Vibay

Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

Việt Nam kéo Nga vào khoan dầu Biển Ðông

15/4/12- Việt Nam đưa một công ty dầu khí của Nga vào khai thác dầu khí ở Biển Ðông, và khác với những lần trước, Bắc Kinh phản ứng nhẹ hơn hẳn.

Một dàn khoan của công ty khí đốt quốc doanh Nga Gazprom tại dự án ở đảo Sakhalin, Bắc Thái Bình Dương. (Hình: Gazprom)
Một dàn khoan của công ty khí đốt quốc doanh Nga Gazprom tại dự án ở đảo Sakhalin, Bắc Thái Bình Dương. (Hình: Gazprom)


Trước đây, các công ty Mỹ, Nhật, Ấn hay Anh hợp tác với Việt Nam dò tìm và khai thác dầu khí trên Biển Ðông cũng đều bị áp lực dữ dội của Trung Quốc.

Ngày 5 tháng 4, công ty dầu khí Gazprom của Nga loan tin đã ký với hãng dầu khí Petro Vietnam hợp đồng để mua lại 49% cổ phần các mỏ khí đốt và khí hóa lỏng nằm trong hai lô 5-2 và 5-3 thuộc bồn trũng Nam Côn Sơn thềm lục địa Việt Nam.

Hai mỏ khí Mộc Tinh (5-2) và Hải Thạch (5-3) đã được liên doanh của BP tìm thấy trữ lượng khí đốt và khí hóa lỏng rất lớn từ năm 2007, ước lượng khoảng 55.6 tỉ m3 khí đốt và 25.1 tỉ m3 khí hóa lỏng. Tuy nhiên, sau nhiều áp lực từ Bắc Kinh, BP đã rút lui sau khi đã cùng với công ty ConocoPhillips của Mỹ và công ty Idemitsu của Nhật cam kết đầu tư $2 tỉ USD vào các dự án vừa kể.

Tin tức được Wikileaks tiết lộ cho biết khi bỏ chạy, BP đã lỗ mất $200 triệu. Việt Nam nhận lại hai mỏ Mộc Tinh và Hải Thạch nhưng cũng không khai thác vì bị nằm ngay chỗ Trung Quốc gọi là biển của họ, với đường “lưỡi bò” nhiều tranh chấp.

Nay, chèo kéo được công ty Nga, Hà Nội hy vọng có thể có chỗ tựa khá hơn.

Năm 2008, khi xảy ra chuyện Bắc Kinh đe dọa ExxonMobil phải từ bỏ các hợp đồng dò tìm dầu khí ký với Việt Nam, một số nhà ngoại giao Nga đã hỏi dò các nhà ngoại giao Mỹ ở Hà Nội về vụ việc và cho biết các công ty dầu khí của Nga hoạt động rất quy mô tại Việt Nam không thấy bị ảnh hưởng, Wikileaks tiết lộ.

Tuần trước, khi hay tin Gazprom ký hợp đồng với Petro Vietnam, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc loan báo có phản đối với Moscow một cách nhẹ nhàng. Những tờ như Nhân Dân Nhật Báo hay Hoàn Cầu Thời Báo thường có những bài viết đe dọa hung hãn Việt Nam, Philippines, Ấn Ðộ đều chỉ viết những lời rất lịch sự kiểu khuyên can đừng chen vào vùng tranh chấp chủ quyền của nước khác làm gì. Tuyệt nhiên không có những lời đe dọa như “chuẩn bị tinh thần nghe tiếng đại bác” hoặc “cho một bài học” hay “đừng đùa với lửa.”

“Chúng tôi hy vọng các nước liên quan (ám chỉ Việt Nam) làm việc với chúng tôi, tránh lôi kéo các nước bên ngoài khu vực Biển Ðông (mà họ gọi là biển Hoa Nam).” Lưu Vi Dân, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh họp báo nói. “Chúng tôi cũng hy vọng những nước bên ngoài khu vực tôn trọng và hậu thuẫn cho các cuộc đối thoại và thương thuyết giữa Trung Quốc và các nước liên quan, và tránh đừng xía vào - sự tranh chấp.”

Như để các công ty Nga yên trí, Lương Thanh Nghị, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam tuần trước cũng tuyên bố trong cuộc họp báo ở Hà Nội rằng, “Việt Nam cam kết và có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của các đối tác nước ngoài làm ăn với Việt Nam.”

Theo nhận định của Giáo Sư Carl Thayer, chuyên viên các vấn đề Việt Nam của Học viện Quốc phòng Hoàng gia Úc tên báo South China Morning Post ở Hongkong, người Nga tin rằng họ có mối quan hệ có tính hệ thống với Trung Quốc nên Bắc Kinh có thể không làm dữ với Gazprom hay đối tác của họ.

Ian Storey, chuyên viên nghiên cứu tại Viện Khảo Cứu Ðông Nam Á ở Singapore, cho rằng, dựa trên lợi ích rất lớn của Nga tại Việt Nam (qua các dự án liên doanh khai thác dầu khí Vietxovpetro), hợp đồng mới nhất của Gazprom tại 2 lô 5-2 và 5-3 sẽ đem đến những phức tạp mới.

“Nga sẽ không dễ dàng bị xô đẩy khi kinh doanh ở Việt Nam vì Trung Quốc cũng có mối quan hệ chiến lược với Moscow nên vấn đề trở nên rất phức tạp ở đây.” Storey nhận xét.

Thời còn Liên Xô, Nga từng cung cấp đủ mọi thứ cho Việt Nam để mở các cuộc xâm lăng từ Bắc vào Nam, lại còn giữ căn cứ hải quân Cam Ranh với cả chục ngàn quân đồn trú mãi tới năm 2002. (*)

Mối quan hệ chiến lược giữa Nga và Việt Nam lại càng khắng khít vì hầu hết các trang bị quốc phòng của Việt Nam đều đến từ Moscow. Ngoài 20 chiếc máy bay đa năng Sukhoi SU 30MK2 mới nhận, Việt Nam cũng đã mua của Nga 6 tàu ngầm lớp Kilo mà chiếc đầu tiên sẽ nhận từ năm 2014. Nga cũng tân trang lại cảng quân sự nước sâu Cam Ranh, phục vụ cho đội tàu ngầm sắp nhận.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=147370&zoneid=2
----------------------
(*): Chiến tranh Việt Nam theo quan điểm của báo Người Việt Online.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét