11/05/12- Truyền thông Trung Quốc liên tiếp đe dọa chiến tranh với Philippines để giải quyết tranh chấp. Phải chăng một cuộc chiến giữa hai nước trên Biển Đông sẽ không thể tránh khỏi? Nhưng theo tác giả Comparativist, điều này là không thể.
Hôm thứ Tư (11/5), tờ Hoàn Cầu của Trung Quốc đã viết trong bài xã luận rằng: “Philippines cần phải được dạy một bài học về chủ nghĩa quốc gia hiếu chiến của họ.
Đối với Trung Quốc, đối đầu trên đảo Hoàng Nham là vấn đề chủ quyền. Và lúc này Manila cần phải bị đánh bại tại khu vực đó. Nếu tình trạng đối đầu leo thang thành đụng độ quân sự, cộng đồng quốc tế cũng không nên quá bất ngờ”.
Một người dùng Twitter ở Bắc Kinh đã bình luận rằng: “Bầu không khí trên Weibo (một dịch vụ tiểu blog có dạng như Twitter) cho thấy đa số đều ủng hộ biện pháp dùng vũ lực để giải quyết vấn đề Biển Đông: "Hoặc là Philippines phải chịu khuất phục hoặc là có đổ máu”.
Có thể hiểu suy luận của anh chàng này như sau: “Chính phủ Trung Quốc vốn đã ở trong một cuộc khủng hoảng niềm tin. Tỏ ra yếu đuối, đặc biệt là với một quốc gia “nhỏ bé” như Philippines về vấn đề chủ quyền, là không thể chấp nhận được”.
Trong khi đó, các nhóm hoạt động ở Philippines dự kiến sẽ tổ chức tuần hành với hàng nghìn người tham gia để phản đối Trung Quốc. Các quan chức nước này cũng nhấn mạnh cam kết Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Philippines trước bất kỳ cuộc tấn công nào của Trung Quốc.
Với tình hình như trên, có vẻ như khả năng xảy ra chiến tranh với Philippines là không thể tránh khỏi.
Nhưng theo tác giả Comparativist, nếu Trung Quốc có hành động quân sự với Philippines, nước này sẽ tự tay phá bỏ thành quả 30 năm ngoại giao đầy thận trọng của mình.
Có thể Trung Quốc đã bắn súng, hoặc tên lửa để ngăn chặn một chiếc tàu tuần tra của Philippines do sau đó chính phủ Philippines bày tỏ sẽ rút tàu trong tranh chấp trên bãi cạn Scarborough.
Nhưng đó sẽ không phải là một “cuộc chiến tranh” hay “chiến đấu”. Nếu tình hình leo thang đến mức "chiến tranh" thì nó sẽ là sự “nhấn chìm” và toàn bộ biến cố đó sẽ chỉ kéo dài chưa đầy 5 phút.
Một động thái như vậy có thể sẽ giống một vụ giết người máu lạnh và sẽ là biến cố quốc tế ngang hàng với vụ Triều Tiên bắn chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc năm 2010.
Nhưng sự khác biệt là thế giới mong đợi từ Trung Quốc khác với mong đợi từ Triều Tiên bởi lẽ Trung Quốc đã nỗ lực xây dựng hình ảnh về bản thân là một người khổng lồ “lớn mạnh một cách hòa bình”.
Bất chấp việc dư luận nội bộ Trung Quốc có thể gây sức ép lớn đến đâu, hình ảnh quốc gia trong mắt cộng đồng quốc tế có thể sẽ phải mất 1 thập kỷ để khôi phục.
Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ chẳng thu được gì. Một cuộc chiến sẽ không thể giải quyết được tranh chấp. Philippines sẽ đòi công lý và sẽ không chùn bước trước vấn đề cốt lõi của mình.
Một cuộc chiến giữa Trung Quốc và Philippines có thể sẽ khiến các nước Đông Nam Á láng giềng chuyến sang thân Mỹ hơn và hình thành nên một liên minh chống Trung Quốc.
Cuộc chiến đó cũng có thể khơi mào cho cuộc chạy đua vũ trang mà người thua cuộc sẽ là Trung Quốc. Mỹ có rất nhiều tàu chiến cũ nhưng còn hoạt động hiệu quả và nước này có thể sẽ “ủng hộ” cho những người bạn đang bị đe dọa của mình.
Nhưng kịch bản trên sẽ không thể diễn ra do sẽ không xảy ra cuộc chiến nào cả. Sẽ chẳng đạt được gì từ một cuộc chiến như vậy và sẽ mất đi mọi thứ.
Điểm cuối cùng theo tác giả Comparativist, tình hình đang diễn ra như hiện nay là bởi vì Philippines quá yếu.
Chính phủ Trung Quốc có thể đe dọa chiến tranh bằng bất kỳ hình thức nào, bằng giọng lưỡi lớn tiếng ra sao hoàn toàn tùy theo ý muốn của họ nhưng họ sẽ không mở màn cho một cuộc chiến tranh nào cả.
Điều đó giống như bắt nạt một người ngồi trên xe lăn mà bạn biết rằng họ không thể nào đấm trả được bạn vậy.
Ngược lại, nếu Trung Quốc đe dọa chiến tranh quá lớn tiếng với những nước như Việt Nam hay Nhật Bản, thì tình hình có thể sẽ trở nên nguy hiểm và vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Với cách tiếp cận khác, nhà báo Damian Grammaticas của tờ BBC bình luận rằng không giống như vụ Trần Quang Thành, vụ đối đầu giữa Philippines và Trung Quốc về bãi cạn Scarborough xuất hiện tràn ngập trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đang bị đe dọa và chính Philippines đang gây ra các rắc rối.
Phân tích của tác giả Comparativist như trên có thể là một cách giải thích cho những lời đe dọa lớn tiếng của Trung Quốc đối với Philippines. Tuy nhiên, nhà báo Grammaticas còn cho rằng có khả năng khác là Trung Quốc muốn tìm cách thu hút sự chú ý của dư luận trong nước đến tranh chấp này mà quên đi những rắc rối nội tại của chính Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc và đặc biệt là Bộ ngoại giao nước này gần đây đã bị chỉ trích gay gắt về vụ Trần Quang Thành và bê bối của Bạc Hy Lai.
Vì thế, bằng cách “khẩu chiến” và đe dọa Philippines, chính quyền Trung Quốc có thể tạo hình ảnh cứng rắn, làm phân tán sự chú ý của dư luận và tỏ vẻ có tinh thần yêu nước nhiệt tình.
Cũng theo nhà báo Grammaticas, mặc dù về cơ bản nguy cơ xảy ra chiến tranh trên Biển Đông là rất thấp, nhưng cũng có rất nhiều mối nguy tại khu vực này khi tổng thống Philippines tuyên bố rằng Philippines tin Hoa Kỳ sẽ giúp nước này tự vệ trước bất kỳ hành động khiêu chiến nào của Trung Quốc. Vì thế, một cuộc tranh chấp có thể phát triển thành tình hình hết sức nghiêm trọng.
Chính sách của Trung Quốc tại Biển Đông không phải là vấn đề đơn giản và nước cờ chính sách của nước này bị ảnh hưởng bởi rất nhiều “người chơi ” khác nhau.
LÊ DUNG
http://infonet.vn/the-gioi/tai-sao-trung-quoc-khong-the-danh-philippines-tren-bien-dong/a21094.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét