhà nước về các vấn đề biển, đảo. Đó là sự đóng góp tạo ra một sự đồng thuận cao để có sức mạnh tổng hợp.
Về các vấn đề cụ thể cần nhân dân đóng góp, thông qua những chương trình như “Góp đá xây Trường Sa” thì rất nhiều, người dân có thể đóng góp công, của để trồng nhiều cây xanh trên đảo bảo vệ môi trường, đóng góp các phương tiện để bảo quản lương thực, máy lọc nước, máy tạo năng lượng và tất cả mọi mặt đời sống... Đây là những điều kiện sinh hoạt đời thường nhưng khi nâng cao được đời sống trên đảo thì khả năng phòng thủ của đảo cũng sẽ tăng lên rất nhiều. Người dân cả nước vì thế cũng có thể yên tâm hơn vì sự vững chắc của biển, đảo.
Vấn đề tạo nguồn nhân lực lâu dài cho Trường Sa cũng đang là một bài toán được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân hết sức quan tâm. Hiện tại, Trường Sa vẫn đang dẫn đầu phong trào "Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan, môi trường, giàu mạnh về kinh tế", điều đó chứng tỏ ngoài bản lĩnh kiên cường bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió, quân và dân Trường Sa đã khẳng định được trình độ năng lực quản lý, chỉ huy, tinh thần dám nghĩ, dám làm cũng như tinh thần hăng say học tập, rèn luyện. Tuy nhiên, về lâu dài Trường Sa cần có nhiều nguồn lực kế cận. Ngoài đội ngũ cán bộ quản lý, chỉ huy có năng lực, tinh thông nghiệp vụ, cũng cần có đội ngũ cán bộ khoa học tài giỏi tình nguyện ra với Trường Sa để làm cho đảo xa ngày càng giàu mạnh, vững chắc.
Việc cần làm ngay và làm thường xuyên, đó là "hiến kế cho Trường Sa". Trường Sa đang rất cần những bàn tay, khối óc của người dân Việt Nam. Mỗi một hành động, một công trình, sản phẩm của nhân dân đến được Trường Sa là những món quà vô cùng ý nghĩa, thể hiện tình cảm, lòng yêu Tổ quốc vô bờ.
Hiện nay, rất nhiều địa phương trong cả nước, bên cạnh việc tổ chức những hoạt động phong trào thiết thực cho Trường Sa, nhiều trường học và tổ chức đoàn thanh niên đã đi sâu vào từng lĩnh vực cụ thể, phát huy trí tuệ, công sức của tuổi trẻ vì biển, đảo. Hai phong trào “Góp đá xây Trường Sa” và “Nước ngọt cho Trường Sa” đã thu hút nhiều trí thức trẻ say mê khoa học, nghiên cứu, tìm tòi, góp phần xây dựng Trường Sa. Mới đây, đề tài sản xuất bê tông mác cao từ cát, đá san hô và nước biển do Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Thạch Anh thực hiện và một số công trình khác vừa được đưa vào ứng dụng là một trong những biểu hiện sinh động về tình yêu biển đảo...
Với tinh thần đại đoàn kết dân tộc, với lòng yêu Tổ quốc vô bờ, người dân Việt Nam dù ở đâu, làm gì cũng một lòng hướng về biển đảo. Những gì Trường Sa hôm nay đang cần sẽ được người dân Việt Nam chung tay gánh vác để xây dựng Trường Sa ngày càng giàu đẹp và vững mạnh hơn.
Bài, ảnh: Trịnh Văn Dũng
http://www.qdnd.vn/qkqd/vi-vn/110/329/truong-sa-dang-can-gi/186945.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét