Vibay

Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

Văn tế Liệt sĩ Trường Sa bị VTV loại khỏi kịch bản ?

(Basamnews-31/3/12) Được biết, bài văn tế này là nội dung tác giả tâm đắc nhất trong kịch bản văn học, cũng do chính ông soạn, của chương trình cầu truyền hình: “Trường Sa – Hà Nội – Nước Việt yêu dấu“, do VTV dự kiến thực hiện vào tối 30-4-2012 (tại 2 đầu cầu: Đền Bà Kiệu và đảo Song Tử Tây), vừa bị “đại thượng cấp“ yêu cầu loại khỏi kịch bản. Khả năng chương trình cũng khó được thực hiện đúng tối 30-4.

VĂN TẾ ĐỌC GIỮA BIỂN ĐÔNG DÂNG ANH LINH CÁC LIỆT SĨ HẢI QUÂN HI SINH ĐỂ GIỮ GÌN BIỂN ĐẢO THIÊNG LIÊNG CỦA TỔ QUỐC

Ngày 14 tháng 3 năm 1988, hải quân Trung Quốc ngang ngược tấn công, xâm chiếm trái phép một số đảo trong quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền của nước CHXHCN Việt Nam. Trong cuộc chiến đấu không cân sức ấy, 3 tầu vận tải và 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam đã hi sinh anh dũng. Trong các tài liệu của HQNDVN, sự kiện này được biết đến với tên gọi CQ-88 (Chủ quyền-88). Nhân ngày Thanh Minh, để tưởng niệm anh linh các chiến sĩ quyết tử của chúng ta đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bi hùng nói trên, tôi đã viết “ Văn tế đọc giữa biển Đông”, gửi đến quý bạn xa gần, đặc biệt thiết tha mong các bạn đọc trẻ chia sẻ những điều gửi gắm trong bản văn này!

Nguyễn Khắc Phục

I

Ai bảo nước Biển Đông chỉ có màu xanh?

Ai bảo mây bay trên Trường Sa, Hoàng Sa chỉ mông lung màu trắng?

Ai bảo sóng vây bủa Sinh Tồn, Gạc Ma, Sơn Ca, Nam Yết chỉ chuyển vần theo quy luật đại dương?

Ai bảo mỗi tấc đảo nổi chìm chỉ là đá xám, san hô và cát lạnh?

Tư Chính, Chữ Thập, Châu Viên, Tiên Nữ

Đá Lát, Đá Lớn, Đá Đông, Tốc Tan, Núi Le…

Chỉ có sóng thôi?

Chỉ có nước thôi?

Chỉ có mây thôi?

Cảnh giới vô tri, vô giác?

Không có linh hồn?

Hãy đến giữa Biển Đông

Thắp nén nhang trầm

Thỉnh chư vị anh hùng liệt sĩ

Tụ khí thiêng về với quê hương

Đời đời ghi xương khắc cốt

Những cuộc chiến kiêu hùng giữ biển đảo Việt Nam

Từ Hoàng Sa khoảnh khắc giao thời, đất nước phải nghiến răng vì đại cuộc

Đến thủa Trường Sa bốn phía giặc bao vây, vận mệnh non sông gọi toàn dân một lòng, khí phách hiên ngang, đứng lên giữ nước

Làm sao quên đêm 14 tháng 3 năm 1988

Trên đảo Gạc Ma

Những người lính kiên quyết giữ cờ

Bất chấp lưỡi lê kẻ thù đâm nát ngực

Thiếu úy Trần Văn Phương người lỗ chỗ vết đạn găm, thét lên cùng đồng đội

Thà chết, không chịu mất cờ, mất đảo

Vinh quang thay người lính thủy Việt Nam!

Sẽ thấy nước Biển Đông rực máu

Sóng Biển Đông đau đáu, sứ mạng thiêng liêng

Bảo vệ thanh danh và chủ quyền Tổ Quốc

Mây Biển Đông giông bão chưa bao giờ yên

Mỗi tấc đảo Biển Đông là máu thịt quê hương

Cả Biển Đông thành tượng đài hùng vĩ

Nơi sống mãi những anh linh nước Việt thân thương!

II

Hãy đến những miền quê

Hỏi những Người Mẹ Việt Nam

Đẻ đau mang nặng

Sinh ra những người con, suốt đời gừng cay muối mặn

Nuôi đàn con bằng dòng sữa quê hương

Ngọt vị lúa, bùi khoai thơm sắn

Chỉ mong chân cứng đá mềm

Trời yên biển lặng

Tần tảo làm ăn

Rồi con Mẹ lớn khôn, người xây dựng trên công trường

Người trồng rừng, người bước lên giảng đường đại học

Các anh đi cầm súng, canh trời, giữ biển

Lái hạm tầu lướt qua bão tố, bảo vệ giang sơn

Mẹ đặt tên các anh hiền như cánh cò bay trong ban mai hửng nắng

Những Trần Đức Thông

Những Nguyễn Văn Lanh

Những Vũ Phi Trừ

Những Trần Văn Phương

Những Vũ Huy Lễ

Những Nguyễn Văn Tư

Những Kiều Hồng Lập

Những Nguyễn Bá Cường

Những Nguyễn Văn Chương

Những Nguyễn Sĩ Minh…

Cả đội ngũ những chiến binh dọc ngang trên biển lớn

Những đứa con của châu thổ sông Hồng

Những đứa con miền vựa lúa Cửu Long

Những đứa con sinh ra trên đỉnh núi Trường Sơn

Những đứa con của vùng quê quan họ

Những đứa con của điệu hò sông Mã

Sông Trà, sông Vệ, sông Thu

Sông cha Kơ-nô, sông mẹ A Na

Những đứa con múa khiên, thuộc những bản sử thi cổ đại

Đam San, Đẻ Đất Đẻ Nước, Sống Chụ Xôn Xao…

Những đồng ngũ từ trăm miền quê họp nhau giữa Biển Đông thành hạm đội không chìm

Chỉ bốn chữ linh thiêng “Phẩm giá – Chủ Quyền”

Hòa trong máu Những Anh Hùng Bất Khuất

Đã làm nên sức mạnh Việt Nam

III

Hỏi các anh linh hi sinh trên biển cả

Giữ từng tấc đảo thiêng liêng

Chúng tôi nghe Hồn Các Anh nhắn nhủ

Hãy đến xứ Đường Lâm thỉnh nguyện ý Ngô Vương Quyền

Hãy nghe bài thơ thần Nam Quốc Sơn Hà trên sông Như Nguyệt

Hãy trèo lên đỉnh Phù Vân bệ kiến Đức Điều Ngự Giác Hoàng

Hãy về chùa Bút Tháp, Mẹ Phật Nghìn Mắt Nghìn Tay chỉ lối

Hãy viếng đền Vạn Kiếp, kiêu hãnh đọc Đức Thánh Trần viết trong Binh Thư Yếu Lược

Hãy về đất An Khê chiêm ngưỡng đại đế Quang Trung

Hãy lên Điện Biên tự hào ôn kì tích anh hùng

Thời đại Hồ Chí Minh và Tướng Giáp

Tiên tổ anh linh đã chỉ lối cho hải trình chiến đấu

Mắt mở to nhìn lũ hồ li tinh

Bọn cướp biển có thay râu đổi mũ

Vẫn hiện nguyên hình

Chẳng phải đến bây giờ mới cháy nhà ra mặt chuột

Chúng đã từng vùi thây trong sóng nước Bạch Đằng

Chúng đã từng rơi đầu trên ải Chi Lăng

Chúng đã từng chui ống đồng chạy về cố quốc

Chúng đã từng run lên nghe “Phạt Tống lộ bố văn”

Chúng đã từng mưu toan hủy diệt văn hiến nước Nam

Nhưng rốt cuộc phải xin được toàn thân cút khỏi Đông Quan

Chúng đã từng tự treo cổ mình trên gò Đống Đa mùa xuân Kỉ Dậu

Chúng đã từng xua quân giết đồng bào ta dọc biên cương phía bắc

Và cũng chúng, ngậm máu phun người

Toàn quỷ thuật điểm phấn tô son, những ” bốn tốt” với ” 16 chữ vàng” làm thiên hạ ngủ mê

Xưa hung hiểm “tầu ô”, nay ngang ngược “lưỡi bò”, giương oai hăm dọa

Đòi cướp trắng Biển Đông

Dân ta yêu hòa bình, chuộng tình nghĩa, nhân văn, đạo lí

Muốn giữ nước phải đứng lên cầm vũ khí

Là sức mạnh Việt Nam trong thế trận Diên Hồng

Cả lịch sử mấy nghìn năm nuôi chí anh hùng

Mỗi người Việt – một chiến binh giữ nước

Không hổ danh con Lạc cháu Hồng

Tổ Quốc kính cẩn nghiêng mình, đời đời biết ơn những anh hùng liệt sĩ hải quân

Đã anh dũng hi sinh cho biển đảo Việt Nam

Chúng tôi nguyện theo bước các anh

Tất cả hiến dâng cho danh dự, phẩm giá, hòa bình và chủ quyền đất nước!

Hà Nội, tháng 3 năm 2012

Nguyễn Khắc Phục

-----------------------

* Ảnh: 1- Trang trí; 2- Nhà văn Nguyễn Khắc Phục (ảnh của Nguyễn Đình Toán); 3 - Bia mộ của anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương khi chưa tôn tạo, nhìn kỹ, thấy hai chữ “Anh hùng” trước hai chữ “Liệt sĩ” (Ảnh: blog Cu làng cát); 4 – Hằng ngày, anh Đức – người binh nhất Gạc Ma năm xưa – cứ lang thang ngóng ra biển (Ảnh: Nam Cường/TP); 5- Mộ anh Phương ngày nay, tôn tạo lại nhưng đã đục bỏ hai chữ “Anh hùng”. (Ảnh: Người Ba Đồn).



Theo Ba Sàm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét