Vibay

Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

Nhân nhượng Trung Quốc trên Biển Đông là tự sát

25/5/12- Đó gần như chắc chắn là lời khẳng định từ Mỹ và các quốc gia đồng minh nhằm nhắc nhở Philippines cần phải luôn kiên quyết trước những hành động gây hấn có “hệ thống” của Trung Quốc trên Biển Đông...


Không thể nhân nhượng đối với Trung Quốc, bởi càng nhân nhượng Trung Quốc càng lấn tới...

Không để Trung Quốc tự tung tự tác, Mỹ sẽ là hậu phương lớn của ASEAN

Tại đối thoại Mỹ - ASEAN lần thứ 25 tại Manila, Philippines không thảo luận về vấn đề tranh chấp tại bãi cạn Scarborough.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario dự định sẽ trình bày vấn đề tranh chấp ở Scarborough tại cuộc họp cao cấp của đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Bộ ngoại giao Philippines nói chủ đề lần này tại hội nghị cấp cao Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc là “vai trò hòa giải của các nước thành viên”, Albert del Rosario sẽ phát biểu về các biện pháp giải quyết tranh chấp thông qua con đường hòa bình, dự báo xung đột cũng như tính chất quan trọng của việc tìm kiếm các phương pháp phù hợp với tình hình thực tế.

Theo truyền thông Philippines, nước này đang nhận được sự giúp đỡ quân sự từ nhiều nước cung cấp tàu tuần tra, tìm kiếm cứu nạn, mua sắm máy bay.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Philippines - Trung Quốc, tại Hội nghị đối thoại Mỹ - ASEAN lần này, đại diện phía Mỹ nhấn mạnh mong muốn xây dựng một bộ quy tắc hành động ở biển Đông.

Ông Joseph Yousang Yun, Phó trợ lý Giám đốc khu vực an ninh châu Á - Thái Bình Dương của Quốc hội Mỹ cho rằng, đây là ý kiến mà Mỹ đề xuất với các lãnh đạo cấp cao của ASEAN, đối với tình hình căng thẳng hiện nay ở khu vực này, điều này sẽ rất có lợi.

“Chúng tôi rất mong muốn ASEAN và Trung Quốc có thể xây dựng một bộ quy tắc ứng xử. Tôi cho rằng điều này đều có lợi cho cả hai bên”. ông này nói.

Vào đầu năm nay trong công du vài nước Đông Nam Á, ông McCain và Thượng nghị sĩ Joseph Lieberman cũng nói tới vấn đề Biển Đông. “Đang có căng thẳng gia tăng với Trung Quốc liên quan tới vấn đề Biển Đông và những vấn đề khác, nhưng chúng tôi cho rằng phương pháp tiếp cận đa phương với Trung Quốc, cũng như là việc tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và các quốc gia Asean sẽ giúp giải quyết những vấn đề này”, Thượng nghị sĩ McCain chia sẻ.

Thượng nghị sĩ Lieberman thì cho rằng các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và Mỹ rõ ràng có những mối quan ngại chung về việc Trung Quốc khẳng định chủ quyền đối với Biển Đông. “Đây là điều không chấp nhận được đối với bất cứ quốc gia nào”, Thượng nghị sĩ Lieberman khẳng định. “Ở một khía cạnh nào đó, chúng tôi là đồng minh của Philippines và nhiều quốc gia khác, vì chúng tôi không chấp nhận sự khẳng định chủ quyền của một cường quốc trên Biển Đông”.

Theo vị thượng nghị sĩ bang Connecticut, việc khẳng định chủ quyền phải thông qua biện pháp thương lượng hòa bình hoặc thông qua luật pháp quốc tế.

“Trong các cuộc thảo luận của chúng tôi với lãnh đạo các quốc gia có chung biển Đông, chúng tôi thấy họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng và vai trò lãnh đạo của khối ASEAN”, ông Lieberman nói.

Nước xa khó cứu lửa gần, Philippines tự hiện đại hóa quân đội để “kháng” Trung

Có được sự ủng hộ tích cực từ Mỹ và nhiều quốc gia khác nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc các quốc gia Asean chỉ trông đợi vào sức mạnh từ bên ngoài.

Thay vì trông chờ thụ động, các quốc gia có chung biển Đông cần chủ động cải tiến, từng bước hiện đại hóa quân đội trước tình hình mới.

Ý thức được điều này, hải quân Philippines đã rất tích cực nghiên cứu chế tạo khí tài phục vụ nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc song song với việc tìm kiếm nguồn bổ sung từ bên ngoài. Bằng chứng là mới đây, hải quân nước này đã giới thiệu một loại tàu tấn công đa dụng (Mpac) mới do chính quốc đảo Đông Nam Á tự chế tạo, trong dự án hiện đại hóa hệ thống phòng vệ lãnh thổ kéo dài 5 năm.

Mpac được thiết kế phục vụ việc triển khai binh sĩ nhanh chóng trong các chiến dịch đặc biệt. Tầu này được trang bị các súng máy M-60 và có thể mang theo tối đa 21 lính được vũ trang đầy đủ.

Lớp vỏ của Mpac được làm bằng nhôm hàn kín. Chiếc tàu tấn công phản lực mớn nước nhẹ này có thể hoạt động tại các vùng nước nông, đồng thời có thể tiến hành những cuộc điều động và vây ráp bất ngờ. Nó cũng có thể hỗ trợ việc đổ quân lên những bờ biển ở các điều kiện khác nhau. Vận tốc tối đa mà Mpac đạt được là 35 hải lý/giờ. Nó có thể được triển khai tại bất cứ nơi đâu ở Philippines.


Philippines hy vọng với loại tầu mới tự sản xuất trong nước sẽ góp phần cải thiện sức mạnh hải quân của quốc gia này

Theo thiết kế Mpac có khá nhiều điểm tương đồng với loại tầu tuần duyên hạng nhẹ của Mỹ có tên sói biển Riverine CB. Cho dù không được đánh giá cao bằng “người anh em” bên Mỹ, nhưng rõ ràng loại tầu mới của Philippines có thể “tự tin” đối đầu với đội tầu hải giám, ngư chính của Trung Quốc.

Cùng ra mắt với Mpac là hai chiếc tàu chống thảm họa đa dụng (MPDR). Hai tàu này là dạng tàu đổ bộ có thể hoạt động cả trên bộ và dưới nước, với sức chứa tối đa là 20 người. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Voltaire Gazmin tiếp tục cam đoan rằng quân đội nước này cam kết đẩy nhanh việc mua mới các khí tài hiện đại. Đây là một phần trong dự án hiện đại hóa hệ thống phòng vệ lãnh thổ kéo dài 5 năm của quốc đảo Đông Nam Á.

Trước mắt, hải quân Philippines sẽ được trang bị khoảng 6 chiến tầu loại này để đưa ra biển Đông trực tiếp phối hợp với số tầu hiện có để bảo vệ chủ quyền lãnh hải của quốc gia này.

Về lâu dài hải quân Philippines sẽ tiếp tục đặt mua một số tàu khu trực, 5 trực thăng hải quân, tiếp tục mở rộng hệ thống theo dõi bờ biển và các dự án nâng cấp năng lực bảo vệ biển đảo. Những động thái trên của Philippines chứng tỏ quốc gia này sẽ kiến quyết “kháng” Trung đến cùng.

http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=399237

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét