Vibay

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Thủ tướng VN yêu cầu lãnh đạo Hưng Yên tường trình lại về vụ Văn Giang

29/5/12- Vụ cưỡng chế đất nông nghiệp tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên cho dự án Ecopark, với chủ đầu tư là công ty tư nhân Việt Hưng, có thêm một diễn biến mới. Ngày hôm qua, thứ Hai 28/05/2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có chỉ thị yêu cầu tỉnh Hưng Yên giải trình về vụ việc.


Hàng ngàn cảnh sát cơ động triển khai tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên gần Hà Nội để cưỡng chế đất của nông dân ngày 24/04/2012. REUTERS/Stringer

Đây là lần đầu tiên ông Nguyễn Tấn Dũng có đòi hỏi chính thức với chính quyền địa phương về vụ việc diễn ra cách đây hơn một tháng.

Vụ cưỡng chế đất tại huyện Văn Giang (Hưng Yên), ngày 24/4, với sự tham gia của khoảng 3.000 nhân viên an ninh, gây ra nhiều phản ứng phẫn nộ trong công luận trong và ngoài nước, trước việc đất đai trồng trọt, nguồn sống của hàng nghìn người bị cưỡng đoạt với giá « đền bù » rẻ mạt, bên cạnh đó là vụ hai nhà báo bị nhân viên chính quyền hành hung.

Xin nhắc lại là, trước đó, ngày 02/5, một phó chủ tịch của tỉnh Hưng Yên đã báo cáo với chính phủ về vụ cưỡng chế, trong hội nghị trực tuyến toàn quốc về việc giải quyết khiếu nại tố cáo. Tuy nhiên, báo cáo của lãnh đạo Hưng Yên đã bị dư luận chỉ trích vì nhiều điểm sai sự thật.

Để tìm hiểu về ý nghĩa của chỉ thị mới đây của Thủ tướng Việt Nam đối với vụ cưỡng chế Văn Giang, RFI đặt câu hỏi với luật sư Hà Huy Sơn (từ Hà Nội) :

Nghe:


Luật sư Hà Huy Sơn : Theo tôi, bằng kinh nghiệm thực tế trong thời gian vừa rồi, thì tôi thấy Thủ tướng cũng đưa ra nhiều chỉ đạo, nhưng tôi cũng không tin lắm. Vì trước đây đối với vụ Vinashin, Thủ tướng cũng có nhiều chỉ đạo, rồi gần đây là vụ Tiên Lãng. Bản thân tôi sau nhiều vụ như thế, nếu tôi thấy Thủ tướng có chỉ đạo gì đi chăng nữa thì tôi cũng không tin. Phải chờ xem kết quả được thực hiện đến đâu, thì mới đánh giá được.

RFI : Xin luật sư cho biết nhận xét chung về các xử lý của chính quyền đối với vụ Văn Giang ?

Luật sư Hà Huy Sơn : Cho đến nay, tôi chưa thấy có xử lý chính thức gì cả từ phía chính quyền. Thứ nhất là người Văn Giang đã kiến nghị yêu cầu Thủ tướng, chính phủ làm rõ quyết định 742 và một số công văn của Thủ tướng liên quan đến việc thu hồi đất của Văn Giang. Người ta nghi ngờ đây là một văn bản giả mạo, và đặt vấn đề có thể là các văn bản này đã được ký sai, không đúng thẩm quyền. Đến nay, tôi vẫn chưa thấy Thủ tướng hay Văn phòng chính phủ công khai minh bạch về vấn đề này.

Cái thứ hai nữa là người dân Văn Giang hiện đang có đơn khiếu nại về quyết định cưỡng chế ngày 24/4 về việc thu hồi đất, thì cũng chưa thấy chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Văn Giang trả lời.

Cho nên, để nhận xét về những việc mà chính quyền giải quyết, thì tôi cũng chưa biết là chính quyền đã giải quyết cái gì.

Theo tôi, các phản ứng của chính quyền vừa rồi đối với các khiếu nại thắc mắc của người dân thì chậm và không minh bạch. Những điều này thì pháp luật về khiếu nại tố cáo, pháp luật liên quan đến đất đai của Việt Nam, cũng quy định rất đầy đủ rồi. Nhưng chuyện mà người ta trả lời, hay thực thi trách nhiệm công vụ của người lãnh đạo, của các cơ quan nhà nước, thì tỏ ra không đúng.

Những người có thẩm quyền không thực hiện đúng, không hoàn thành trách nhiệm của mình theo luật pháp Việt Nam. Điều này dẫn tới là xã hội không còn biết tin vào đâu nữa. Và có một hiện tượng mà người ta gọi là « chìm xuồng », chẳng hạn như vấn đề Tiên Lãng, việc xử lý vụ này cho đến nay vẫn chưa thỏa mãn được mong muốn của người dân lắm.


Trong thời gian gần đây, gần nhất là ngày hôm qua, cả nghìn người dân từ khắp nơi trên cả nước, trong đó có các hộ ở Văn Giang (Hưng Yên), liên tục kéo về Hà Nội để đòi hỏi thực thi công lý đối với đất đai bị tước đoạt. Ngày 14/5, các hộ dân có đất bị cưỡng chế đã nộp đơn khiếu nại về hành vi cưỡng chế sai luật của Ủy ban Nhân dân huyện Văn Giang.

Trước đó, ngày 08/05, luật sư Trần Vũ Hải đã có kiến nghị gửi văn phòng Thủ tướng để yêu cầu giải trình về tính hợp pháp của những văn bản do Thủ tướng ban hành, liên quan việc thu hồi đất đai ở Văn Giang cho dự án Ecopark. Kiến nghị trên hiện vẫn chưa được trả lời.

Cũng ngày hôm đó, nhiều trí thức trong và ngoài nước đã gởi một bức thư ngỏ đến Viện Đại học Anh ở Việt Nam ( British University Vietnam ) và Tập đoàn Savills, là hai đối tác của dự án Ecopark ở tỉnh Hưng Yên, nhằm lưu ý về vụ cưỡng chế, được xem là « bất hợp pháp ».

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120529-thu-tuong-viet-nam-yeu-cau-lanh-dao-hung-yen-tuong-trinh-lai-ve-vu-van-giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét