Vibay

Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

Giải mã những tín hiệu Mỹ gửi đến Biển Đông

07/05/12- Trong cuộc đối đấu mới nhất giữa Philippine và Trung Quốc ở Biển Đông, thay vì tập trung sự chú ý vào hai nhân vật chính này, dư luận thế giới lại đổ dồn con mắt về phía Mỹ.

Rõ ràng, trong 4 tuần qua, Mỹ đã trở thành một tác nhân lớn khiến Biển Đông thêm sóng to gió lớn. Để đương đầu với nước láng giềng khổng lồ, Philippine đã phải tìm đến nước đồng minh thân thiết Mỹ cũng là siêu cường số 1 thế giới. Và sự cầu cứu của Philippine đã được Mỹ đáp ứng bằng những “tín hiệu” khó hiểu và đầy mâu thuẫn.

Ngay sau khi xảy ra vụ va chạm tàu thuyền giữa Trung Quốc và Philippine hôm 8/4, lần đầu tiên, người ta thấy một vị tướng cấp cao của Mỹ công khai tuyên bố sẽ bảo vệ Philippine trong tranh chấp Biển Đông. Cũng lần đầu tiên, Mỹ và Philippine “chọn” đúng thời điểm căng thẳng Biển Đông leo thang để tiến hành một cuộc tập trận hải quân chung với những bài tập khiến Bắc Kinh phải “giật mình” như diễn tập tái chiếm lại đảo, tái chiếm lại dàn khoan.

Những phản ứng ban đầu nói trên của Mỹ khiến người ta tin rằng Washington lần này đã không ngại đối đầu trực diện với Bắc Kinh và nước này sẽ can thiệp sâu hơn, trực tiếp vào tranh chấp lãnh hải giữa Manial và Bắc Kinh ở Biển Đông.

Tuy nhiên, sau cuộc đối thoại “2+2” lần đầu tiên giữa quan chức ngoại giao và quốc phòng hàng đầu của Mỹ và Philippine hồi đầu tuần này, Washington lại khiến mọi người bất ngờ khi tuyên bố sẽ giữ lập trường “trung lập”, không đứng vào bất kỳ nào trong các cuộc tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông.

Tuyên bố trên của Mỹ có vẻ như mâu thuẫn hoàn toàn với những lời nói và động thái trước đó của các quan chức nước này. Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao Mỹ lại thay đổi chóng mặt như vậy chỉ trong một thời gian ngắn chưa một vài tuần? Tại sao Mỹ lại có phản ứng khó hiểu như vậy? Liệu có phải Washington đã thay đổi lập trường trong vấn đề Biển Đông vì chịu một sức ép nào đó?

Sự khó hiểu của Mỹ tiếp tục tăng lên khi vừa tuyên bố đứng trung lập trong các tranh chấp Biển Đông Mỹ lại ngay lập tức tái khẳng định cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc hiệp ước phòng thủ chung mà nước này đã ký kết với Philippine năm 1951. Theo Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Philippine (MDT), hai nước này phải có nghĩa vụ bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công xâm lược từ nước thứ ba. Điều này có nghĩa, nếu xảy ra kịch bản xấu nhất là một cuộc chiến tranh giữa Philippine và Trung Quốc, chắc chắn Mỹ sẽ không đứng yên nhìn.

Mỹ cũng tuyên bố sẽ đảm bảo sự tự do hàng hải ở Biển Đông. "Trong khi chúng tôi không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông thì với tư cách là một cường quốc Thái Bình Dương chúng tôi có lợi ích quốc gia trong việc duy trì tự do hàng hải, hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như sự tôn trọng luật quốc tế”, Ngoại trưởng Hillary Clinton nhấn mạnh.

Ngoài cam kết bảo vệ Philippine và duy trì sự tự do hàng hải, Mỹ còn tuyên bố sẽ giúp củng cố sức mạnh Hải quân cho Philippine để nước này có được khả năng phòng thủ đáng tin cậy ở mức tối thiểu. Nói là làm, ngay sau đó Mỹ tuyên bố sẽ sớm giao cho Philippine tàu chiến thứ hai trong năm nay và tăng viện trợ quân sự cho Manila trong năm nay lên gần gấp 3 lần so với năm ngoái.

Vậy chỉ là trong vỏn vẹn chưa đầy 4 tuần, Washington lúc thì thể hiện sẽ can thiệp vào các tranh chấp ở Biển Đông lúc lại tuyên bố sẽ đứng trung lập. Tuy nhiên, trong khi tuyên bố đứng trung lập trong các tranh chấp Biển Đông thì hành động của Mỹ lại có vẻ không nhất quán lắm với lời nói của họ.

Thực ra, lập trường của Mỹ không hề thay đổi và phản ứng của Mỹ bề ngoài có vẻ khó hiểu nhưng hóa ra lại dễ lý giải. Những hành động và lời nói của các quan chức Washington trong thời gian vừa qua đều ngầm ý cho thấy, họ sẽ can thiệp một cách gián tiếp vào cuộc tranh chấp Biển Đông để bảo vệ lợi ích của chính họ và cũng là để kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ sẽ kiềm chế không có hành động quân sự nào trong khu vực trừ khi nước đồng minh Philippine của họ bị tấn công.

Mỹ không muốn làm Bắc Kinh nổi giận bằng cách thể hiện một cách lộ liễu ý muốn can thiệp vào tình hình Biển Đông bởi nói gì thì nói Trung Quốc đang là một đối tác quan trọng của Mỹ. Ngoài lợi ích về kinh tế, Washington còn cần đến sự ủng hộ của Bắc Kinh trong nhiều vấn đề quốc tế quan trọng như Iran, Triều Tiên, Syria... Vì vậy, Washington hiểu rằng họ cần phải có cách xử lý khéo léo vấn đề Biển Đông. Để đảm bảo lợi ích của mình, một mặt, Mỹ phải làm an lòng các nước đồng minh của họ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Mặt khác, nước này cũng phải tránh làm Trung Quốc bực tức nhưng vẫn không quên để lại một vài “dấu hiệu” mang tính răn đe đối với cường quốc lớn nhất Châu Á.

http://www.vnmedia.vn/VN/quoc-te/nhan-dinh/8_291409/giai_ma_nhung_tin_hieu_my_gui_den_bien_dong.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét