Vibay

Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

Điều gì gây xung đột ở biển Đông?

Ba Sàm- 07/05/12 Tác giả: Bhaskar Roy, Người dịch: Dương Lệ Chi, 01-05-2012

Hầu như trọn tháng 4 là cuộc tranh chấp trên biển Đông ở các khu vực thuộc quần đảo Trường Sa giữa Trung Quốc và Philippines đã leo thang tới mức độ chưa từng thấy.

Quần đảo Trường Sa có hơn 550 rạn san hô, các bãi cạn, đảo nhỏ và bãi đá ngập nước, chứa một lượng dầu khí lớn nhất thế giới, đang có 5 quốc gia ven biển đòi chủ quyền.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền biển đảo trong toàn bộ khu vực, trong khi các nước khác chỉ tuyên bố một phần. Trung Quốc đánh giá lượng dầu ở đó có thể cung cấp nhiên liệu mà họ cần trong 60 năm.

Lý do rõ ràng nhất nằm ở đây. Một đất nước đói năng lượng, nhập khẩu dầu khí của Trung Quốc đang gia tăng với tốc độ chóng mặt nhằm hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Hiện Trung Quốc nhập khẩu hơn 60% nhu cầu năng lượng, chủ yếu từ vùng Vịnh, Iran và một số nước châu Phi. Các nước có liên quan khác cũng có nhu cầu tương tự.

Biển Đông (nguyên văn: Biển Hoa Nam) có tầm quan trọng chiến lược then chốt. Đây là tuyến đường biển thương mại bận rộn nhất trong khu vực. Là trung tâm hoạt động kinh tế toàn cầu, nếu đóng các tuyến đường biển thì nền kinh tế có thể thất bại và cũng sẽ ảnh hưởng đến châu Âu và Mỹ. Vì vậy, việc đòi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông quả là mối quan ngại lớn.

Tại hội nghị ASEAN ở Hà Nội hồi tháng 7 năm 2010, các quan chức Trung Quốc đã đề nghị bà Hillary Clinton, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, rằng Mỹ chấp nhận Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Điều này có nghĩa là Trung Quốc có thể sử dụng sức mạnh quân sự một cách hợp pháp để thực thi chủ quyền trên toàn bộ vùng biển và kiểm soát lưu thông trên biển. Ngoại trưởng Clinton đã bác bỏ điều đó và nói rằng lập trường trung lập về biển là mối quan tâm quốc gia của Mỹ.

Chủ quyền trên biển Đông thực chất là mắc xích trong chiến lược biển đảo nhằm chi phối khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền trên các đảo Điếu Ngư (Senkaku), và đã đụng độ với các tàu của Nhật trong khu vực. Những hòn đảo trên biển Hoa Đông này do Nhật Bản kiểm soát. Chủ quyền trên đảo Điếu Ngư sẽ cho phép kiểm soát toàn bộ vòng cung ở bờ biển phía đông Trung Quốc và thậm chí mở rộng đến chuỗi đảo thứ hai. Dĩ nhiên, điều này gồm cả Đài Loan, mặc dù vấn đề này còn phức tạp hơn nhiều.

Năm ngoái, một tàu đánh cá Trung Quốc đâm vào một tàu khảo sát Việt Nam phá hủy cáp thăm dò. Xung đột giữa Trung Quốc và Philippines xảy ra gần đây, khi máy bay tuần tra của Philippines phát hiện tàu đánh cá của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough hôm 8 tháng 4. Tàu Philippines đã được gửi tới để ngăn cản các tàu Trung Quốc đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng biển Philippines, nhưng các tàu Trung Quốc đã tới để can thiệp. Sau khi xung đột kéo dài, cả hai bên đều rút lui.

Philippines tuyên bố chủ quyền trên bãi cạn Scarborough. Nước này đã xây ngọn hải đăng trên đó. Nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố bãi cạn này là của họ, mặc dù nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Sự việc này càng trầm trọng hơn khi Mỹ và Philippines tập trận quân sự giữa tháng 4, gồm có bài tập lấy lại đảo bị lực lượng đối phương chiếm đóng. Hoa Kỳ và Philippines có một thỏa thuận quân sự, và hai bên đang đàm phán về việc nâng cao quan hệ đồng minh này hơn nữa, vạch ra các điều kiện rõ ràng như khi nào thì Hoa Kỳ có thể can thiệp quân sự, bảo vệ Manila.

Trung Quốc cũng chú ý tới mối quan hệ quân sự mới, đang phát triển giữa Mỹ và Việt Nam, hai nước này là kẻ thù cũ, dường như đang bắt tay với nhau để đối phó với Trung Quốc. Cuộc tập trận hải quân gần đây giữa hai nước đã làm Bắc Kinh vô cùng bối rối. Việt Nam và Trung Quốc có nhiều tranh chấp lãnh thổ lớn, không chỉ liên quan đến quần đảo Trường Sa, mà còn ở quần đảo Hoàng Sa, đã bị Trung Quốc chiếm đóng khi Mỹ rút khỏi Việt Nam. Mỹ có thể ngăn chặn điều này, nhưng mối quan tâm chiến lược lúc đó đã khác.

Trung Quốc đã phản ứng mạnh, chống lại cuộc tập trận quân sự giữa Mỹ và Philippines trên các báo có thẩm quyền viết về quân sự ở Trung Quốc, tờ Nhật báo Quân đội Giải phóng (LAD) hôm 21 tháng 4 đã cảnh báo rằng, tập trận quân sự đã thổi bùng nguy cơ đối đầu vũ trang về tranh chấp ở biển Đông. Hoàn Cầu Thời báo và Nhân dân Nhật báo hôm 26 tháng 4 cũng cảnh báo rằng, sẽ sai lầm nếu nghĩ Trung Quốc không dám trả đũa (quân sự) trước Đại hội Đảng lần thứ 18 vào tháng 10 năm nay.

Báo China Daily bằng tiếng Anh, hôm 26 tháng 4 cũng giữ sự lựa chọn quân sự, nhưng Thứ trưởng Ngoại giao Thôi Thiên Khải sẽ giải thích lập trường của Trung Quốc với Mỹ trong Đối thoại Chiến lược và Kinh tế, diễn ra vào ngày 3 và 4 tháng 5 tại Bắc Kinh. Thiếu tướng La Nguyên (Luo Yuan), người nổi tiếng cứng rắn, hôm 27 tháng 4 đã nói thẳng rằng, Trung Quốc sẽ không ngần ngại sử dụng hành động quân sự nếu Philippines sử dụng các phương tiện quân sự để ngăn cản quyền của họ. Tuyên bố của ông ta trên China.org.cn, có thể không phải là quan điểm của Bắc Kinh, nhưng nó phản ánh một tư duy quân sự.

Một điểm cần lưu ý ở đây là lập trường hiếu chiến đó do Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) dẫn đầu, tiếp theo là các cơ quan truyền thông chính trị, nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc đang cố gắng làm dịu tình hình. Các tin tức gần đây cho thấy, tiếng nói của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc lấn át cả tiếng nói của Bộ Ngoại giao, nơi quan tâm đến các vấn đề lãnh thổ và chiến lược. Chuyên gia quân sự phương Tây nghiên cứu về Trung Quốc như ông Richard D. Fisher đã chỉ ra rằng, sự phô trương tên lửa đạn đạo “KN-08″ gắn trên xe phóng 16 bánh (TEL) của Bắc Triều Tiên hôm 15 tháng 4, có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nó được xác định là sản phẩm của Tập đoàn Công nghệ Khoa học Vũ trụ Trung Quốc (CASIC), hay Tập đoàn Sanjiang Space Wanshan Special Vehicle.

Một báo cáo gần đây của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) về việc phát triển của Trung Quốc, chỉ ra tường tận các chứng cứ về sự phát triển quân sự của Trung Quốc tới Bắc Triều Tiên, Pakistan và Iran.

Sự kiện chính trị gần đây liên quan đến ông Bạc Hy Lai, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Trùng Khánh cho thấy mọi thứ không được trôi chảy ở Trung Quốc. Trong khi ông Bạc và vợ ông là bà Cốc Khai Lai bị bắt để điều tra không những tội tham nhũng và giết người, mà còn có kế hoạch lật đổ các lãnh đạo hàng đầu. Ảnh hưởng của Bạc thậm chí lan khắp quân đội, điều mà các nhà chức trách đang cố gắng kiểm soát.

Ông Bạc đã bị loại khỏi mọi chức vụ, nhưng phải mất thời gian để thấy, ông đã được che chở ở những nơi quan trọng. Không lẽ chỉ có một mình ông Bạc Hy Lai ở nước này thôi sao? Hay còn có nhiều ông như ông Bạc nhưng kém quyền hơn ông ta?

Một bài báo điều tra của ông John Garnaut đăng trên Tạp chí Foreign Policy ngày 12 tháng 4 đã tiết lộ các sự kiện tham nhũng gây sốc, mối quan hệ ma quỷ, và những mưu chước của các chính trị gia ở các cấp độ cao hơn trong quân đội. Vì vậy, hoàn toàn có khả năng các cấp cao trong quân đội Trung Quốc đe dọa trật tự phát triển chính trị. Các giao dịch vũ khí thì sinh lợi và các tác động là có thật. Có lẽ đó là một trong những lý do mà giới lãnh đạo chính trị, đứng đầu là Hồ Cẩm Đào bị buộc hỗ trợ chế độ Bắc Triều Tiên và bỏ qua tất cả các sự vi phạm của họ và đe dọa các nước láng giềng.

Sau Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, không có nhà lãnh đạo chính trị nào có đủ uy tín để kiểm soát Quân đội Trung Quốc. Giang Trạch Dân về cơ bản đã mua chuộc các lãnh đạo quân đội Trung Quốc bằng cách hào phóng cho thăng chức, càng về cuối nhiệm kỳ, ông đã đạt được một số quyền kiểm soát. Nhưng bằng cách giữ chức chủ tịch Quân ủy Trung ương hai năm sau khi nghỉ hưu khỏi các chức vụ chính trị, ông ta đã làm suy yếu người kế vị mình, ông Hồ Cẩm Đào.

Những tay diều hâu ở Trung Quốc, đặc biệt là trong các nhóm chiến lược và quân đội, đã vứt bỏ câu châm ngôn của Đặng Tiểu Bình “ẩn mình chờ thời”. Nhấn mạnh rằng Trung Quốc bây giờ đã đủ mạnh cả về kinh tế lẫn quân sự đủ để thách thức các nước trong khu vực và trên toàn cầu. Trong khi yếu hơn so với Mỹ, sự tấn công của họ là để phủ nhận sự tham gia của Mỹ trong khu vực.

Họ xem Hoa Kỳ là kẻ phá hoại chính trong sự thống trị của Trung Quốc trong khu vực. Sự chuyển hướng mới của Hoa Kỳ sang châu Á do Tổng thống Barack Obama đề ra vào tháng 1 năm nay, đã gây xáo trộn quan điểm chiến lược quân sự của Bắc Kinh. Có thể lưu ý rằng, hồi cuối năm ngoái, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã thành lập Cục Quy hoạch Chiến lược (SPD) sẽ tương tác với các bộ dân sự để thống nhất chính sách. Đây là một sự phát triển nguy hiểm.

Quân đội hỗ trợ cách tiếp cận trong các tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông và điều đó đối với Nhật Bản, có thể gây tốn kém nhiều cho Trung Quốc. Điều này đã thúc đẩy Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc xem lại đánh giá của họ về mối đe dọa Trung Quốc. Trung Quốc đã hối thúc ASEAN cân nhắc cách tiếp cận đa phương về các vấn đề lãnh thổ với Trung Quốc.

Tiếc thay, chính Trung Quốc đã tạo ra những thách thức này cho chính họ. Khó có thể thay đổi trật tự hiện có bằng súng ống. Chúng ta hãy chờ xem lãnh đạo sắp tới, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường giành lại quyền hành thực sự trong Đảng thế nào.

Hải quân Trung Quốc đang tăng cường tuần tra trên biển Đông. Họ sẽ xuất bản một bản đồ mới về biển, để tiếp tục củng cố thêm các tuyên bố chủ quyền của họ, do bản đồ với đường chín đoạn hiện tại cho thấy không có đủ lý lẽ từ chính các chuyên gia Trung Quốc, và quân đội Trung Quốc có khả năng chọn cuộc tấn công ngắn chống lại Philippines và làm suy yếu nước này. Sau khi nghiên cứu cuộc chiến Falkland, cuộc không kích của Israel vào cơ sở hạt nhân Osirak của I-rắc, và cuộc tấn công đầu tiên vào I-rắc, các nhà chiến lược quân sự Trung Quốc đã kết luận rằng, một cuộc chiến tranh quyết định và thần tốc có thể tránh sự can thiệp của quốc tế.

Nguồn: SAAG ( http://www.southasiaanalysis.org/%5Cpapers51%5Cpaper5025.html )

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012

http://anhbasam.wordpress.com/2012/05/07/dieu-gi-gay-xung-dot-o-bien-dong/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét