Vibay

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Bị TQ thúc ép, Cam Bốt không đưa Biển Đông vào chương trình Thượng đỉnh ASEAN

03/4/12-Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN sẽ khai mạc ngày mai 03/04/2012 tại Phnom Penh, ngay sau khi chuyến viếng thăm Cam Bốt của chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào kết thúc. Hệ quả của chuyến đi này là Cam Bốt, chủ tịch luân phiên của ASEAN, sẽ không đưa Biển Đông vào chương trình nghị sự chính thức của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Phnom Penh, khai mạc ngày mai. Từ Phnom Penh, đặc phái viên Thanh Phương tường trình :

Nghe:


Ngoại trưởng các nước ASEAN tại Thượng đỉnh, Phnompenh, 02/04/2012
REUTERS/Samrang Pring

Với một dụng ý khá rõ rệt, bản Tuyên bố chung Cam Bốt Trung Quốc sau chuyến viếng thăm của chủ tịch Hồ Cẩm Đào tại Phnom Penh ( 30/03 đến 02/04 ) cũng đã được phân phát tại Trung tâm báo chí Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN hôm nay, tuy rằng chuyến đi của chủ tịch Trung Quốc không có quan hệ trực tiếp với hội nghị này.

Chi tiết nói trên cho thấy là chiếc bóng của Trung Quốc bao trùm Thượng đỉnh Phnom Penh, sẽ khai mạc ngày mai, và ai cũng thấy rằng chuyến viếng thăm của chủ tịch Hồ Cẩm Đào không phải là một sự trùng hợp về thời điểm, mà đã có sự tính toán.

Với hàng chục triệu đôla tiền cho vay và viện trợ, chủ tịch Trung Quốc đã thuyết phục được lãnh đạo nước chủ nhà Cam Bốt, đương kim chủ tịch ASEAN, không đặt nặng vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông trong chương trình nghị sự Thượng đỉnh Phnom Penh.

Trong bản thông cáo chung, hai nước Cam Bốt và Trung Quốc đồng ý với nhau là Trung Quốc và ASEAN nên tiếp tục thực hiện đầy đủ bản Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông DOC. Hai nước cũng đã thoả thuận là vấn đề Biển Đông không nên được « quốc tế hóa » mà chỉ nên được giải quyết trong khuôn khổ ASEAN.

Theo lời phát ngôn viên thủ tướng Hun Sen hôm qua, về mặt chính thức, Biển Đông sẽ không nằm trong chương trình nghị sự Hội nghị Thượng đỉnh Phnom Penh và nếu có nước nào nêu lên hồ sơ này, thì các lãnh đạo ASEAN cũng sẽ chỉ bàn đến việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử mà thôi.

Như vậy gần như chắc chắn là, Thượng đỉnh ASEAN lần này sẽ không có bước tiến gì đáng kể trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với bốn nước ASEAN, đặc biệt sẽ không bàn đến việc soạn một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC, có tính chất ràng buộc hơn. Theo báo chí Phnom Penh hôm nay, khi gặp thủ tướng Hun Sen hôm thứ bảy vừa qua, chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã nói là, đi « quá nhanh » trong vấn đề này sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng khu vực.

Trước thái độ của Cam Bốt, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario hôm nay đã yêu cầu các đồng nhiệm Đông Nam Á là khối ASEAN phải có một lập trường chung dối với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, cụ thể là phải đồng ý với nhau về một bản dự thảo Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông, trước khi họp với Trung Quốc. Theo phái đoàn Manila, vấn đề Biển Đông phải đạt tiến bộ về thực chất, chứ không phải về hình thức và trong hồ sơ này, luật quốc tế phải được đặt lên trên hết. Lập trường của Philippines đã được tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan ủng hộ.

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120402-bi-trung-quoc-thuc-ep-cam-bot-khong-dua-bien-dong-vao-chuong-trinh-nghi-su-thuong-

Thượng đỉnh Asean 20 khai mạc tại Phnompenh

Lãnh đạo 10 nước Đông Nam Á họp tại thủ đô Cam Bốt trong ngày hôm nay 03/04/2012 với ba chủ đề lớn : cải cách lịch sử tại Miến Điện, tên lửa Bắc Triều Tiên và tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông. Asean hoan nghênh diễn tiến bầu cử tại Miến Điện và kêu gọi phương Tây bãi bỏ lệnh trừng phạt với Miến Điện.

Tham dự hội nghị thượng đỉnh Asean hai ngày sau cuộc bầu cử bổ sung tại Miến Điện mà đối lập giành chiến thắng áp đảo, Tổng thống Miến Điện Thein Sein ca ngợi « bầu cử đã thành công một cách tốt đẹp ». Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi đã giành được 40 trên 45 ghế dân biểu bổ khuyết.

Với tư cách là chủ tịch luân phiên của Asean nhiệm kỳ 2012, Cam Bốt đã nhanh chóng nhấn mạnh đến yếu tố «tự do và công bằng » của cuộc bỏ phiếu tại Miến Điện và kêu gọi Tây phương bỏ lệnh trừng phạt.

Hiệp hội Asean, qua bản dự thảo tuyên bố chung, đã hoan nghênh diễn tiến bầu cử tại Miến Điện và ngay trong cuộc họp sáng nay đã kêu gọi quốc tế bãi bỏ lệnh trừng phạt thành viên Miến Điện.

Về hồ sơ vũ khí của Bắc Triều Tiên, phái đoàn Philippines cho biết Asean có lập trường chung cứng rắn lên án Bình Nhưỡng thử nghiệm tên lửa mang đầu đạn hạt nhân ngụy trang qua dự án phóng vệ tinh bằng tên lửa đạn đạo.

Về hồ sơ biển Đông, AFP trích dẫn các nguồn tin từ hội nghị thượng đỉnh cho biết tình hình căng thẳng do tranh chấp chủ quyền biển đảo và dầu khí với Trung Quốc và nguy cơ tác hại đến quyền tự do hàng hải sẽ là một chủ đề chính trong cuộc họp hôm nay.

Hoa Kỳ ủng hộ các nước Đông Nam Á đề nghị với Trung Quốc một « bộ luật ứng xử » có tính cách trói buộc hầu tránh va chạm nhỏ có thể biến thành chiến tranh. Tổng thống Philippines tuyên bố với các lãnh đạo trong hiệp hội là Asean nên thống nhất trên một dự án trước khi mời Bắc Kinh đàm phán.

Tuy nhiên, dưới sức ép của Trung Quốc, nhất là sau chuyến công du của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào hồi tuần qua, chính quyền Cam Bốt có vẻ nghiêng theo lập trường của Bắc Kinh, không đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình của Thượng đỉnh. Mặc dù các giới chức Cam Bốt phủ nhận tin này, nhưng Thủ tướng Hunsen đã không ghi vào danh sách các vấn đề ưu tiên trong nhiệm kỳ Cam Bốt làm chủ tịch Asean năm 2012.

Chính sách mới của Hoa Kỳ « tái định vị » tại châu Á và thế mạnh đang lên của Trung Quốc đã đặt Asean với 600 triệu dân vào vai trò bản lề.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120403-thuong-dinh-asean-khai-mac-tai-phnompenh-voi-cac-ho-so-mien-dien-bac-trieu-tien-va-b

1 nhận xét:

  1. Hello friends, how is everything, and what you wish for
    to say regarding this piece of writing, in my view its in fact amazing designed
    for me.

    my web-site: website
    Also see my site :: http://www.elpicoenelojo.cl/blogs/user/CarolynWol

    Trả lờiXóa