Vibay

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Phải chăng người Nhật muốn đẩy ông Kim Jong Un vào chủ nghĩa tư bản?


17/4/12- Nhà lãnh đạo mới của Bắc Triều Tiên là Kim Jong Un đã chỉ thị triển khai các cuộc thảo luận về cải cách kinh tế, không e ngại cả việc bàn tới những phương pháp quản lý tư bản, - tờ báo Nhật Bản Mainichi viết. Người đại diện của Đảng Lao động Triều Tiên cho báo này hay, ông Kim Jong Un ra lệnh vận dụng bất kỳ kinh nghiệm kinh tế hữu ích, bất kể đó là của Trung Quốc, Nga hay Nhật Bản.

Mainichi khẳng định rằng, nhà lãnh đạo mới của Bắc Triều Tiên kêu gọi loại bỏ mọi sự cấm đoán khi thảo luận về cải thiện tình hình kinh tế trong nước. Đồng thời cho phép tự do bày tỏ ý kiến, không sợ những cáo buộc về ý thức hệ. Ông Konstantin Asmolov, phân tích gia từ Viện Nghiên cứu Viễn Đông nhận định rằng, còn sớm để có thể nghiêm túc tiếp nhận những thông tin này:

“Các phương tiện truyền thông Nhật Bản thỉnh thoảng lại tung ra tin tức không rõ được lấy từ đâu. Thông tin mang tính chất giật gân rẻ tiền và làm lung lay con thuyền Bắc Triều Tiên. Nên chờ đợi sự xác minh điều này và chờ khi các nhà ngoại giao, chuyên viên Trung Quốc và Nga nói về cuộc thảo luận như vậy ở CHDCND Triều Tiên.”

Thông tin về việc ông Kim Jong Un kêu gọi thích ứng các điều kiện thị trường tư bản vào hoàn cảnh Bắc Triều Tiên là điều "khá bất ngờ". Đài "Tiếng nói nước Nga" nhận được đánh giá này từ ông Georgi Toloraya, nhà nghiên cứu Hàn Quốc từ Viện Kinh tế. Theo chuyên viên, ông Kim Jong Un đang mải bận tâm với việc củng cố quyền lực. Đồng thời ông đang chứng tỏ mình là người kế thừa đường lối bất di bất dịch của các nhà tiền nhiệm Kim Il Sung và Kim Jong Il. Georgi Toloraya khẳng định rằng, sự biến đổi nếu có sẽ đến muộn hơn, khi tính ổn định quyền lực chính trị của ông Kim Jong Un được hoàn toàn đảm bảo.

“Đối với Bắc Triều Tiên, nhu cầu cải cách đã có từ nhiều năm nay. Vấn đề đặt ra là họ không thể cho phép đất nước thực sự cởi mở. Sự xâm nhập của những ý tưởng và thông tin từ bên ngoài sẽ làm nổ tung chế độ, dẫn tới sự sụp đổ và thôn tính từ phía miền Nam. Ở Bắc Triều Tiên người ta hiểu rõ điều này và vì thế cho tới nay vẫn không chấp nhận bất cứ cải cách. Bình Nhưỡng muốn hạn chế sự thay đổi kinh tế của đất nước. Trước hết điều cần làm là phải hợp pháp hóa những gì trong thực tế đã có. Đó là buôn bán thị trường, doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ, trao đổi hàng hóa giữa các doanh nghiệp. Những yếu tố này đang tồn tại bên ngoài qui định pháp luật và thường xuyên phải chịu sự truy đuổi.”

Khi lựa chọn các kinh nghiệm cải cách kinh tế, Bắc Triều Tiên không nên dập khuôn sao chép, - bà Victoria Samsonova, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Viễn Đông cho biết ý kiến:

“Bắc Triều Tiên phải phát triển theo con đường riêng của mình, có thể sử dụng những kinh nghiệm của Trung Quốc. Ở đây phải có một sự cân bằng nhất định, bởi hôm nay cả hai miền Nam và Bắc Triều Tiên đều liên kết với đối tác Trung Quốc. Trong tình huống này, Nga có thể đóng vai trò cân đối hoặc trung gian cho Bắc và Nam, để giảm sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc.”

Nga đã đề xuất một sơ đồ có khả năng giúp Bắc Triều Tiên thoát khỏi sự cô lập và thúc đẩy hợp tác trên nguyên tắc thị trường. Đó là hoạt động lắp đặt đường ống dẫn khí sang Hàn Quốc thông qua Bắc Triều Tiên, kết nối các tuyến đường sắt trên bán đảo Triều Tiên với hệ thống đường sắt Xuyên Siberia. Đặc biệt, trên mặt bằng này có thể vay mượn cả các kinh nghiệm của Nga về thực hiện thành công những dự án thương mại đa phương.

http://vietnamese.ruvr.ru/2012_04_17/72020818/

1 nhận xét:

  1. theo xu the cua thoi dai ngay nay.bac trieu tien sap sua thay doi,tuong tu nhung gi da va dang xay ra o mien dien,theo tinh hinh cu the o bac trieu tien.bac trieu tien se quyet doan doc lap hon va thoat dan khoi su kim kep cua trung quoc.tuong lai trung quoc se mat mat rat nhieu doi voi bac trieu tien.

    Trả lờiXóa