26/5/12- Những diễn biến trong mấy tuần gần đây có ảnh hưởng đến liên minh chiến lược Trung - Triều vốn đã được thử thách qua thời gian, chiến tranh và cách mạng?
Tân Hoa Xã đưa tin Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 20/5 thông báo đã trả tự do cho tất cả 29 ngư dân Trung Quốc cũng như 3 tàu cá của họ. Trước đó, cũng theo Tân Hoa Xã, 29 ngư dân trên 3 tàu cá của Trung Quốc đã bị một nhóm người có vũ trang của Triều Tiên bắt giữ ngà 8/5, khi đang đánh bắt cá tại vùng biển giữa hai nước. Bắc Kinh đã duy trì "liên lạc chặt chẽ" với Bình Nhưỡng để giải quyết vụ việc này.
Theo chuyên gia về Bán đảo Triều Tiên Leonid Petrov của Đại học Sydney, vụ việc người Triều Tiên bắt giữ tàu cá Trung Quốc ở Hoàng Hải được Bắc Kinh coi là một sự cố cá biệt chỉ liên quan đến đánh bắt cá. Thế nhưng, việc những tên “cướp biển” mặc đồng phục màu xanh, thạo tiếng Trung Quốc phổ thông và đi trên thuyền cao tốc được trang bị động cơ Nga... cho thấy vụ bắt cóc này có thể là phản ứng trước việc Bắc Kinh chỉ trích Bình Nhưỡng phóng tên lửa mang vệ tinh và lên kế hoạch tiến hành một vụ thử hạt nhân nữa.
Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin giấu tên nói các cuộc thảo luận kín giữa Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên (Triều Tiên) cho biết Bắc Kinh đang kín đáo gây sức ép để Bình Nhưỡng từ bỏ kế hoạch thử hạt nhân lần thứ ba. Nguồn tin giấu tên này cho biết: “Trung Quốc không hài lòng... và yêu cầu Bắc Triều Tiên không tiến hành thử hạt nhân gần núi Trường Bạch. Trung Quốc cũng phàn nàn về ảnh hưởng đối với môi trường trong khu vực sau hai vụ thử đầu tiên”. Hiện chưa rõ liệu Bình Nhưỡng, vốn thường không chịu nhượng bộ trước sức ép bên ngoài, có tiếp tục kế hoạch thử hạt nhân. Theo đài KBS, Triều Tiên đã tiêu tốn 2 tỷ USD để xây dựng cơ sở hạt nhân, 2,72 tỷ USD để vận hành và 1,34 tỷ USD để sản xuất vũ khí hạt nhân.
Vụ việc bắt tàu cá Trung Quốc, diễn ra sau khi Bắc Kinh chỉ trích vụ phóng tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng và bày tỏ lo ngại về việc Triều Tiên lên kế hoạch thử vũ khí hạt nhân.
Giới phân tích đặt câu hỏi: Liệu đây có phải là một vụ cướp biển thực sự hay chỉ là phản ứng được tính toán của ban lãnh đạo ở Bình Nhưỡng?
Những người Bắc Triều Tiên đào tẩu thạo tin về hệ thống bảo vệ biên giới biển của Triều Tiên khẳng định rằng ba tàu đánh cá của Trung Quốc đã bị các lực lượng của Tổng cục trinh sát bắt giữ. Nhân viên của tổng cục này thường sử dụng tàu cao tốc của Căn cứ Biển Tây số 2 ở Nampo và bí mật thâm nhập vùng biển quốc tế để tiến hành các nhiệm vụ đặc biệt. Những tàu cao tốc nói trên được ngụy trang giống tàu đánh cá, nhưng được trang bị bốn động cơ M-400 do Nga chế tạo. Các căn cứ hải quân của Tổng cục trinh sát Triều Tiên cũng thường được sử dụng để tiến hành các hoạt động chống Hàn Quốc ở cả biển Đông lẫn biển Tây.
Những tin tức ban đầu về vụ việc này cho thấy những kẻ bắt cóc mặc đồng phục màu xanh, đội mũ và có cả một số người nói thạo tiếng Trung Quốc. Các nhân viên của Tổng cục trinh sát Triều Tiên rất thông thạo ngoại ngữ. Một trong những tiêu chuẩn để làm việc tại Căn cứ biển Đông số 1 của tổng cục này là phải thông thạo tiếng Nhật.
Liệu tổng cục của trinh sát này bắt giữ tàu cá Trung Quốc chỉ đơn giản là để kiếm tiền hay phát đi một thông điệp bày tỏ sự bất mãn?
Bắt giữ công dân nước ngoài và tài sản của họ sẽ tạo ra những rắc rối không tránh khỏi về ngoại giao và không được phép tiến hành, nếu không có sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền. Kỷ luật quân đội Triều Tiên là rất nghiêm ngặt và được giám sát kỹ càng.
Thời gian xảy ra sự cố (từ ngày 8 đến ngày 21/5) xem ra cũng hỗ trợ giả thuyết này. Nó trùng hợp với các cuộc tập trận Mỹ-Hàn Quốc mang tên “Thunder Max”, diễn ra từ ngày 7 đến ngày 18/5.
Cho đến nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn coi đó là một “vụ việc cá biệt liên quan đến đánh bắt cá” và tiến hành điều tra các các băng nhóm tội phạm ở trong nước. Rõ ràng, Bắc Kinh đang cố gắng hạ thấp mức độ nghiêm trọng của vụ việc và tránh đối đầu với nước đồng minh chiến lược của họ trong khu vực. Tất cả các dấu hiệu cho thấy rằng sự cố này sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ Trung-Triều. Giữa lúc Trung Quốc tìm mọi cách để giữ nguyên hiện trạng trên Bán đảo Triều Tiên, một sự cố nhỏ như vụ bắt cóc tàu cá này sẽ không khiến cho Bắc Kinh ngừng hỗ trợ Triều Tiên.
Năm nay, Bình Nhưỡng tuyên bố CHDCND Triều Tiên đã đạt được mục tiêu trở thành một quốc gia hùng cường và thịnh vượng. Tuy nhiên, thực trạng thương mại qua biên giới và hợp tác với Trung Quốc lại cho thấy tình hình ở miền Bắc Triều Tiên đang xấu đi và Bình Nhưỡng đang tận dụng mọi cơ hội để các cơ quan chính phủ kiếm được tiền mặt, hàng hoá tối cần thiết. Đáp lại hai vụ thử hạt nhân và vụ phóng tên lửa đạn đạo gần đây, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã ban hành lệnh cấm hàng hóa xa xỉ đối với Triều Tiên. Hầu như tất cả số hàng xa xỉ được nhập khẩu (thuốc lá, mỹ phẩm, xe hơi, đồng hồ và máy tính) đến Bắc Triều Tiên đều đi qua Trung Quốc.
http://baodatviet.vn/Home/thegioi/Dang-sau-vu-bat-giu-tau-ca-Trung-Quoc-o-Hoang-Hai/20125/212884.datviet
thang tau khua voi thang trieu tien dang dien tro lua thien ha day ma!
Trả lờiXóa