20/5/12- Trong bài “Chiến lược việc đã rồi của Trung Quốc”, báo Pháp Le Monde đặt câu hỏi liệu cái lý của kẻ mạnh có chiếm ưu thế tại Biển Đông?
(ĐVO) Thông tín viên Brice Pedroletti của Le Monde nhắc lại hai tuyên bố của các lãnh đạo Bắc Kinh. Một là vào năm 1988, khi Tổng thống Corazon Aquino nói rằng về mặt địa lý, Philippines gần Trường Sa hơn, Đặng Tiểu Bình đã ngay lập tức trả đòn: “Về mặt địa lý, Philippines cũng không xa Trung Quốc bao nhiêu!”. Hai là tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì tại diễn đàn khu vực ASEAN ở Hà Nội năm 2010: “Trung Quốc là một nước lớn, còn các nước khác là nước nhỏ. Đó là một thực tế!”.
Vụ đối đầu với Philippines tại bãi Scarborough kéo dài từ đầu tháng Tư đến nay cho thấy chiến lược của Trung Quốc. Theo nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan, Bắc Kinh có vẻ chưa muốn thay đổi nguyên trạng, nhưng lại tìm cách chiếm lấy các vùng biển xung quanh. Còn một chuyên gia nước ngoài về hải quân tại Bắc Kinh cho rằng, Trung Quốc sử dụng chiến lược “đặt người khác trước việc đã rồi”. Trung Quốc không sử dụng hải quân để can thiệp vào các vụ tranh chấp, mà sử dụng các lực lượng bán quân sự.
Báo Le Monde cho biết, các lực lượng này thuộc 5 cơ quan, trong đó có hai lực lượng hiện đại nhất, hay can thiệp thường xuyên vào Biển Đông nhất là lực lượng Hải giám (CMS) trực thuộc Quốc gia Hải dương cục dưới quyền Bộ Đất đai và Tài nguyên và cơ quan Kiểm ngư thuộc Bộ Nông nghiệp. Ba lực lượng còn lại là hải quan, tuần duyên và an ninh hàng hải. Hiện, bốn chiếc tàu của Hải giám đang bảo vệ cho ngư dân Trung Quốc tại Scarborough, chiếc tàu tuần tra Ngư Chính 310 hiện đại nhất của Kiểm ngư cũng đang có mặt tại đó.
Theo tổ chức phi chính phủ International Crisis Group, việc tăng cường sử dụng các lực lượng bán quân sự và cảnh sát trong tranh chấp chủ quyền làm tăng nguy cơ đụng độ. Hải quân thường biết kìm chế hơn, trong khi các lực lượng bán quân sự thường hành động táo bạo vì ít liên quan đến hậu quả. Tuy chiến lược này giúp chính quyền trung ương có thể gián tiếp tiến công và dễ dàng rũ bỏ trách nhiệm, nhưng nhược điểm nó là khó phối hợp chỉ huy các lực lượng vẫn thường hay ganh đua với nhau.
Bên cạnh đó, các tàu cá Trung Quốc cũng được tung ra khắp nơi. Những chương trình tài trợ rộng rãi của các tỉnh duyên hải đã kích thích đội tàu hiện đại hóa, đi đánh bắt ngày càng xa hơn, đè bẹp các nước láng giềng. Le Monde nêu việc tàu công xưởng Hải Nam Bảo Sa 001 trọng tải 32.000 tấn với 600 công nhân được triển khai tại Biển Đông.
Nhắc đến các cuộc xung đột nghiêm trọng về lãnh hải giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, Le Monde nêu ra việc Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974 và tìm cách vô hiệu hóa mọi ý định thành lập một mặt trận thống nhất ASEAN.
Một chuyên gia về hải quân nhận định Bắc Kinh tìm mọi cách để giải quyết tranh chấp song phương, bác bỏ mọi khả năng đưa ra trước các định chế đa phương và luôn dựa vào cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc. Tuy phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1996, nhưng sau đó Bắc Kinh lại thông qua một đạo luật không cho công ước này “ảnh hưởng đến các quyền lịch sử của Trung Quốc”.
Le Monde đặt câu hỏi liệu có khả năng xảy ra sự cố nghiêm trọng tại Biển Đông? Tuy cứng rắn, nhưng Bắc Kinh cũng phải thận trọng và thực dụng. Vả lại, Trung Quốc cũng không muốn xảy ra lộn xộn trước thời điểm đại hội Đảng lần thứ 18 vào tháng 10 tới.
http://baodatviet.vn/Home/thegioi/Cai-ly-cua-ke-manh-o-Bien-Dong/20125/210910.datviet
chân lý luôn thuộc về kẻ mạnh
Trả lờiXóaDù biết thiên tai sẽ gây ra thảm họa cho nhân loại, nhưng tôi vẫn mong thiên tai động đất, mưa đá, sóng thần... sẽ thường xảy ra tại các khu vực quân sự của trung quốc. Cuốn trôi tất cả những thứ xấu xa của kẻ to thây, lớn xác mà xấu tính
Trả lờiXóa